Khi các nhà sư Campuchia bảo vệ rừng

Các nhà sư ở Song Rukavon đang bảo vệ rừng.
Các nhà sư ở Song Rukavon đang bảo vệ rừng.
Theo tin tức của tờ Sydney Morning Herald, sau khi đấu tranh giành quyền kiểm soát khu rừng rậm bao quanh nơi ở của mình, các nhà sư Campuchia muốn đầu tư để bảo vệ khu rừng, đồng thời giao dịch hạn mức carbon trên thị trường quốc tế.

Những nhà sư ở Song Rukavon, miền Bắc Campuchia luôn cảm thấy thoải mái nhất khi ở trong khu rừng bao quanh ngôi chùa của họ. Họ biết rằng, đã từ rất lâu, cuộc sống của những người dân làng bên, cũng như họ, hoàn toàn phụ thuộc vào khu rừng này. Và họ cũng là những người thông thạo khu bìa rừng, hệ động thực vật, chu kỳ mùa khô, mùa mưa, thời kỳ dễ cháy rừng và thời kỳ tái sinh rừng.

Một khoảng thời gian trước, các nhà sư vẫn chưa là chủ sở hữu chính thức của khu rừng. Họ đã mất hai năm để có được quyền kiểm soát hợp pháp 18 ha đất rừng. Kể từ đó, họ đã có thể bảo vệ khu rừng khỏi bọn lâm tặc, đồng thời phục hồi những mảnh rừng bị tàn phá.

Các nhà sư mong muốn rằng, họ có thể sớm bán cũng như tích trữ tín dụng carbon và trở thành những nhà kinh doanh tín dụng carbon thực thụ trên thị trường quốc tế. Sư thầy Lee Ragano cho biết: "Với khoản thu này, chúng tôi có thể xây thêm trường học, mở rộng đường sá, cải thiện hệ thống quản lý rừng và mở các lớp tập huấn canh tác cho nông dân".

Hiện tại, căn cứ vào những bảng hiệu màu xanh và vàng, mọi người có thể biết rằng khu vực này là một khu rừng cộng đồng. Các tình nguyện viên thường xuyên tuần tra để ngăn chặn các vụ khai thác rừng bất hợp pháp và các vụ đốt phá rừng làm rẫy. Số tiền thu được nhờ vào việc buôn bán hạn mức carbon sẽ được dùng để trang bị xe tuần tra và phương tiện phòng cháy chữa cháy. Dự án rừng cộng đồng Otdar Mean Chey nhắm đến sự phê chuẩn hai tiêu chí của thị trường tín dụng carbon: tiêu chuẩn carbon tự nguyện, bao gồm phương thức đo lường carbon tự nguyện, liên minh khí hậu, cộng đồng và đa dạng sinh học, đánh giá các bước cải tiến trên phương diện xã hội và môi trường. Ngay cả khi chưa thu về bất kỳ một khoản lợi nào, các nhà sư cũng mang tâm trạng của người chiến thắng vì họ đã giành được quyền sở hữu khu rừng mà họ cảm thấy như là đã thuộc về mình từ nhiều thế hệ trước.

"Trước kia, những người lạ từng đến đây đốn cây bất hợp pháp, phá rừng làm rẫy, còn những người dân sống phụ thuộc vào khu rừng này lại không hề có một phương tiện nào để ngăn chặn những việc đó. Thế nhưng giờ đây, chúng tôi sở hữu khu đất này, chúng tôi kiểm soát nó và chúng tôi có thể ngăn chặn bất cứ ai xâm hại nó"- sư thầy Lee nói.

Campuchia đã phải trải qua một trong những nạn phá rừng
tồi tệ nhất trên thế giới

Phó Chủ tịch Pact, tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ giúp đỡ những khu rừng cộng đồng của vùng Otdar Mean Chey "đem carbon ra thị trường", ông Kurt MacLeod đảm bảo rằng những dự án này sẽ đem về khoản lợi nhuận khổng lồ, đóng góp cho sự phát triển của các cộng đồng dân cư nghèo tại đó. Ông cũng hy vọng rằng những khoản thu đầu tiên sẽ đến vào năm 2011.

"Khi những điều luật được ban bố (tại các nước giàu), những doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm kiếm các dự án được hợp thức hóa (bởi Liên Hiệp Quốc), trong 5 năm tới, nhu cầu mua hạn mức carbon sẽ lớn hơn nhiều so với lượng cung"- MacLeod quả quyết.

Các nước công nghiệp rất quan tâm đến việc trả tiền cho các nước nghèo nhất để bảo vệ rừng trên chính lãnh thổ của họ. Đức, Pháp, Nauy, Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản đã cam kết chi 4 tỉ USD cho Redd (biện pháp Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển) trong các phiên họp về khí hậu tháng 5/2010.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng xác định rõ ràng được lượng carbon trên thị trường trong tương lai. Tại những nước như Campuchia, người ta lo ngại khả năng các nhà làm luật muốn hưởng một phần của chiếc bánh, biển thủ khoản tiền Redd, vốn phải dành cho những người dân sở hữu và bảo vệ các khu rừng.

Campuchia đã từng hứng chịu một trong những nạn phá rừng tồi tệ nhất trên thế giới. Hơn 7 triệu ha rừng, chiếm 39% diện tích lãnh thổ đã bị bán để khai thác gỗ. Từ năm 1970, độ che phủ rừng nguyên sinh đã giảm từ 70% xuống chỉ còn 3,1%. Năm 2002, lệnh cấm khai thác gỗ đã làm chậm lại tốc độ phá rừng nhưng lệnh này thường xuyên bị vi phạm vì chung quy là vẫn có sự chấp thuận ngầm của một số quan chức công quyền bị mua chuộc.

Hạn mức carbon là gì?

Thị trường kinh doanh khí thải quốc tế cho phép các bên có lượng phát thải cao có ký cam kết theo Nghị định thư Kyoto mua giấy phép phát thải cho các khí nhà kính (trong đó có carbon) từ các nước khác có lượng khí phát thải thấp. Mục đích của thị trường carbon là buộc các công ty tuân thủ mục tiêu giảm thiểu khí thải. Nếu một công ty giảm được lượng khí thải, nó có thể bán phần còn lại trong hạn ngạch trên thị trường carbon. Người mua sẽ là một công ty khác thải khí quá hạn ngạch được phân bổ. Họ phải mua thêm hạn ngạch để tránh bị phạt tiền.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày