Khơi dậy tinh thần phụng sự xã hội của tuổi trẻ

Giác Ngộ - Nếu không có tinh thần phụng sự thì họ sẽ không khoác màu áo xanh tình nguyện bởi trong “menu mùa hè” bên cạnh tình nguyện thì còn có nhiều “món” khác hấp dẫn như đi làm thêm, du lịch, về quê, học thêm ngoại ngữ…

Và khi họ khoác màu áo tình nguyện do Giác Ngộ tổ chức thì ở họ còn có sự yêu mến đạo Phật, là những người con trai, con gái của Đức Thế Tôn!

>>> Trước giờ "vượt vũ môn"
>>> "Chúng tôi vào cuộc đây!"

Tiếng gọi từ trái tim

Tôi đã từng hỏi các bạn trẻ khoác màu áo xanh với dòng chữ “Tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi” rằng: “Vì sao bạn lại tham gia tình nguyện?”. Câu hỏi truyền thống, không có một chút sáng tạo này đã cho tôi những câu trả lời gần giống nhau: vì em muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa trong mùa hè…

Câu trả lời ấy không phải là kiểu mô-típ “lấy lòng” hay là “khoe” lòng tốt bởi tôi đọc được trong câu trả lời đó ẩn chứa một tinh thần tình nguyện, khát khao cống hiến. Có lẽ vì thế mà trong những lần phỏng vấn các bạn trẻ tham gia tình nguyện tôi đều hỏi câu hỏi cũ kỹ ấy cốt là để được nghe các bạn trả lời nội dung na ná, bởi ngoài việc cần nghe nội dung câu trả lời của bạn thì tôi còn muốn được các bạn truyền cho mình năng lượng phụng sự vô tư.

a 5.JPG

Tiếp sức mùa thi 2011, ngày ra quân

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Mệnh đề này có lẽ nhiều người nói, nhiều người dùng như một châm ngôn nhưng để biến nó từ quan điểm sống thành hành động thực tiễn, mang lại những giá trị cụ thể nào đó thì bắt buộc người ta phải dấn thân. Tuổi trẻ thường gắn với tình nguyện, với những cuộc dấn thân đi vào thực tế, làm những điều cụ thể và đó mới là tuổi trẻ thực sự (mang nội hàm tuổi tác và cả cách sống, lối sống).

Đức Phật dạy về hạnh trao tặng, tức là hạnh hiến tặng những cái mình có và khi hiến tặng nó phải mang lại hạnh phúc cho mình và người. Hai chữ tình nguyện đã có ý nghĩa là việc bạn làm là hoàn toàn tự nguyện và tất nhiên việc tự nguyện làm thì người thực thi nó đã có niềm vui. Nhưng để dấn thân tình nguyện thì không phải ai cũng làm được, người đó phải hiểu việc mình làm, phải thấy được ý nghĩa của công việc thì mới có quyết định ấy.

Tinh thần hiểu-thương cộng với vốn liếng mà bạn đang có chính là sức trẻ sẽ thôi thúc bạn dấn thân để mang lại những giá trị cao đẹp và góp phần chuyển hóa nội tâm của bạn, của cộng đồng. Cái đấy chính là “tiếng gọi từ trái tim” của những người làm tình nguyện, để rồi mỗi khi ai đó hỏi hoặc khi bạn cần thể hiện thì bạn sẽ luôn tự hào để biểu đạt: “Tôi đi tình nguyện vì tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa (cho mình và người)…”.

Đức Phật dạy rằng: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Vì sao phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật? Vì chư Phật thị hiện ra trong cuộc đời cũng nhằm mục đích cứu khổ chúng sanh. Do vậy, việc phụng sự xã hội nếu với tâm niệm: thấy người ta khổ, cần giúp đỡ, mình ra tay yểm trợ để họ bớt khổ, đồng thời gieo duyên lành với họ, tưới tẩm hạt giống sẻ chia, tình người trong tâm thức họ…, đó là những hành động thiết thực góp phần xây dựng nên cuộc đời tươi đẹp, môi trường sống tốt lành.

Tuổi trẻ và màu xanh

Khi bạn khoác màu áo xanh tình nguyện, thì dẫu bạn theo tôn giáo nào, sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì bạn cũng chỉ có duy nhất một tâm nguyện: muốn đóng góp sức mình cho cuộc đời. Tâm thuần khiết ấy vượt qua mọi ranh giới về giáo điều, về “màu áo” và nhiều ý niệm khác như thương hiệu, độc quyền…

Tại sao tình nguyện lại phân biệt màu áo khi mà chúng ta cùng góp tay làm đẹp cho cuộc đời? Câu hỏi này tôi đọc được ở đâu đó khi có những trường hợp người ta tranh nhau làm… từ thiện, tình nguyện vì “thương hiệu, vì thi đua…”. 

a 1.JPG

Tình nguyện tiếp sức cho thí sinh

Nếu tình nguyện có thi đua thì chỉ có một sự thi đua duy nhất là làm sao mang lại nhiều giá trị nhất cho một việc làm, làm sao để mỗi người khoác áo xanh đều cảm thấy hạnh phúc, an lạc chứ không phải để khẳng định bản thân, để đạt được bằng khen hoặc tiếng tăm. Vì suy nghĩ như vậy nên hễ thấy ai khoác màu áo xanh tình nguyện và nghe họ trả lời với nội dung và ý niệm “muốn làm một điều gì đó có ích” tôi lại thấy họ đẹp lên. Đẹp lên vì màu áo ấy biểu hiện cho cái tâm vị tha, ý hướng phụng sự.

Tất nhiên, có những điều-tự-nhiên trong quá trình thiện nguyện, dấn thân mà các bạn sẽ được như là kỹ năng, lời khen ngợi, thậm chí là những bằng khen, sự tán thưởng của mọi người… Nhưng, nếu chúng ta bám vào đó, hoặc lấy đó làm lý do cho một kỳ tình nguyện thì giá trị chuyển hóa nội tâm và ý nghĩa của sự đóng góp sẽ sút giảm.

Những tiếng chuông đã điểm…

Phụng sự xã hội là ý tưởng được khởi xướng và thực hiện từ rất lâu. Tinh thần ấy xuất phát từ ý nghĩa “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Phật pháp phải gắn bó với đời sống xã hội, với những yêu cầu bức thiết của cuộc sống, và biểu hiện của tinh thần bi-trí phải được đặt trong bối cảnh cụ thể, trong hành động và sự chuyển hóa, thay đổi theo hướng tốt lên cả nội tâm lẫn ngoại cảnh.

Từ nội tâm đến thực tế với đủ đầy những hiện tướng của tinh thần hiểu và thương của nhà Phật đã được khơi lên từ những tiếng chuông như là tình nguyện tiếp sức mùa thi mà Báo Giác Ngộ đã, đang làm 3 năm nay.

Từ chương trình của Giác Ngộ tôi nghĩ rằng, khi mình khơi đúng, có nghĩa là mình biết cách tưới tẩm hạt giống phụng sự, dấn thân tình nguyện của người trẻ thì họ sẽ đến để cùng làm, cùng góp tay chia sẻ.

Cái này có thì cái kia có, khi trong tâm người trẻ đã “muốn làm một điều gì đó” và khi Phật giáo “bất ly thế gian” (hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người trẻ, lắng nghe được tiếng nói của cuộc sống - nhu cầu từ xã hội) thì Phật giáo có thể “viết” nên những “câu chuyện cuộc sống” gần gũi. Điều đó ai cũng thấy rõ từ những mùa thi với chương trình “Tiếp sức mùa thi” mà Giác Ngộ thực hiện: có nhiều người trẻ tham gia, các tự viện vào cuộc, các nhà hảo tâm góp sức…

Đấy có thể là gợi mở cho việc xắn tay vào cuộc sống của Phật giáo trong việc đồng hành cùng xã hội, chung tay kiến tạo và khơi dậy tinh thần phụng sự mà các vị tiền hiền đã có ý tưởng, từng làm.

Xã hội luôn luôn có những người cần giúp đỡ. Tuổi trẻ đồng nghĩa với tinh thần sẵn sàng chia sẻ, dấn thân và đối mặt với mọi gian nan mà không chùn bước. Những việc làm vì cộng đồng của thời trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn lên cả cuộc đời, kiếp người chúng ta.

Nhìn hình ảnh các tình nguyện viên hôm nay, tôi nhớ lại thời tuổi trẻ của chúng tôi. Có những người khó khăn nhận được sự giúp đỡ, sau này trưởng thành, có người thành đạt trong cuộc sống, nhớ lại việc được giúp đỡ ngày trước, đã ra sức làm những việc mang lại lợi ích chung cho xã hội, cho đất nước. Thời còn đi học, tôi đã từng tham gia tổ chức các nhóm nhằm giúp đỡ người khác, các thế hệ đàn em.

Lúc du học nước ngoài, tôi cũng tổ chức nhóm giúp đỡ các sinh viên mới đến Nhật còn bỡ ngỡ và khó khăn bao điều, tạo điều kiện ban đầu để họ có thể hòa nhập môi trường sống, học tập mới để có kết quả học tập thật tốt, sớm trở về đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển.

Tôi mong rằng, các tình nguyện viên sau mỗi lần dấn thân như thế này, trong chương trình Tiếp sức mùa thi do Báo Giác Ngộ tổ chức sẽ có thêm những người bạn mới, có thêm những người anh, người chị, người em thân thiết trong cuộc đời, để cuộc đời mình luôn vui tươi, đi lên.

Với sức trẻ, với thế hệ tuổi trẻ nhiệt thành trong các hoạt động thiện nguyện như thế này, tôi tin rằng đất nước chúng ta sẽ ngày càng phát triển, hưng thịnh.

HT. Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,

Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ

H.Đ ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày