Khó khăn sau bão

Cơn bão số 11 đổ ập xuống các tỉnh miền Trung làm 107 người chết, 11 người mất tích tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận gây thiệt hại nặng nề lên đời sống của bà con nơi này. Sau 15 ngày nén nỗi đau, mất mát quá lớn, bà con vùng lũ đã vun vén lại cuộc sống từ đống ngổn ngang, đổ nát để sớm ổn định cuộc sống.  

Bình Định sau lũ

Cơn “đại hồng thủy” đã đổ xuống làm ngập toàn bộ các khu dân cư của xã Canh Vinh (huyện Vân Canh); thị trấn Diêu Trì, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước); xã Phước Mỹ và các phường: Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Nhơn Bình, Đống Đa, Quang Trung (TP.Quy Nhơn) của tỉnh Bình Định đã bị chia cắt hoàn toàn.

Chúng tôi đến các xã khu Đông của huyện Tuy Phước. Vượt 3 lần đò mới đến được thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận - nơi có hàng trăm hộ gia đình phải sống chung với lũ. Nhìn những ngấn nước còn in rõ trên song cửa sổ, chúng tôi đã hình dung ra được sự hãi hùng của cơn lũ vừa qua. Thấy có người lạ tới, ông Lê Đình Thám (70 tuổi) đã òa khóc. Ông Nguyễn Định Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Ở Tuy Phước, đợt lũ này đã làm sập hàng trăm ngôi nhà, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà. Nhiều gia đình lương thực, thực phẩm bị nước lũ cuốn trôi, mấy ngày qua phải ăn mì tôm cầm hơi. Không riêng gì Tuy Phước, ở TP.Quy Nhơn và huyện Vân Canh cũng bị thiệt hại nặng nề như thế.

conbao.gif

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Cảnh Nhựt (thôn Mỹ Điền - thị trấn Tuy Phước - huyện Tuy Phước) bị nước lũ cuốn trôi

Ở TP.Quy Nhơn, nước lũ đổ về ào ạt đã nhấn chìm các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và Trần Quang Diệu. QL.1D là tuyến đường giao thông huyết mạch nối TP.Quy Nhơn với các tỉnh bạn đã ngập sâu trong nước, người dân phải dùng ghe, sõng để đi lại. Nước rút đã để lại những khu dân cư, những con phố nơi đây tiêu điều xơ xác. Nhiều gương mặt phờ phạc và đau đớn vì tài sản bị nước lũ cuốn trôi và làm hư hại. Gia đình chị Lê Thị Tình, phường Nhơn Bình thật bi thảm. Cơn lũ vừa qua đã cuốn phăng tất cả những gì mà chị có được. Mấy ngày qua, chị phải sống bằng gạo cứu trợ.

Song hành với những mất mát, thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, nỗi đau mất người thân trong cơn lũ dữ đã làm cho không khí ở vùng lũ Bình Định bi thương, chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần phải rơi nước mắt khi chứng kiến những cảnh tượng bà khóc cháu, vợ khóc chồng, mẹ khóc con... do lũ dữ gây ra. Tại gia đình anh Trần Cảnh Nhựt (thôn Mỹ Điền - thị trấn Tuy Phước - huyện Tuy Phước), cha mẹ của anh đã suy sụp tinh thần hẳn, khi cơn lũ đã cướp đi người con thân yêu của mình. Còn tại gia đình anh Bùi Khương Vương Võ ở Nhơn Bình, trên bàn thờ là bức di ảnh của anh còn khá trẻ, chỉ vừa tròn 23 tuổi, cái tuổi đang đẹp nhất của cuộc đời, thế mà cơn lũ đã cuốn trôi anh đi mãi mãi. Người thân trong gia đình của anh mấy ngày nay đã không còn nước mắt để khóc cho anh.

Ông Giang, người được cứu mạng trong lũ nghẹn ngào: “Bữa được cứu sống, cha con tui chưa kịp hỏi tên thì các chú bộ đội đã đi liền. Mấy ngày nay tui cứ đi tìm, may mà gặp chứ không thì ân hận mãi”.

Trong cái khó, hoạn nạn, vậy mà nhiều người nhận được thùng mì tôm chỉ dám ăn dằn bụng, rồi chia cho những gia đình khác. Thấy hàng xóm đang đói không có gì ăn, chị Lê Thị Hồng Xuân, 42 tuổi, ở khu vực 1, phường Nhơn Bình chia đều 5 gói mì tôm vừa nhận được từ ca nô cứu trợ cho các hộ dân lân cận. Chị Trần Thị Hạnh, chủ quán cơm chay Thái Sơn, trên đường Tây Sơn, TP.Quy Nhơn, không nhớ nổi mình đã nấu bao nhiêu nồi cơm, chế bao nhiêu gói mì cho những người vừa thoát ra khỏi vùng lũ. Chị Hạnh tâm sự: “Mình là phụ nữ, không thể bơi ra nước lũ để cứu dân, chỉ làm việc nhỏ vậy để giúp mọi người, có đáng gì đâu!”.

Tấm lòng của Tăng Ni, Phật tử

Ngay khi cơn bão số 11 đổ dồn xuống các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận... làm 107 người chết và 11 người mất tích, thiệt hại nặng nề lên đời sống người dân. Sau đó, Tăng Ni, Phật tử TP.HCM và các tỉnh thành đã ra sức vận động tài chánh, tài vật, quần áo giúp đồng bào miền Trung.

con-bao-1.gif

Tăng Ni Phật tử mang quà đến với đồng bàoi vùng lũ

Đêm 4-11, chùa Giác Nguyên (Q.4) đã tổ chức văn nghệ kêu gọi cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề trong bão lũ. Đêm văn nghệ và đấu giá đã thu được hơn gần 300 triệu đồng. Số tiền này đã được chùa Giác Nguyên và Phật tử mang đến bà con vùng núi huyện Sông Cầu (Phú Yên) và huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) với 1.200 phần quà.

Phú Yên nặng nề với tang tóc và đau thương, 72 người chết trong cơn bão lũ số 11, đây là nỗi kinh hoàng. Bà con nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện đang vất vả với đống đổ nát, nhiều gia đình phải gom góp lại những vụn vặt còn sót lại trong bùn đất sau cơn bão lũ để sớm ổn định cuộc sống. Những gương mặt còn thất thần sau cơn bão lũ, nhiều gia đình phải sống nhờ vào tấm lòng thơm thảo của những người từ xa đến cứu trợ. Người dân các huyện vùng núi, vùng trũng tại Phú Yên đang đối mặt với những ngày mất trắng mùa màng, của cải trong gia đình đã trôi đi hết. Thương nhất là những em học sinh phải nhặt nhạnh, rửa từng quyển tập, cuốn sách phơi lại cho những ngày đến trường sắp tới.

Thời gian vừa qua, hàng chục đoàn TTXH của Phật giáo đã đến chia sẻ với người nghèo các huyện Đồng Xuân, Sông Cầu,... (Phú Yên) bị ảnh hưởng nặng nề nhất. HT.Thích Như Niệm, Phó ban Thường trực Ban TTXH TƯGH cũng đã hướng dẫn đoàn đến thị trấn Sông Cầu, huyện Xuân Lộc (Phú Yên); huyện Phú Tài (Bình Định) và các huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa với 2.400 phần quà cho đồng bào vùng lũ. Không nói hết sự vui mừng của mình nhưng trên gương mặt của người dân vẫn đầy lòng biết ơn trong sự chia sẻ lúc ngặt nghèo. Thị trấn Sông Cầu (Phú Yên) còn ngổn ngang với đống đổ nát, những ngôi nhà bị ảnh hưởng nhẹ thì cũng tốc mái còn lại đổ sập, siêu vẹo. Phú Yên vẫn từng ngày khắc phục sau lũ, nhiều nơi chính quyền địa phương phải dùng xe máy tới từng hộ gia đình mới tập trung dân đến lãnh quà cứu trợ, vất vả nhiều nhưng nhiều đoàn cứu trợ đã không quản khó nhọc đến để được đồng cảm và chia sẻ.

conbao-1.gif

Ban TTXH Thiền viện Vạn Hạnh tặng quà người nghèo tỉnh Phú Yên

Chia sẻ với sự mất mát đó, tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh) cùng tịnh xá Ngọc Nhẫn (Đồng Nai), Pháp viện Minh Đăng Quang, tịnh xá Ngọc Chung (Hóc Môn), Như Lai Thiền tự (Mỹ) cùng chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại đã cùng đến chia sẻ 1.500 phần quà, tiền mặt, tổng trị giá trên 400 triệu đồng với người nghèo các xã bị thiệt hại nặng nề nhất: Xuân Thành, Xuân Phú, Xuân Yên, Xuân Lâm (thị xã Sông Cầu) và các xã: Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cứu trợ vào ngày 7-11.

Hiện nay, bà con các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đang tất bật, khẩn trương ổn định lại cuộc sống, trong cái khó đó vẫn ánh lên những tia sáng niềm tin từ sự chia sẻ, tình thương của biết bao tấm lòng hướng đến miền Trung ruột thịt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày