Không cầu may mắn

Không cầu may mắn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cầu may mắn là cầu cho những điều tốt đẹp đến với mình một cách ngẫu nhiên, tình cờ. Trong cuộc sống, hình như ai cũng cầu mong cho mình gặp được nhiều may mắn. Tuy vậy, là một đệ tử Phật, tôi không bao giờ cầu may mắn cho bản thân mình.

Tại sao người ta cầu may mắn? Một là do người ta thiếu tự tin và hai là do nhiều lòng tham. Khi ta tiến hành làm một việc gì, mọi người thường chúc nhau được may mắn, và bản thân ta cũng thầm mong như vậy, như là một yếu tố phụ trợ hay thậm chí quyết định đến sự thành công. Điều này cho thấy rằng mình không tự tin vào bản thân mình, không tin vào năng lực cũng như tinh thần sẵn sàng đối diện và giải quyết mọi vấn đề, tình huống có thể xảy ra.

Một người có năng lực và tự tin sẽ không bao giờ trông chờ vào sự may mắn nhưng họ trông chờ vào nỗ lực chính bản thân mình. Khi bắt đầu làm một việc gì mà nghĩ đến yếu tố may mắn thì là đã thất bại một phần rồi vì ta đã đặt một phần thành công của mình vào yếu tố bên ngoài hoặc vào tay người khác. Chúng ta thấy khi con chim đậu xuống cành cây, chúng rất tự tin. Bởi vì chúng đặt niềm tin vào đôi cánh của chúng chứ không đặt vào cành cây. Cành cây có thể cứng chắc hoặc hư mục, nhưng không hề gì, chỉ cần có đôi cánh tốt là được. Khi làm một việc gì cũng vậy, chúng ta không nên trông chờ vào hoàn cảnh sẽ thuận lợi mà ta hãy dựa vào bản thân mình.

Cầu may còn là biểu hiện của lòng tham không chính đáng. Tham thì ai cũng có nhưng tham không chính đáng thì người tử tế đàng hoàng không bao giờ làm. Tham không chính đáng là sao? Là không làm mà muốn được hưởng, làm ít mà muốn hưởng nhiều, hoặc muốn hưởng thành quả của người khác. Người xưa nói “vô công bất thụ lộc” tức chỉ hưởng đúng những gì mình đã làm hay cống hiến, nếu không có công lao thì dù có cho họ cũng sẽ từ chối không nhận. Đã vậy thì họ có cần phải cầu may mắn không? Dù may mắn có đến gõ cửa họ cũng chẳng màng, vì đó không phải là cái của họ.

Khi nhìn thấy của rơi, có người đem trả lại cho khổ chủ nhưng cũng có người không trả lại. Thỉnh thoảng ta thấy hay nghe báo đài nói về chuyện hôi của của người dân lâm nạn trên đường. Đó là may mắn hay lòng tham? Một người chân chính, người không có lòng tham sẽ không bao giờ lấy của của người khác dù họ có “may mắn” gặp được.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người đệ tử Phật thiết nghĩ không nên cầu may mắn. Không phải là họ không muốn có những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà vì họ hiểu rằng may mắn không bao giờ đến một cách tình cờ, không bao giờ cầu được, mà mọi thứ đều diễn ra theo luật Nhân quả. Có gieo lúa thì mới có gạo ăn. Dù cũng có thể mượn lúa của hàng xóm ăn tạm nhưng chẳng lẽ mượn hoài, mà mượn thì cũng phải trả. Một người nông dân chân chính sẽ chăm chỉ gieo trồng để thu hoạch trên cánh đồng của mình chứ không chăm chăm nhìn vào bồ lúa của người khác. Hơn nữa, người đệ tử Phật là người vô kỷ vị tha, luôn luôn có tinh thần phục vụ tha nhân thì càng không cầu may mắn, nếu có cầu thì cũng chỉ cầu bình an cho người khác mà thôi.

Trước đây tôi cũng mong cầu may mắn nhưng trong tâm không được bình an, lúc nào trong lòng dường như cũng mong mỏi điều gì, hy vọng rồi lại thất vọng. Nhưng từ khi tôi không cầu may mắn nữa và có những suy nghĩ và quán chiếu như trên thì thấy tâm mình được bình an. Mình cứ từng bước, từng bước đi trên đôi chân của mình, hưởng những thành quả do chính mình làm, nhiều cũng được mà ít cũng được, tốt cũng được mà chưa tốt cũng được, còn những cái gọi là may mắn thì không còn quan tâm. Nhờ vậy, không những thoát khỏi tâm trạng lo âu mà còn thấy tâm mình ngày càng vững chãi, và phẩm cách của mình cũng nhờ đó mà ngày càng trong sáng hơn.

Đúng như người xưa đã nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”. Vô cầu tức là không ham muốn, nếu con người mà có thể không ham muốn, nhân phẩm tự nhiên sẽ cao thượng, mà khổ não cũng sẽ tự tiêu tan vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày