Không có khoảng cách cho những bất hạnh

Tâm Bình: “Mình thương lại càng thương”
Tâm Bình: “Mình thương lại càng thương”
Thân phận côi cút của Tâm Bình đã dần phai trong những ngày hành điệu ở cửa thiền. Và nỗi buồn thiếu vắng tình thân đã được Tâm Bình thay vào tình thương vô bờ bến dành cho những đứa trẻ mồ côi. Ngoài việc học ở trường THPT, Tâm Bình (mới 17 tuổi) đã đảm trách chăm lo cho 12 đứa trẻ mồ côi và trao trọn tình yêu thương như người mẹ cho từng đứa trẻ…

Xuất gia vì thương mẹ

"Trong cuộc sống còn lắm nỗi truân chuyên. Trước những khó khăn của cuộc đời, có người mẹ dễ dàng buông xuôi, có người đầu hàng, có người than thân trách phận… Bên cạnh đó cũng có người mẹ dám đứng lên mạnh mẽ đấu tranh với thử thách, vượt qua dư luận cuộc đời để tìm cho con mình lối đi vững chắc, tương lai tươi sáng. Mẹ Tâm Bình là người như vậy…".

Từ lúc sinh ra đời, em chưa từng được mẹ cho gặp cha hay bà con nội ngoại, quê cha, mẹ ở đâu em cũng chưa từng nghe mẹ kể. Vì ngày xưa cuộc hôn nhân của mẹ không được sự chấp thuận hai bên gia đình. Mặc dù một mình nuôi con, vất vả là thế nhưng mẹ vẫn lo cho em đủ cơm ăn, áo mặc. Tuy nghèo mà cuộc sống lúc ấy rất đỗi hạnh phúc. Cho đến ngày em học lớp năm, mẹ trở bệnh và không thể lo xuể cho em nữa. Hai mẹ con đã dắt díu nhau vào TP. HCM và tìm đến chùa Vĩnh Phước (C 22/ 1, ấp 3, xã Tân Quý Tây, Bình Chánh) nương nhờ, tá túc. Một thời gian ngắn, em đã xuất gia với pháp danh Tâm Bình. Em xuất gia một phần vì mẹ, một phần vì cuộc đời của em quá nhiều trớ trêu. Sau hai năm sinh sống tại chùa, khi nhìn thấy con mình có chỗ dựa bình yên, mẹ đã quyết định trở về quê sống nhờ nhà người bạn để tiện cho việc chữa bệnh. Ngày mẹ rời xa, Tâm Bình khóc rất nhiều, vì sức khỏe mẹ giờ rất yếu. Mẹ đang mang trong người nhiều căn bệnh - trong đó căn bệnh bướu cổ làm mẹ đau nhức hàng đêm.

Những ngày đầu không có mẹ bên cạnh, tinh thần Tâm Bình đã hụt hẫng rất nhiều. Cho đến khi nhận được thư hồi âm của mẹ, mẹ viết "Đã về tới quê, các bạn mẹ thương và giúp đỡ mẹ nhiều, nên con đừng lo gì cho mẹ. Mẹ mong muốn nhất là con ở trong đó cố gắng tập trung con đường học vấn và con đường Phật pháp. Thời gian là vàng, con đừng bỏ phí uổng công sức của mình. Nếu con thương mẹ, cố gắng ở trong đó tu tập. Cuộc đời mẹ con biết rồi đấy, quá nhiều đau khổ, nghiệp chướng nặng nề. Duy nhất, mẹ chỉ có con an ủi lúc tuổi già, nên con đừng để mẹ thất vọng". Lời nhắn nhủ của mẹ hằn sâu trong trái tim Tâm Bình, đó cũng chính là động lực để Tâm Bình miệt mài phấn đấu trong cả học tập, tu tập. Vị đắng của mùi đời Tâm Bình đã nếm rất nhiều, đau khổ cuộc đời dường như cô đã trải qua gần hết vì thế cô biết thế nào là nỗi đau khi cuộc sống thiếu vắng tình thương. Chính vì vậy, Tâm Bình rất yêu thương các em nhỏ mồ côi "gởi tạm" ở chùa. Ngày nào cũng vậy, xong buổi học văn hóa tại trường là Tâm Bình về ngay để phụ các sư cô chăm các bé.

Gieo yêu thương cho cuộc đời

Hiện nay, chùa đang nuôi dưỡng mười hai bé từ 6 tuổi trở xuống, nhỏ nhất là hai bé: Hồng Tâm và Khương Tâm vừa hơn 1 tuổi. Trong số đó, đã có mười em "gởi trước cổng chùa" khi chưa rụng rốn. Như bé Khánh Tâm, được phát hiện "gửi trước cổng chùa" nhờ tiếng khóc rất to vì em bị ổ kiến lửa bu cắn. Nay em đã 5 tuổi, vậy mà vết kiến cắn li ti vẫn còn. Và, nhiều em khác nữa, có em gửi vào lúc trưa nắng, chiều tối, và cả khi trời chưa sáng - lúc công phu khuya vừa điểm giờ.

Chịu trách nhiệm chính lo cho các em hàng ngày là cô Tâm Hồng và Tâm Bình, phần lớn thời gian đều dành cho các em. Tất bật công việc thường nhật là tắm rửa, cho các em ăn- uống sữa, cho ngủ, tập đi, tập nói... Để lo được chu đáo cho tất cả đó là điều vô cùng cực nhọc và khó khăn. Nhưng khó khăn nhất là lúc thời tiết thay đổi, chuyển mùa các em bệnh đồng loạt. Có những khi phải chăm năm em trong Bệnh viện Nhi Đồng. Lúc đó, "lớp đi quyên góp tiền từ Phật tử, lớp chạy mượn lại vừa phải thức trắng suốt đêm lo cho từng đứa". Cực là vậy nhưng Tâm Bình chưa bao giờ bỏ đứa nào, tất cả đều thương và lo lắng bằng nhau, tất cả được

Tâm Bình ôm trọn vào lòng như tình thương của mẹ. Đêm nào ở chùa cũng vậy, mười hai đứa trẻ đều ngủ chung một cái mùng, chung tấm chiếu cùng với hai cô. Giấc ngủ các em cùng nghe chung lời ru. Tâm Bình chia sẻ: "Chỉ cần nhìn thấy các em cười vui vẻ, ăn được, ngủ được là bao nhiêu mệt mỏi cũng dễ dàng trôi qua. Bản thân mình không may mắn có cha, có bà con dòng họ nhưng mình có mẹ. Còn tụi nhỏ, không có gì cả thì mình phải thương chúng nhiều hơn. Khi mình quan tâm, chăm sóc cho tụi nhỏ thì tụi nhỏ sẽ cho lại mình sự thương mến. Có mấy em khi thấy bóng mình đi đằng xa, đã vỗ tay chạy lại đòi bồng bế. Hay mình ngồi xếp đồ cho chúng, chúng ùa lại ôm hôn, bá cổ… Thấy vậy, mình thương lại càng thương, không sao bỏ được".

Nước mắt đang rơi trong niềm hạnh phúc, Tâm Bình tâm sự: "Mặc dù giờ đây mẹ Tâm Bình không bên cạnh, nhưng Bình luôn nghĩ nếu giờ mẹ nhìn thấy việc làm này của con mình, chắc chắn mẹ sẽ rất vui và mãn nguyện. Bình rất vui vì làm đúng theo ý nguyện lời mẹ dặn. Trong muôn ngàn hiếu hạnh, Bình nghĩ tu tốt đó là cách trả hiếu trọn vẹn nhất cho mẹ. Điều đó giúp Bình bền tâm tu tập và làm việc thiện mỗi ngày. Trong Bình, mẹ là vĩ đại nhất. Mẹ đã hy sinh tất cả vì Bình và giờ đây Bình sẽ làm tất cả vì mẹ".

Tuổi trẻ là tuổi của những đam mê và hoài bão, và Tâm Bình thực sự là con người như vậy. Tuy nhiên điểm khác nhau trong niềm đam mê của Tâm Bình so với bộ phận tuổi trẻ hiện nay là đã dành phần lớn thời gian của bản thân để vun đắp yêu thương cho cuộc đời. Những việc làm của Ni sinh trẻ tuổi này không phải vì khuyếch trương cho bản thân, mà những việc làm thầm lặng ấy như: "Mạch suối nhỏ đang lặng lẽ chảy về nguồn, tạo nên dòng sông hiền hòa êm ả", như chính tâm hồn nhân hậu của Tâm Bình dành cho trẻ em mồ côi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày