Không bao giờ là muộn màng...

GN - Trong những ngày qua, dư luận cả nước và quốc tế nhìn về Việt Nam với tâm điểm là phiên tòa tại Hà Nội và TP.HCM đưa các vị nguyên là lãnh đạo cao cấp trong hệ thống chính trị và giới tài chánh, trong đó có người nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, từng được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Đây được xem là sự kiện chưa từng có trước đây.

dunglai1.png

Đức Phật dạy ai biết lỗi lầm và sửa chữa là người đáng tôn trọng

Những hình ảnh còn rất mới về những người quyền cao chức trọng với các phát biểu tạo nhiều dấu ấn trong dư luận về phong cách mới của giới lãnh đạo, lần này xuất hiện với đôi tay bị còng của một phạm nhân trong các vụ án liên quan tới các sai phạm đưa đến hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát tài chánh, đã tạo nên nhiều suy gẫm về giá trị thực của con người.

Trong kinh điển, Đức Phật đã từng khuyến hóa về hậu quả của lối sống thiếu tỉnh thức, chạy theo sự hưởng thụ về vật chất, danh vọng, quyền lực, lợi lộc, sắc đẹp… sẽ tự chuốc lấy nhiều khổ não, phiền muộn, khiến cho tâm không được yên ổn.

Ngài cũng nêu nhiều ẩn dụ về hiện tượng này. Đức Phật từng nhắc nhở các đệ tử của Ngài là các vị cư sĩ, những người tham dự và giữ nhiều vai trò trong đời sống xã hội phải thận trọng với vị ngọt ngào êm ái của các dục, bởi “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn”.

Người tạo thiện nghiệp dài lâu
Làm rồi thanh thản ra vào hân hoan
Ngày ngày hỷ lạc nhẹ nhàng
Biết mình thọ hưởng bình an quả lành.

(PC.68)

Khi ác nghiệp chưa tựu thành
Mật ngọt danh lợi, tham dành của riêng
Khi ác nghiệp chín muồi duyên
Nhất định phải chịu triền miên khổ sầu!

(PC.69)

Vô số ví dụ mà Đức Phật nêu ra cũng chỉ nhằm mục đích nhắc các đệ tử tại gia sống trong đời mà không bị các dục nhấn chìm, làm tròn các trách nhiệm với xã hội, với gia đình mà vẫn có được sự thảnh thơi trong nội tâm; hay nói cách khác, như ngài Trần Nhân Tông - vị minh quân đồng thời là thiền sư của Việt Nam hơn bảy trăm năm trước là “vui đạo giữa đời”, ở ngai vàng mà tâm thì yên tịnh như ở trong núi rừng, sống thiểu dục tri túc nên luôn tự tại giữa quyền lực, được nhân dân yêu quý coi như vị Phật của lòng mình.

Đạo Phật quan niệm có hai hạng người đáng tôn trọng trong đời, đó là người không có lỗi lầm và người có lỗi lầm nhưng biết lỗi và nỗ lực để thay đổi - sửa lỗi một cách thành thực, mà không viện dẫn, xin xỏ sự thương cảm. Cuộc đời không chỉ gói gọn trong cuộc sống từ khi sinh ra và chấm dứt bằng cái chết, mà sẽ còn tiếp diễn, còn lưu lại trong lịch sử. Tỉnh giác và chân thành luôn là sự khởi đầu và sẽ không bao giờ là muộn màng, vì đó là nhân tốt đẹp, với nhân ấy chắc chắn sẽ có một kết quả tốt đẹp sau này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày