Khi người nghèo không có Tết

Ngày cuối năm đã cận kề, mọi người tất bật hơn để chuẩn bị cho mình một cái Tết tươm tất, đầm ấm bên người thân và gia đình. Nhưng trong cái nhộn nhịp, tấp nập đó, còn có những con người khó nhọc mưu sinh và với họ hình như không có khái niệm Tết đến.

DSC_0001.JPG

Những bữa cơm miễn phí đã giúp người nghèo giảm một khoản chi phí đáng kể

Mưu sinh khó nhọc

Rời quê nhà cách đây vài tháng, một mình với mọi thứ lạ lẫm với đôi chân tật nguyền vì căn bệnh sốt bại liệt từ nhỏ, Nguyễn Thị Bình, 27 tuổi, quê Bình Thuận khó nhọc lê mình trên đôi nạng gỗ và bước từng bước khó nhọc để bán từng tấm vé số để mong dành dụm chút ít tiền lo cho chính mình.

Ngày ra đi, đôi giầy rách đã tướm máu. Những lúc đó, Bình đã mím chặt môi chịu đựng với mong mỏi tìm cho mình một công việc để có thể giảm bớt gánh nặng cho gia đình, giúp đỡ mẹ và các em. "Em đã lê đôi chân này trên khắp các đường phố và quá khó để em tìm cho mình một công việc. Tình cờ được một thầy ở chùa thương tình nên giúp cho một đôi giầy có nẹp sắt. Số tiền thầy cho còn dư hơn 100 ngàn, vậy là em mua 10 tấm vé số để đi bán". Bình tâm sự về những ngày đầu vất vả tìm con đường mưu sinh nơi xứ lạ.

Hỏi Bình sao không ở quê cũng có thể tìm một công việc tương tự, Bình nói những ngày ở quê phụ việc làm cá, ghẹ dưới bãi biển. Nếu nhiều công việc thì có thể kiếm được khoảng 30 ngàn đồng nhưng phải ngồi phơi nắng và còng lưng cả ngày, Bình không đủ sức khỏe. Trong khi đó, gia đình toàn là người đau yếu nên Bình quyết tâm đi Sài Gòn lập nghiệp. "Mọi thứ rồi cũng quen, mới đầu ở xứ lạ không tiền, em lén vào bệnh viện tại đường Bà Huyện Thanh Quan để ngủ chui, rồi đại lý thấy em vậy nên cho lấy vé số thiếu. Vậy là em được đi bán. Nhưng, rồi em bị gạt đổi vé giả nên trắng tay, rồi phải làm lại từ đầu". Bình nói.

Không đủ sức khỏe với đôi chân yếu ớt, Bình chỉ bán quẩn quanh ở khu vực Bệnh viện Tai Mũi Họng và khu vực chùa Miên (Q.3). Trưa đến, Bình ghé quán cơm chay miễn phí ăn cơm để tiết kiệm chi phí. Nếu may mắn lắm, mỗi ngày Bình bán được 70 vé nhưng bình thường thì chỉ được 40 vé. Đêm đến, Bình bán cho tới 19 giờ thì về nhà trọ để nghỉ. "Vì tiết kiệm nên em ở ghép với 7 người khác và phải ráng bò lên cầu thang chị ạ. Nhưng, em cũng thấy mình may mắn lắm vì có được một chỗ trọ gần nơi bán, nếu không thì phải vất vả hơn nhiều".

Cũng khó nhọc ở xứ người, bà Liêm đã hơn 70 tuổi lặn lội từ Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào Sài Gòn mưu sinh. Bà nói đã trải qua 10 năm đi ở, giúp việc nhà cho hai gia đình để nuôi hai con ở quê ăn học. Bây giờ, bà không còn nhiều sức khỏe và con cháu đã lớn khôn đi làm, lập gia đình. Vậy là bà chuyển nghề sang bán vé số để tự lo cho mình. Đã 3 năm sải những bước chân mệt mỏi khắp khu vực bờ kè Lê Văn Sỹ bán từng tấm vé số dành dụm từng đồng, bà Liêm nói công việc đó vất vả lắm. Nhiều đêm về người mỏi nhừ nhưng bà phải cố dỗ giấc ngủ để có sức khỏe cho một ngày mới. Một đời vất vả, bà Liêm không thể nhờ vào con cháu vì không muốn phụ thuộc, vì tụi nó cũng nghèo, tự lo cho mình và đơn độc nên đôi lúc cũng chạnh lòng ở xứ lạ quê người.

"Ở quê Bình Định quá khó khăn, không tìm được việc làm nên em đánh liều đu xe đò vào đây sinh sống. Những ngày chưa quen biết ai, không quen đường sá, ngủ bờ ngủ bụi đã qua rồi. Hiện nay, mỗi ngày nếu may mắn em bán cũng được khoảng 20 kg đậu phụng luộc và 40 tờ vé số vậy là kiếm khoảng 60 ngàn đồng. Tiền trọ hết 150 ngàn đồng/ tháng, ăn uống xong thì mỗi tháng em để dành được khoảng 300 ngàn đồng. Nhờ vậy, em gởi tiền về quê giúp mẹ lo cho em đi học", Tuấn, 24 tuổi nói.

DSC_0002.JPG

Chị Bình tranh thủ những ngày Tết để bán vé số kiếm tiền gởi về quê

Tuấn bảo những ngày sắp Tết, mọi người bận bịu nhiều nên cũng ít ăn vặt, đậu phụng luộc bán ế hơn ngày thường. Đã 3 năm gian nan nơi này, Tuấn gặp rất nhiều người cũng có người rất tốt bụng, mời thì mua liền nhưng cũng có người nói "mày biểu tao ăn cái món này cho tiểu đường à." Nhiều lúc buôn bán ế ẩm, Tuấn cũng muốn quay về quê nhưng nghĩ đến mẹ và em nên cố gắng hơn.

Tết xa tầm với

Mới chân ướt chân ráo 3 tháng ở Sài Gòn với nghề bán vé số, mỗi tháng Bình cũng dành dụm được 200 ngàn đồng nên Tết này phải tranh thủ ở lại bán trong những ngày Tết. Bình nói, Tết về nhà dĩ nhiên là vui rồi nhưng e rằng tốn kém lắm, nghe nói giá xe đò ngày Tết cũng đắt đỏ hơn nên đây sẽ là cái Tết đầu tiên Bình ở lại. Sẽ buồn và tủi thân lắm.

"Em được một người mách, Tết vào chùa bán sẽ đắt khách hơn vì mọi người ai cũng muốn mình được may mắn đầu năm. Nên, em sẽ cố gắng nhiều hơn. Có điều những ngày Tết, quán cơm chay miễn phí sẽ tạm nghỉ một thời gian nên em cũng hơi lo vì phải tốn thêm một khoản tiền nữa. Em nghĩ cái Tết này đối với em cũng như ngày thường thôi, nó là dịp để những người như em tranh thủ kiếm thêm tiền sinh sống". Bình tâm sự.

Tuấn cho biết: "Ngày Tết người ta đã ngán những món béo rồi vì vậy món đậu phụng luộc của em cũng ế hơn. Tết, em tranh thủ nhanh chân đi bán vé số nhiều hơn, thường thì những ngày này bán đắt lắm, ai cũng mua ủng hộ. Em cũng thấy tủi thân vì Tết ai cũng đẹp, cũng quần áo mới xúng xính vui tươi còn em thì hơi bị… cũ. Đồ mới thì chả dám mua đâu, có mà cháy túi luôn".

Nói về những cái tết xa quê, bà Liêm trở nên buồn, chiếc nón lá phủ hẳn ánh mắt buồn vời vợi "Đã từ lâu rồi, Tết tạm bợ ở những căn nhà trọ, tôi cùng với chị em xa quê khác nương náu mà nhớ quê, nhớ con, nhớ cháu. Cũng có những cái Tết ấm chút tình của người chủ nhà vì ngày cuối cùng của năm và ngày đầu năm mới chủ nhà cho thức ăn. Vậy coi như mình ăn Tết, đến ngày mồng hai thì tự lo. Nhưng nói vậy chứ, Tết là những ngày phải vất vả hơn, tranh thủ bán càng nhiều vé số càng tốt", bà Liêm thổn thức.

Những cái Tết buồn ở xứ người, đổi lại bà Liêm dành dụm được thêm một ít tiền để mua quà cho cháu, có khi là bộ quần áo rẻ tiền, có khi là bịch bánh. Mỗi năm, bà về quê hai lần vào ngày giỗ chồng và ngày kỵ của ông bà nhưng rất ít khi về vào dịp Tết. "Nhớ lắm mà phải đành rứa chứ biết răng chừ", bà nói.

Ông Lê Công Thương, chủ quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm cho biết: Tôi đã từng chứng kiến những người nghèo khổ, đói rách trong ngày Tết. Ngày Tết mà không gia đình nên rất buồn, nên tôi đã tổ chức tặng cái mền, bánh trái, tiền mặt… cho 400 người khổ, đói rách như là sự chia sẻ và đồng cảm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày