GNO - Ngày 27-4 (nhằm ngày 18-3-Quý Tỵ) Đại đức Thích Nhuận Phương, trú trì chùa Thiền Sơn tổ chức lễ giỗ Tổ khai sơn (lần thứ 75) chùa - Di tích lịch sử văn hóa, tại thôn Trường Lộc, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Chư tôn thiền đức bạch Phật
Và tiến giác linh Tổ
Chứng minh và tham dự có TT.Thích Quảng Tâm, cùng chư tôn đức Tăng - Ban Kinh sư thị xã Ninh Hòa và đông đảo đồng bào Phật tử tham dự.
Sau nghi lễ niêm hương bạch Phật, tiến giác linh Tổ, TT.Thích Quảng Tâm đã trao đổi về quá trình hình thành và phát triển chùa Thiền Sơn.
Chùa do Hòa thượng Thích Nhơn Sơn húy thượng Trừng hạ Nghệ, tự Thiện Tinh đời thứ 42 dòng Lâm Tế chánh Tông khai sơn vào đầu thế kỷ 20. Hòa thượng thế danh Nguyễn Du còn gọi là Nguyễn Phát, sinh năm 1888, tại Bồng Sơn, tỉnh Bình Ðịnh. Năm 20 tuổi ngài cùng mẹ và hai chị gái rời quê hương vào Trường Lộc, Ninh Hòa khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Sau một thời gian sống ở đây ngài không chịu nổi sự áp bức của bộ máy cường hào, hương lý (hội tề thôn). Chàng thanh niên 20 tuổi này đã cùng một số hộ và gia đình mình đến Lỗ Mây cuối thôn Trường Lộc, lập ấp mới mang tên là ấp Bình Tây. Như thế Tổ Nhơn Sơn không chỉ là Tổ khai sơn chùa Thiền Sơn (Lỗ Mây) mà Tổ còn là thành hoàng khai khẩn ấp Bình Tây (Trường Lộc). Cổng chùa Thiền Sơn ngày nay Một thời gian sau, do nhiều biến cố của thời thế ảnh hưởng đến cuộc đời, ngài xin phép mẹ xuất gia đầu Phật với Tổ Phước Tường, đời thứ 41 dòng Lâm Tế chánh Tông, tại chùa Thiên Bửu, Ninh Hòa được Tổ thương mến vì đạo hạnh khắc khổ và lòng hiếu thảo của ngài, nên cho phép ngài khai sơn ngôi chùa nơi vùng đất mới Lỗ Mây (Bình Tây) và được Tổ an danh là chùa Thiền Sơn với ý nghĩa chùa tu Thiền ở vùng núi. Do đó chùa Thiền Sơn còn có tên là chùa Lỗ Mây hoặc chùa Phước Thiền Sơn. Năm 1932, Tổ Phước Tường viên tịch, thể lòng hiếu đạo với bổn sư, ngài tự nguyện thiền tọa tại Tháp Tổ tư lư trong 100 ngày ngoài trời bất kể nắng mưa. Ai đi ngang qua cũng lấy làm cảm động và quý kính… Hạnh tu của ngài là vân du đây đó hóa độ chúng sinh, mỗi đợt đi vài ba tháng mới về chùa một lần. Ăn uống giản dị, cơm khô, gạo rang, rau rừng, măng tre, nước suối... Đó cũng là hạnh tu của các vị cao tăng Khánh Hòa đầu thế kỷ XX, trong đó có Bồ-tát Thích Quảng Đức. Năm 1935, thân mẫu ngài qua đời ngày 25 tháng Chạp năm Ất Hợi, ngài về thọ tang và ngồi mã tư lư cho đến ngày mãn tang, người gầy chỉ còn da bọc xương và đen như mun. Mãn tang mẹ, ngài phát nguyện xả thân cầu đạo tại núi Ðá Bàn (Ninh Hòa) trong vòng 100 ngày. Ngài xách chiếc va li nhỏ bằng mây lên đường hành đạo. Trên đường đi ngài dừng chân tại làng Quảng Thiện, xã Ninh An thế độ cho một cư sĩ cải gia lập tự và an danh là chùa Long Thọ. Tổ Nhơn Sơn ngồi thiền định 100 ngày tại gộp Ông Hiệu, núi Ðá Bàn. Đêm 17 tháng ba năm Mậu Dần (1938) có một tia sáng lóe lên từ núi Ðá Bàn bay xẹt qua Hòn Lớn với 3 tiếng nổ lớn làm cho những người đi địu tìm trầm gần đó kinh ngạc, hoảng sợ. Chiều hôm sau có một nhóm người tìm trầm đến gộp đá Ông Hiệu, đó là những đệ tử của ngài, tìm ngài, nhưng ngài đã viên tịch, trong tư thế ngồi kiết già trên một tảng đá. Ngài trụ thế 51 năm. Các đệ tử làm lễ trà tỳ ngài tại chỗ rồi lấy tro bỏ vào chiếc va li mây đem về nhập Tháp tại chùa Thiền Sơn. Tháp Tổ Sau này, khi Hòa thượng Thích Hạnh Hải - đệ tử của ngài - nguyên Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng BTS GHPGVN huyện Ninh Hòa, trú trì chùa Thiên Bửu đã tân tạo bảo tháp ngài tại chùa Thiên Bửu (Bình Thành, Ninh Hòa) bên cạnh tháp Tổ Phước Tường. Nơi đây một ngôi chùa cổ, có những đóng góp lớn trong 9 năm kháng chiến chống Pháp - là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng, nơi tập kết vũ khí, thuốc men, lương thực, cung cấp cho các cơ quan huyện Ninh Hòa và tỉnh Khánh Hòa ở chiến khu Hòn Lớn, nơi dừng chân của cán bộ, bộ đội, địa chỉ liên lạc của chiến khu Hòn Lớn với Ninh Hòa, Nha Trang. Do đó Trung tâm Quản lý Di tích Danh lam thắng cảnh Khánh Hòa năm 2001 đã công nhận chùa Thiền Sơn, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa là ngôi chùa di tích lịch sử ở thị xã Ninh Hòa.
Về di tích chùa Thiền Sơn và Tổ khai sơn