GN - “Một lần chạm vào... đất mẹ để biết ơn và yêu quý hơn sự sống trên quả đất này” - chính là thông điệp mà Trung tâm Thiền sinh thái Phật giáo núi Rocky (Rocky Mountain Ecodharma Retreat Center - RMERC) tại bang Colorado, Hoa Kỳ mong muốn mang đến cho cộng đồng từ các khóa tu thiền tại đây.
Một góc trung tâm thiền sinh thái
Khóa tu thiền một tuần lễ trong môi trường tự nhiên của vùng núi Rocky là “trải nghiệm quý báu”, giúp các thiền sinh ý thức rõ hơn về sự bao dung của quả đất đối với con người, về những gì con người đã và đang làm với hành tinh mình đang sống. Và từ đó, bằng sự chánh niệm, mỗi người có những ứng xử phù hợp hơn với môi sinh, hướng đến sự tồn tại và phát triển bền vững.
Khủng hoảng sinh thái là một trong những thách thức lớn nhất mà con người trên toàn thế giới phải đối mặt hiện nay. Ở phương Tây, những năm gần đây bắt đầu phổ biến các khái niệm như "ecodharma" hay "ecobuddhism", với ý nghĩa rằng ứng dụng triết lý và sự thực hành Phật giáo có thể giúp con người đương đại ứng phó với khủng hoảng sinh thái và hạn chế những tác động tiêu cực lên môi trường sống và quả đất nói chung. Sự thay đổi này phải xuất phát từ mỗi cá nhân.
Trong Phật giáo, hiểu về sự vô thường giúp chúng ta chấp nhận và bình tĩnh trước những thay đổi diễn ra hằng ngày trong mọi khía cạnh đời sống và tinh thần. Và nhờ chánh niệm, chúng ta trở nên sáng suốt hơn trong từng hành động, việc làm của mình. Khóa tu tại RMERC được thiết kế và xây dựng trên nền tảng này.
Những trải nghiệm chân thật mang lại sự chuyển hóa
Trải nghiệm thiền tập tại đây có gì khác biệt so với những khóa tu thiền truyền thống khác? Theo trung tâm, khóa tu này tạo ra sức mạnh đưa đến sự chuyển hóa cho người tham gia.
Cách tiếp cận và tổ chức khóa tu này được gợi cảm hứng từ công trình từ thiện Work That Connects của nhà hoạt động xã hội Phật giáo Joanna Macy (Hoa Kỳ) và Trung tâm Ecodharma ở Tây Ban Nha. Và chương trình chi tiết của khóa tu được xây dựng từ quyển sách “Những lời dạy của Phật giáo trong ứng phó với khủng hoảng sinh thái” (tên tiếng Anh là Ecodharma: Buddhist Teachings for the Ecological Crisis, xuất bản đầu năm 2019) của học giả, hành giả thiền người Mỹ David Loy.
Vì thế, khóa tu được tiến hành trong môi trường tự nhiên. Đồng thời, tất cả các thành viên tham gia khóa tu sẽ cùng làm nên một cộng đồng sinh hoạt, tu học trên nền tảng của sự lắng nghe và chia sẻ chân thành.
Căn nguyên của khủng hoảng sinh thái chính là sự tách biệt của con người với thế giới tự nhiên. Đa số chúng ta chỉ xem thiên nhiên là nguồn lợi tài nguyên để khai thác chứ không phải ngôi nhà của chính mình. Do vậy, hòa mình vào thiên nhiên là cách hiệu quả giúp con người nhận diện đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của thế giới tự nhiên với sự tồn tại của mình.
Hơn 25 thế kỷ trước, Đức Phật thiền định và chứng ngộ dưới một gốc cây, bên cạnh một dòng sông. Sau đó, Ma vương đến và thách thức Ngài: Ai là người xác chứng sự giác ngộ của Ngài? - Đức Phật chạm tay vào mặt đất nơi Ngài đang tĩnh tọa và nói: “Đất này là chứng nhân của ta”.
Không gian thiền trong lành giữa thiên nhiên
Vậy điều gì xảy ra nếu chúng ta học và thực hành theo cách Đức Phật đã làm? - Khóa tu diễn ra trong sự tĩnh lặng với các hoạt động như: thiền hành, nghe pháp thoại thiền, thực hành tự do, rèn luyện cơ thể và giải lao, chia sẻ trải nghiệm tu học - tất cả đều diễn ra trong môi trường tự nhiên. Thiền sinh có những sự thực hành chuyên biệt như tận dụng tất cả các giác quan để cảm nhận về thế giới xung quanh mình. Từ đó, mỗi người có cơ hội “nhìn vào bên trong”, chú tâm vào hơi thở, chánh niệm trong sự nghe - nhìn, lắng nghe các cảm thọ của thân khi thiền hành trên những con đường mòn hay lúc thiền tọa dưới tán cây trong rừng.
Trong thiết kế khóa tu, buổi tối là thời gian dành cho pháp thoại thiền. Mọi người ngồi quanh một đống lửa nhỏ. Buổi pháp thoại đầu tiên của khóa tu bắt đầu bằng lòng biết ơn. Biết ơn không chỉ là cảm nhận thi thoảng mà còn là cách thực hành mang lại sự chuyển hóa bên trong. Từ lòng biết ơn được nuôi dưỡng mỗi ngày, chúng ta sẽ có sức mạnh và sự sẵn lòng để “chữa lành quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên”.
Đặc biệt, khóa tu yêu cầu thiền sinh tìm kiếm một đối tượng hay địa điểm thu hút mình như một tán cây, một bông hoa, một phiến đá hay một khe suối... để ngồi thiền tại đó hoặc quan sát đối tượng đó và cảm xúc sinh khởi bên trong mình.
Đó có thể là sự vui thú hoặc biết ơn về điều mình đang “được hưởng thụ”. Cũng ngay lúc này, trong chúng ta có sự quan tâm và những ước muốn tốt đẹp như: “Tôi mong bông hoa này được khỏe mạnh, mong tất cả chúng ta được được khỏe mạnh”. Đó là tâm từ trong mỗi người được khởi phát và lan tỏa ra thế giới xung quanh. Lòng biết ơn nhờ đó cũng được nuôi dưỡng.
Thấu hiểu và tử tế hơn với môi trường sống
Bên cạnh những quan sát trên, thiền sinh cũng đồng thời nhận thức được những điều đối lập, đe dọa những gì tốt đẹp xung quanh mình - đó là những biểu hiện của khủng hoảng sinh thái như sự nóng lên toàn cầu, sự tuyệt chủng của các loài, sự nhiễm độc (nguồn nước, không khí, quả đất và ngay chính trong cơ thể chúng ta), ô nhiễm rác thải nhựa, đất nông nghiệp mất dần sự màu mỡ, nhiễm độc phóng xạ,...
Nơi các thiền sinh cùng lắng nghe và chia sẻ trải nghiệm tu tập
Có thể nói, sự văn minh đã ít nhiều khiến con người lạc lối và gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho môi trường sống. Và sau sự hòa mình lắng đọng vào thiên nhiên, tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mà tự nhiên mang lại; chúng ta ý thức được điều mình đã làm và sẽ phải làm gì để cải thiện tình hình, để tử tế hơn với môi trường xung quanh.
Là một phần đặc biệt của khóa tu, mỗi thiền sinh sẽ có cơ hội “quay về với chính mình” trong một ngày rưỡi hành thiền - một mình với chiếc lều nhỏ và túi ngủ ở nơi mình lựa chọn trong không gian khóa tu.
Trải nghiệm này giúp mỗi người cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với quả đất. Mỗi cá nhân sẽ có cách riêng để giao tiếp với mặt đất, cây cối và muôn loài chung quanh. Có người thức suốt đêm để lắng nghe âm thanh của bóng tối. Với những gì đã trải nghiệm, có người kể lại trong tiếng cười, có người kể lại trong nước mắt...
Khóa tu một tuần lễ tại RMERC giúp người tham gia mạnh mẽ hơn, biết quan tâm và chánh niệm hơn trong phản ứng của mình để tránh gây tổn thương thêm cho quả đất.
Động lực thúc đẩy những hành vi tích cực này chính là lòng từ bi vô điều kiện. Thay vì sợ hãi trước những điều không tốt đẹp sẽ xảy ra, chúng ta có thể đối đãi với nhau, với môi trường sống của mình bằng yêu thương, trí tuệ và sự bao dung. Đây chính là món quà ý nghĩa nhất mỗi người trao tặng cho quả đất - nơi không chỉ là nhà mà còn là “người mẹ chung vĩ đại” của con người trên hành tinh này.
Đăng Minh
(theo The Buddhist Door)