Khi người trẻ ý thức về môi trường

Bạn trẻ hưởng ứng Giờ Trái đất - Ảnh: CTV
Bạn trẻ hưởng ứng Giờ Trái đất - Ảnh: CTV
Giác Ngộ - Người trẻ tiếp cận với khoa học-kỹ thuật cũng như nhiều thông tin đa dạng trên phương tiện truyền thông ngày một hiện đại nên hơn ai hết họ hiểu về sự biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng. Bão lụt, hạn hán, động đất, sóng thần và bệnh tật nguy hiểm… đã được nhìn theo một hướng khác; đó là nhân tai chứ không chỉ là thiên tai như ông bà đã từng nhìn!

Tại sao thảm hoạ dập dồn?

Câu hỏi ấy chính là một mệnh đề đặt ra để phản tỉnh con người! Bạn Quốc Uy, sinh viên khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nhận định. Những thảm họa cứ ngày một nhiều, trong đó thảm họa sóng thần, động đất, biến đổi khí hậu đã gây ra sự chết chóc hàng loạt ở nhiều nước mà mới đây nhất là vụ việc ở Nhật Bản đã làm chấn động cả thế giới. Quốc Uy nêu ví dụ ấy và bắt đầu phân tích dưới cái nhìn của một nhà xã hội học tương lai rằng: "Chính những bất ổn ấy đã làm xáo trộn tâm lý con người, góp phần làm cho người ta mất niềm tin vào cuộc sống, và dễ đánh mất phương hướng…".

Chia sẻ về những thiên tai, bão lụt ngày một lớn, với độ dày của những tai ương trên toàn thế giới anh Nguyên Khang, một Phật tử của chùa Phước Hải, Q.1, TP.HCM bộc bạch: "Đọc báo, tổng hợp các sự kiện, lắng nghe các nhà khoa học lên tiếng tôi cảm thấy rất lo cho con người, bởi những giá trị về vật chất được làm ra càng nhanh, càng hiện đại thì những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường, thiên tai cũng càng lớn hơn gấp nhiều lần. Nhìn vào cảnh tan hoang của những thị trấn, thành phố dọc bờ biển của nước Nhật sau đợt sóng thần vừa qua ai không khỏi ngậm ngùi, xót xa?".

Cũng với nỗi xót xa ấy, bạn Linh Trang (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) chia sẻ: "Tôi nghĩ, những người trẻ đang sống trong thời đại này, với những bất ổn về thời tiết, khí hậu phải nhìn lại mình để có một lối sống thân thiện với đất, nước, không khí… Ví dụ, có thể bằng một việc nhỏ như trồng cây xanh, tiết kiệm điện, nước hoặc tham gia các hoạt động vì môi trường!".

Hưởng ứng Giờ Trái đất

Khái niệm Giờ Trái đất đã được gắn liền cùng tháng 3 với mong muốn kêu gọi mọi người cùng tắt điện trong một giờ đồng hồ để hưởng ứng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Được biết, năm nay Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam đã chọn Huế là nơi tổ chức Giờ Trái đất 2011. Đồng thời, WWF cũng đã tạo diễn đàn www.beyondthehour.org với 11 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, để mọi cá nhân, tổ chức có thể chia sẻ các hoạt động đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động của con người đến môi trường.

Riêng, với các hoạt động của các bạn trẻ ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác đã cho thấy một phong trào vì môi trường đang lan rộng. Bạn Hải Hà cho biết: "Hưởng ứng Giờ Trái đất là một sự kiện mang tính thường niên trong sinh viên và với vai trò là một người trẻ-trí thức tương lai tôi rất vui khi được tham gia các hoạt động vì môi trường". Thật vậy, một không khí cho Giờ Trái đất đang thật sự "nóng" lên ở các trường đại học, cao đẳng, trung học… Và trên các diễn đàn mạng cũng sôi động với các chiến dịch như "G60+ - Giờ Trái đất và hơn thế nữa"… Thông điệp "Tắt điện một giờ, hành động 365 ngày" được các bạn trẻ áp dụng thành châm ngôn cho hoạt động với ý thức sẽ biến chương trình và Giờ Trái đất thành "kim chỉ nam" cho lối sống hàng ngày chứ không phải chỉ mang tính hình thức, phô trương.

Có được nhận thức đó là nhờ các bạn trẻ đã ngày một thấy rõ cuộc sống của chính họ, gia đình họ, con cháu và thế hệ tương lai đang chịu sự chi phối của chính lối sống mà họ đang và sẽ sống. Theo nhân quả nhà Phật thì khi gieo một lối sống xanh, thân thiện với thiên nhiên, môi trường thì đương nhiên sẽ gặt được quả của sức khỏe, tươi mát, ít bệnh tật, thiên tai giảm…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày