"Khóc" thay cho cột đá chùa Dạm!

Cột đá chùa Dạm ở thôn Tự Thôn, xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đang xuống cấp nặng nề. Cùng với một số hạng mục của chùa Dạm đang xiêu vẹo, dột nát, cả quần thể, không gian này chờ đợi sự quan tâm của các ban ngành chức năng đã quá lâu!

Xưa huy hoàng, nay hoang phế!

Chùa Dạm được xây dựng năm 1086, qua mười năm mới hoàn thành với 99 gian, tòa ngang dãy dọc bề thế. Chiến tranh, biến loạn, tiêu thổ, thời gian và sự vô tâm của lòng người khiến cả không gian rộng lớn xưa trải theo 5 cấp nền dựa vào núi Dạm, nay đã tàn tạ.

Những gì còn lại, phần nào nói lên vẻ đẹp kỳ thú của ngôi chùa huyền thoại này: Những chân cột đá chạm cánh hoa sen rải rác, bậc đá cao giữa những cấp nền và những khối đá lớn xếp vuông vức lên nhau để "kè đất" tạo nên những bức tường đồ sộ, nền cũ với những hàng đá khối bao thềm còn sắc nét, ngôi mộ bà Tấm được bao quanh bằng các tảng đá chạm hoa văn sóng nước và giếng Bống được khoanh đá làm thành theo hình chữ nhật, gợi nhớ câu chuyện cổ tích Tấm Cám xưa. Và nhất là cột đá chạm đôi rồng kỳ vĩ với những đường nét thanh tú, kỳ ảo, một kiệt tác của mỹ thuật dân tộc. Các cụ còn truyền nhau rằng: Đời xưa cây cột cao đến 7m, trên có một cái tán lớn. Một lần sét đánh gãy 3m, còn lại hình dạng như bây giờ. Xưa kia cột soi bóng xuống chiếc giếng rộng nằm kề, nay giếng đã bị lấp đất và chìm trong cây cỏ, chỉ lộ ra mấy tảng đá miệng giếng. Những di vật thiêng liêng ấy đang trơ gan cùng tuế nguyệt, ngày ngày rêu mốc trong hoang vắng.

Năm 1986, người dân địa phương xây mấy gian chùa tạm cùng nhà mẫu thờ Nguyên phi Ỷ Lan trên hai cấp nền cũ, cùng với gian bếp và nhà nghỉ ngơi cho các cụ trông nom chùa vì nơi đây mãi đến giờ vẫn không có sư trụ trì. Tất cả đang trong tình trạng ẩm thấp, rạn nứt, dột nát, lạnh phải che, mưa phải hứng... Vài lần có sửa chữa tạm bợ rồi đâu lại hoàn đấy. Tháng 7 năm ngoái, một luồng sét bất thình lình giáng xuống khu vực chùa làm cháy cả vô tuyến, dây điện đứt thành nhiều đoạn, làm chết hai dây trầu không, chết cả hai cây cau và một cây bạch đàn...

"Khóc" thay cho cột đá chùa Dạm! ảnh 1

Hiện trạng cột đá chùa Dạm.

Bị dòm ngó "ăn cắp hoa văn"!

Bà Nguyễn Thị Thập trông nom chùa đã 7 năm. Bà Nguyễn Thị Hạ mới lên cùng bà Thập mấy tháng. Gian ở của hai bà năm ngoái cũng từng bị sập mái, nay vẫn phải che cửa gỗ và chống. Hai bà ăn uống cũng quá đạm bạc và mỗi tháng chỉ được xã bồi dưỡng cho 150.000đ. Hai bà kể một về một sự việc rất mờ ám mới xảy ra vào sau Tết. Đó là hôm mùng 7 tháng Giêng, có 5 tay thanh niên lên chùa, bảo công ty bọn cháu ở Hà Nội, bọn cháu về đây lấy mẫu rồng, việc đã được nhà nước giao phó... Bà Thập nói: Lúc đầu tin, tôi còn cho mượn thang, còn nấu cơm cho họ nữa cơ! Nhưng khi họ làm việc, trát bột vào cột thì tôi thấy nghi ngờ và đi báo xã. Đồ rằng họ định "ăn cắp hoa văn", xã cử cán bộ lên kiểm tra, trực ở đó để nếu có dấu hiệu gì mờ ám thì giữ lại. Hôm sau họ không quay lại nữa. Mấy thứ dụng cụ như xô, bột, chai nhựa... họ bỏ lại, chúng tôi cất tạm ở đây!

Trên cây cột với nhiều đoạn hoa văn và thân cùng nhiều bộ phận khác của đôi rồng như chân, móng, bờm, râu, vây... đã mòn mỏi, tụt vỡ, vẫn dính nhiều bột thạch cao. Ngay dưới bệ cột vẫn vứt bừa bãi nhiều vụn và những mảnh bột cùng với bao tải rách. Trong cảnh hoang phế hiện nay, cây cột không được các cơ quan chức năng quan tâm nhưng lại bị những người lạ mặt chạm đến với hành vi có vẻ lén lút và mục đích không rõ ràng như vậy, quả là đáng ngại!

"Khóc" thay cho cột đá chùa Dạm! ảnh 2

Gian nhà nghỉ của những người trông nom chùa đã phải chắp vá, chống đỡ.

Bao giờ cứu di sản?

Theo bà Thập và bà Hạ thì từ khi khu vực chùa Dạm được công nhận di tích quốc gia năm 1994 thì hầu như chưa có đầu tư gì để tôn tạo, bảo vệ các di sản chùa Dạm khỏi sự xâm hại của thiên nhiên. Tiền công đức của khách thập phương đến chùa rải rác trong năm và dịp Tết chỉ có thể sửa chữa lặt vặt chứ chả đáng là bao. Các cụ thôn Tự Thôn cũng như người dân ở đây lâu nay vẫn đau đáu đợi các cấp có thẩm quyền sửa chùa, đảm bảo một không gian thờ tự vững chãi trên nền chùa xưa linh thiêng.

Đáng lo nhất là tình trạng hiện nay của cây cột đá. Đến nay phiên bản cây cột từng được thực hiện năm 1973 đã biến mất khỏi Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam nhưng vẫn chưa có kế hoạch nào của ngành bảo tồn, bảo tàng, mỹ thuật, di sản trung ương hay VHTT&DL địa phương... dành cho việc làm một phiên bản mới để lưu giữ những đường nét, hoa văn còn lại của cây cột trước khi chúng tiếp tục mòn đi. Trong khi cây cột đá mới trên sân bảo tàng mấy năm qua, từng bị dư luận phản đối thì vẫn chưa bị bỏ đi chỗ khác. "Cột thật", "cột giả" thì như vậy, không hiểu các cơ quan liên quan định liệu thế nào! Và sao lại quá lâu như vậy, trong việc ứng xử với cả một không gian hoang phế, ủ dột hiện nay! Nên chăng có những cuộc khảo cổ thám sát nhằm phát hiện và lý giải nhiều bí ẩn của ngôi chùa vẫn nằm sâu trong lòng đất. Từ đó xác định thêm về quy mô xây dựng của công trình xưa cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc...

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là cần nghiên cứu, tôn tạo sao cho chùa Dạm giữ được sự hòa hợp với thiên nhiên và bảo quản tốt được các hiện vật gốc chứ không trở thành công trình được làm mới như nhiều di tích đã bị biến dạng sau khi được tu bổ lâu nay. Và cùng với việc giới thiệu những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, hy vọng chùa sẽ còn có một không gian phù hợp và những điều kiện vật chất thiết yếu để lưu giữ, bảo tồn những di sản quý giá đã và sẽ được tìm thấy.

Nhưng đó mới chỉ là hy vọng! Còn hiện nay, phải chăng có quá ít người “khóc” thay cho chùa Dạm!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày