Khai mạc Hội thảo Phật giáo vùng Nam bộ

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 10-1, tại cơ sở 2 Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) đã khai mạc hội thảo “Phật giáo vùng Nam bộ - Sự hình thành và phát triển”, do Học viện và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã điểm lại những thành tựu của phong trào chấn hưng và giáo dục Phật giáo của những năm đầu thế kỷ 20 với sự kiện ra đời của các hội Phật học, các Phật học đường… tạo nên sinh khí mới cho sự hồi sinh, của Phật giáo ở vùng đất Nam bộ trong dấu ấn hình thành và phát triển.

Trưởng lão Hòa thượng cũng nêu sứ mạng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của Học viện Phật giáo tại TP.HCM, tiền thân là Đại học Vạn Hạnh (1964) đã có những đóng góp không nhỏ cho nền học thuật Phật giáo cận hiện đại. Ngày nay Học viện vẫn đang tiếp tục là gạch nối từ quá khứ để phát triển trong tương lai.

Chư tôn đức, quan khách tham dự

Chư tôn đức, quan khách tham dự

Nói về chủ đề hội thảo,Trưởng lão Hòa thượng cho biết: “Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định rõ diện mạo Phật giáo vùng Nam bộ với tư cách là hệ hình thái văn hóa - tôn giáo vùng. Do vậy, hệ giá trị, bản sắc văn hóa của Phật giáo vùng Nam bộ vẫn chưa được khắc họa rõ nét. Nhưng chúng ta đều có chung tâm thức rằng: “Phật giáo vùng Nam bộ hiện diện trong trái tim và có tiềm năng vượt trội”.

Trong vai trò chỉ đạo hội thảo, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận định: “Phật giáo Việt Nam với tư tưởng nhập thế 'Hộ quốc an dân' luôn đồng hành cùng vận mệnh của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Trong suốt hành trình đó, Phật giáo vùng Nam Bộ có thể được xem là một điểm nhấn quan trọng không chỉ trong công tác Phật sự mà còn góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng đất nước trong lịch sử cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, tạo nên một sắc thái riêng trong tổng thể văn hóa Phật giáo cả nước”.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Theo bà Hiệu trưởng, những kết quả nghiên cứu và các ý tưởng đạt được qua hội thảo lần này sẽ tạo nguồn cảm hứng và động lực cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn về Phật giáo vùng Nam bộ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, trên phương diện khoa học lẫn thực tiễn.

Ông Prasanna Gamage, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam phát biểu trước toàn thể, nhìn nhận sâu sắc về sự hình thành và phát triển của hai truyền thống Phật giáo là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Ông Đại sứ cũng đã gợi ý về việc tổ chức hội thảo trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa của hai quốc gia để tìm được hướng đi chung trong việc phát triển Phật giáo ở khu vực với hai hệ thống truyền thừa.

Ông Prasanna Gamage, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam

Ông Prasanna Gamage, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam

Đại diện lãnh đạo chính quyền, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ mong muốn hội thảo nhận được những ý kiến hữu ích, giúp Phật giáo vùng Nam bộ trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế được tốt hơn; thông qua đó phát huy vai trò, vị trí và làm lan tỏa giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo vùng Nam Bộ đối với xã hội.

Đề dẫn hội thảo, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện, Trưởng ban Tổ chức cho biết, Hội thảo lần này đón nhận 150 bài viết nhưng có 118 bài phù hợp được lựa chọn.

Theo Thượng tọa, Phật giáo vùng Nam bộ đã tạo ra một hệ hình tôn giáo với nhiều trường phái, hệ phái Phật giáo và diện mạo đa dạng về sắc thái, phong phú về hình thức, song lại thống nhất bởi các giá trị cốt lõi của Phật giáo và có tinh thần tiếp biến văn hóa, hợp tác, đoàn kết tôn giáo. Tiếp cận từ góc độ lịch sử, tôn giáo, khảo cổ học, văn hoá học, dân tộc học, hội thảo này nhằm làm rõ các giai đoạn lịch sử của quá trình truyền bá, lan tỏa và phát triển của Phật giáo ở vùng Nam bộ cũng như ảnh hưởng và vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội trong các cộng đồng dân tộc ở vùng Nam bộ từ khi du nhập, phát triển cho đến hiện nay.

Thượng tọa Thích Nhật Từ đề dẫn hội thảo

Thượng tọa Thích Nhật Từ đề dẫn hội thảo

Thượng tọa cho biết thêm sẽ có 5 diễn đàn để triển khai 5 nhóm chủ đề để làm rõ những đóng góp của Phật giáo trên vùng đất Nam bộ này gồm: về năm chủ đề: (1) Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển, (2) Phật giáo vùng Nam bộ trong thế kỷ XX, (3) Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam bộ, (4) Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, (5) Phật giáo các tỉnh, thành phố vùng Nam bộ.

“Chúng ta cùng nhau thảo luận về đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo và những con đường du nhập, lan toả Phật giáo ở vùng Nam bộ trong bối cảnh xã hội, kinh tế, văn hoá từ thế kỷ XV-XIX tại vùng Nam bộ. Quá trình nghiên cứu khách quan này giúp chúng ta tái hiện bức tranh lan toả Phật giáo ở vùng Nam bộ bao gồm con đường khẩn hoang của người Việt cũng như sự du nhập Phật giáo từ đoàn quân Phục Minh, phản Thanh người Hoa và sự du nhập Phật giáo Nam tông từ Campuchia. Sự gắn bó mật thiết và đồng hành của Phật giáo với quá trình hình thành, phát triển lịch sử, văn hóa, xã hội và dân tộc ở vùng Nam bộ, không chỉ dừng lại ở hiện tượng xã hội, mà còn thể hiện ở tính quy luật. Điều này tạo nên diện mạo và sắc thái của Phật giáo Nam bộ so với Phật giáo khu vực”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu

Định hướng và chỉ đạo tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết, trong dòng chảy thời gian và hoàn cảnh lịch sử, đạo Phật đã có mặt tại vùng đất Nam bộ vào những năm đầu thế kỷ 17 bằng sự kiện Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ. Trong quá trình mở mang vùng đất phương Nam, các Chúa Nguyễn đều là những người sùng kính đạo Phật, điều này đã tạo sự thuận lợi cho việc phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong. Vào khoảng giữa thế kỷ 17, Phật giáo Đàng Trong xuất hiện nhiều danh Tăng trong nước và từ Trung Hoa theo đoàn di cư phản Thanh, phục Minh đến truyền bá Phật pháp.

Hòa thượng Chủ tịch cũng mong rằng các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu qua hội thảo này rút ra các bài học mà tiền nhân đã sử dụng trong tiến trình hình thành và phát triển vùng Nam bộ trong hơn 3 thế kỷ qua.

“Tôi rất mong mọi người hãy sẵn sàng nhận diện những thách thức tìm ẩn mà vùng Nam bộ cần phải khắc phục, vượt qua”, Hòa thượng nói.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM với Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM với Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Phiên khai mạc hội thảo thúc bằng việc ký kết giữa Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia TP.HCM về việc hợp tác triển khai các hoạt động chung về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu khoa học giữa học viện và nhà trường.

Một số hình ảnh của phiên khai mạc hội thảo:

Phiên khai mạc diễn ra ở chánh điện tạm, cơ sở 2 của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Phiên khai mạc diễn ra ở chánh điện tạm, cơ sở 2 của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày