Không buông mình trong bóng đêm

GN - Sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em có gien di truyền khiếm thị, bố mẹ sinh được 11 người con thì đã có 5 người không thấy ánh sáng. Cuộc đời của em là màn đêm nhưng chưa bao giờ em buông mình, sống trong bóng đêm.

Với ý chí, nghị lực vươn lên số phận, em đã bước chân vào giảng đường đại học bằng chính sức lao động của mình. Đó là những đồng tiền được chắt chiu từ việc em đi bán vé số, dạy kèm, đánh đàn ở tụ điểm văn nghệ mà em bảo: “Em phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và những tháng ngày đối diện với cái đói”. Em là Lê Minh Tâm, hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Anh Trang PGTT GN 800.JPG


Tâm (bên phải) dạy cho trẻ khiếm thị với sự nhiệt tình và không nhận bất cứ thù lao nào

Vượt lên số phận

Lên 5 tuổi, nghe qua radio diễn tả không khí các trường chuẩn bị đón học sinh tựu trường, như những đứa trẻ khác, em cũng háo hức đi học. Đường từ nhà em đến trung tâm tỉnh chỉ cách 7km nhưng bố mẹ không yên tâm để em đến trường vì “con mình khiếm thị”. Với lý do “không nhìn thấy đường, con chấp nhận được nhưng không muốn vì mù mà con không biết chữ”, bố mẹ em không thể cản. Học hết cấp I, em một thân một mình lên Sài Gòn học cấp II tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu; rồi chuyển sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 5 học ba năm cấp III - đối với em đó là chặng đường đầy thử thách.

Thử thách là vì, với người khiếm thị, học chữ đã khó nhưng khi bước vào cấp II, cấp III - hòa nhập cộng đồng, học chung người sáng mắt thì càng khó hơn. Ngoài việc giảng bài, giáo viên sẽ viết chữ, giải các bài toán trên bảng đen. Những lúc như vậy, em phải kiên nhẫn chờ bạn sáng mắt ngồi cạnh bên làm xong bài, rồi nhờ bạn đọc giùm, em mới có thể chép vào vở của mình. Thế nhưng, trắc trở không chỉ đến với em trong học tập mà còn đến từ tài chính. Nhà nghèo nên trong suốt quãng thời gian đi học, em phải vừa học, vừa sử dụng chính sức lao động của mình bươn chải để tạo ra đồng tiền nuôi sống bản thân.

Khó khăn vậy đó, nhưng suốt các năm ngồi trên ghế nhà trường, giảng đường đại học, em đều đạt thành tích khá, giỏi; năm lớp 12, em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi văn cấp thành phố. “Có những lúc mệt mỏi, em muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến lý do ban đầu muốn đi học, muốn trở thành giáo viên để về quê dạy cho những đứa em cùng hoàn cảnh giống mình, muốn sống thật mạnh mẽ để bố mẹ yên tâm..., vậy là khổ nào em cũng chịu được, khó khăn nào em cũng tìm cách vượt qua”, em đã trả lời như thế khi được hỏi, lấy đâu nghị lực để bước qua những tháng ngày đầy chông gai.

Kiếm tiền từ tuổi lên 5, cuộc đời với em là màn đêm nhưng chưa bao giờ em buông mình sống trong bóng đêm. Thấy em bán vé số vất vả, người ta cho tiền nhưng em không nhận, thắc mắc hỏi em thì em giải thích: “Xã hội có nhiều người lợi dụng tình thương của người khác để trục lợi. Em sợ ánh mắt xung quanh nhìn em y như những người lợi dụng khuyết tật bản thân để tranh thủ lòng thương hại của người khác nên em muốn sống bằng chính sức lao động của mình”. Đó là lý do vì sao, nhiều người mời mua vé số, chú Út buôn bán trên đường Trần Nhân Tôn từ chối dứt khoát nhưng lại chủ động mua vé số của em.

Chú Út trìu mến nói về em: “Nó khiếm thị mà sống ý thức, có lòng tự ái lắm, nó bán vé số chứ không lấy tiền ai cho nên mấy ông xe ôm ở đây hay mua vé số giùm nó - dù hoàn cảnh những người ở đây cũng chẳng dư dả gì...”.

Gieo yêu thương - gặt yêu thương

Tại căn phòng em đang trọ, trong con hẻm đường Trần Nhân Tôn (Q.5, TP.HCM), 19g, tiếng em giảng bài và tiếng đọc bài của bé An vang lên ấm áp. Trong thời gian em dạy học, chị Lan - phụ huynh bé An đã kể cho tôi nghe về cái tình mà em sống, đối đãi với mọi người.

Chị cho biết: “Dù chật vật đi làm thêm kiếm sống nhưng dạy cho trẻ khiếm thị, Tâm không nhận tiền. Đặc biệt, Tâm rất thương trẻ khiếm thị. Dù ngày đi học, đi làm rất mệt nhưng tối về dạy cho bé An, cái gì bé An không hiểu, Tâm nhẹ nhàng hướng dẫn, kiên nhẫn đến khi nào bé An hiểu bài mới thôi. Bé An rất quý Tâm, đeo theo Tâm, nhận Tâm là anh, kêu Tâm bằng anh Hai chứ không kêu bằng thầy cũng vì lẽ đó. Ở gần Tâm, bé An cũng có ước mơ giống anh Tâm là học thiệt giỏi để sau này làm thầy giáo dạy học cho trẻ khiếm thị”.

Thấy Tâm cực, nhiều lần chị Lan bồi dưỡng tiền nhưng Tâm đều không nhận, với lý do: “Em tồn tại, học hành, sống được như ngày hôm nay là được sự giúp đỡ của nhiều người. Mọi người giúp em được, vậy thì không có lý do gì bé An có hoàn cảnh giống em, em không giúp được...”. Có lẽ vì sống tình nghĩa như vậy nên mọi người có dịp tiếp xúc với Tâm đều yêu thương em, luôn cố gắng giúp đỡ Tâm chứ “không thể nào bỏ được”, đó là lời nói ngắn gọn mà bác Bảy chạy xe ôm nói về Tâm.

Tuổi già, sức yếu, dù bác đã nghỉ chạy xe ôm nhưng bỏ nghề thì được chứ bỏ Tâm, bác không đành lòng. Sở dĩ bác nói như vậy là vì, “bỏ nó cho người khác chở, người ta đón không đúng giờ, nó hiền quá, không nói tiếng nào mà chỉ biết đứng chờ, tội nghiệp”. Tiền bạc không tính toán, ngày nào có Tâm đưa bác đổ xăng, còn không thì bác tự bỏ tiền túi. Từ lâu bác không còn coi Tâm là “khách” mà đã xem Tâm như là con cháu trong nhà.

Trò chuyện với Tâm, em cho tôi biết rằng, khiếm thị không hẳn là không nhìn thấy gam màu sáng của cuộc đời, và cuộc sống của chúng ta tràn ngập hạnh phúc hay đau thương, bất hạnh chính là do cách chúng ta sống, ứng xử với mọi người xung quanh...

Nói với mình những ngày sắp gục ngã

“Những lúc khó khăn, ta tự động viên chính mình, rồi mạnh mẽ tìm cách vượt qua thì có lẽ tốt hơn nhiều so với việc bám víu người khác. Điều đó không chỉ giúp mình sống bản lĩnh hơn, làm chủ bản thân mình mà còn sống một cách đúng nghĩa. Đường đi lúc nào cũng ở dưới chân mình, nếu mình không tự bước đi thì ai sẽ bước đi giùm mình? Không thể bỏ cuộc được, dù cuộc sống có đem đến cho mình khắc nghiệt gì, mình cũng phải thật mạnh mẽ, tự đứng lên và đi thôi” - LÊ MINH TÂM

Bài, ảnh: Hạnh Ý

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.

Thông tin hàng ngày