Không gian nghệ thuật trong thơ Huyền Quang

Không gian nghệ thuật trong thơ Huyền Quang
Sáng tác của Huyền Quang  còn lại không   nhiều, thế nhưng những bài thơ của ông dễ dàng để lại trong lòng người đọc niềm cảm xúc. Đọc thơ Huyền Quang, ta thấy tâm hồn mình được thanh lọc bởi một tâm hồn trong trẻo thuần khiết của nhà sư giác ngộ Phật tánh. Nhà thơ không lý luận nhiều về những triết lý cao siêu, không “thị chúng” hay “vấn đáp” với thiền giả, không luận bàn hay khuyến tu với bạn đạo; mà ông chỉ lẳng lặng miêu tả không gian và trải lòng mình sống trong không gian ấy với những tình cảm chân thành và hồn hậu nhất. Từ không gian đó, ta nhận ra tư thế ung dung, an nhiên; tâm hồn sáng trong thanh thoát của một thiền sư ngộ đạo.

Là một nhà sư từ nhỏ có khiếu ngôn ngữ văn chương, lại mê thú chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên, thích sống ẩn dật tu hành nơi rừng núi; những yếu tố đó góp phần tạo nên một Huyền Quang vừa là thiền sư, đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng đời Trần. Nói như thế cũng chưa đủ bởi nếu không có khung cảnh thiên nhiên, nơi nhà sư sống ẩn dật tu hành trong hầu như những tháng ngày nửa sau cuộc đời mình thì chắc chắn thơ Huyền Quang sẽ kém đi phần quyến rũ. Sống cuộc sống ẩn dật ở chốn vắng vẻ cô tịch, hơn bất cứ thứ gì hết, rừng núi, suối hồ, trăng thanh gió mát, cây cối hoa cỏ là người bạn thân thiết nhất mà nhà sư ngày ngày đối mặt, ngắm nghía, thưởng ngoạn:

Dạ khí phân lương nhập họa bình

Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh

(Hơi đêm tỏa mát vào bức bình phong vẽ

Cây trước sân xào xạc báo tiếng thu).

(Tảo thu-Thu sớm)

Nhà sư mở rộng lòng mình đón nhận những thứ nhỏ bé đơn sơ nhất của thiên nhiên, cũng giống như mở rộng lòng từ bi đón lấy những sinh linh bé bỏng nhỏ nhoi hữu tình không thể thiếu được trong cuộc đời này. Đó là hạt sương hạt móc nhẹ nhàng rơi lên cỏ cây, là bông hoa cúc hé nở giữa đêm mát trong báo hiệu mùa thu đã đến (Cúc hoa IV - Hoa cúc IV); là con thuyền nhỏ giữa trăng nước bao la, mà ở đó, nhà sư lắng tai nghe tiếng sáo thuyền chài véo von văng vẳng trong đêm thu hắt hiu, tịch mịch (Phiếm chu - Đi thuyền)

Nhà sư tỏ ra say sưa với khung cảnh thiên nhiên nên thơ tươi đẹp xung quanh mình. Trong con mắt thiền sư, đây không phải là một không gian cứng đờ, khô héo mà ngược lại, nó là một không gian trữ tình nên thơ đầy màu sắc và âm thanh, giống như một làn sóng cuốn hút lòng người mãi mê ngụp lặn. Chả trách tại sao nhà thơ thoát tục ấy không hờ hững với những cánh hoa rụng, không bỏ mặc trăng trong gió mát, cúc nở sương rơi, nhà sư rộng mở lòng mình đến với thiên nhiên để nhận ra hết vẻ đẹp của nó, cảm thấy thỏa thích như được về với chính tâm tánh của mình…Không có một tình yêu thiên nhiên thiết tha, một sự tĩnh lặng tập trung đến cao độ, một tâm hồn cởi mở muốn giao hòa với vạn vật thì nhà sư làm sao cảm nhận được những sự vật trong bức tranh nên thơ, những biến động nhỏ bé, vi tế của thiên nhiên trong khung cảnh huyền diệu ấy.

Bên cạnh không gian thiên nhiên vắng vẻ hiu hắt ấy, ta nhận ra không gian sinh hoạt đời thường nhàn tản, thoát tục, bình lặng của cuộc sống một người tu hành. Nơi đó có con đường đi, am thiền, chuông chùa, bóng tháp…

Thượng phương thu dạ nhất chung lan

Nguyệt sắc như ba phong thụ đan

Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh

Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.

(Đêm thu, trên chùa một tiếng chuông đã tàn

Ánh trăng như sóng, cây phong thắm đỏ

Bóng xi vẫn ngủ được dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá

Ánh tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt).

(Diên Hựu tự -Chùa Diên Hựu)

Không gian cô tịch lặng lẽ của chốn tu hành càng gợi niềm thanh thản thoát tục. Cảnh vật dường như có hồn, có sự sống. Hình con chim bằng đá xây chạm trên nóc chùa (xi vẫn) in bóng xuống mặt hồ mà nhà thơ tưởng như đang ngủ, mặt hồ lúc này trở thành tấm gương vuông lạnh giá, ngọn tháp thì được ví như ngón tay ngọc rét buốt. Đó là bức tranh của cõi tâm linh hun hút vô tận mà con người ngắm hoài không biết mỏi. Nhà sư không còn vướng bận sự đời, hòa mình vào không gian tĩnh mịch ấy để nhận ra triết lý tu hành, giác ngộ chân lý Phật pháp.

Trong không gian cuộc sống sinh hoạt, đôi lúc nhà sư tỏ ra bận bịu với công việc bếp núc vốn hết sức quen thuộc hàng ngày. Củi lửa, khói hương, mảnh cây, ống thổi, chú bé trong núi hỏi về chương sách ngắn… (Địa lô tức sự - Trước bếp lò tức cảnh) hiện lên một cách tự nhiên trong thơ Huyền Quang. Thiền sư đôi lúc tỏ ra vụng về, lóng ngóng; thế nhưng tràn ngập trong bài thơ là một tâm hồn mộc mạc, chân thành, hồn hậu, vui với lẽ đạo mà mình luôn bắt gặp sự hiện hữu của chúng trong cuộc sống. Lẽ đạo đó nhà thơ tìm thấy trong không gian cuộc sống đời thường bình dị, lặng lẽ chứ không ở chốn trời nước mênh mông, không phải trong trang kinh lời kệ. Nhà sư an nhiên tự tại đầy thỏa thích, đó không phải là thỏa thích theo kiểu hô phong hoán vũ, đạp gió cưỡi mây ngao du bồng lai tiên cảnh; mà đó là niềm thỏa thích nhẹ nhàng như dòng suối lai láng mênh mông chảy ra từ nguồn mạch vô tận của cuộc sống dung dị bình thường.

Cũng có lúc nhà sư gợi nên một không gian mà ở đó con người quên đi tất cả để trở về sống với thực tại, thậm chí có lúc quên đi cả thực tại để sống với bản thể chân thật của chính mình, hay chính xác hơn là không để gì cả. Nhà sư đã hòa nhập vào cuộc sống hiện tại, hòa nhập đến cao độ để không còn nhận ra mình đang sống giữa hiện tại đó, không còn nhận ra sự tồn tại của mọi sự vật xung quanh mình. Nói như vậy không có nghĩa đến lúc này, tâm hồn của nhà sư vô vị, trống phỗng như gỗ đá; mà ngược lại, tâm hồn đó đầy ắp đến cao độ nên không thể dung nạp thêm gì được nữa. Nhà sư sống giữa cuộc đời, mê mải nhìn ngắm thiên nhiên, đất trời vạn vật với một tâm niệm duy nhất là “vô tâm niệm”, không còn phân biệt hay tách rời bản ngã với vạn vật xung quanh, vì thế mà có những câu thơ như:

Vong thân, vong thế, dĩ đô vương (vong)

Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương

Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.

(Quên mình, quên đời, đã quên hết cả

Ngồi lâu trong hiu hắt, cả giường mát lạnh

Cuối năm ở trong núi không có lịch

Hoa cúc nở tức là đã đến tiết Trùng dương).

(Cúc hoa III - Hoa cúc III)

Phút giây “quên” kỳ diệu đưa con người vượt qua thế giới hữu hạn đến cõi bờ của một không gian vĩnh hằng. Ngồi hồi lâu nhà sư mới chợt nhận ra cái lạnh của giường thiền, sống trong núi cô tịch không biết ngày tháng, hoa cúc báo hiệu cho nhà sư sực nhớ đến tiết Trùng dương. Trong con mắt của nhà sư-một con người giác ngộ-thì cái không gian quên ấy mới chính là thực tại đích thực mà ở đó, con người mới sống trọn vẹn nhất trong cái bản thể hằng hiện hữu.

Đọc thơ Huyền Quang, chúng ta còn nhận ra một loại không gian khác chiếm vị trí khá quan trọng là không gian tràn đầy ánh sáng của một người giác ngộ tự tánh. Nói là không gian đầy ánh sáng không có nghĩa là xung quanh nhà thơ đầy ánh sáng, nhà thơ không sống trong bóng tối của những đêm dài hiu hắt. Mà ánh sáng được đề cập đến ở đây là ánh sáng của tự tánh, của tuệ giác. Dường như ánh sáng đó soi tỏ cả cõi tâm thức nhà thơ, khúc xạ qua nhiều lớp lang của tâm hồn rồi mới chiếu thẳng đến nhiều câu thơ của ông. Không gian muốn tràn đầy ánh sáng thì trước tiên phải có cái nền là “trời quang mây tạnh”, bởi nếu như trời âm u tăm tối thì làm gì ánh sáng xuyên qua lớp lớp không khí để tỏa đi khắp nơi, làm gì có ánh sáng rạng rỡ như thế này để nhà sư cảm nhận:

Sơn thanh thủy lục hựu thu quang

(Sáng ánh thu xanh bóng nước mây).

(Phiếm chu - Đi thuyền)

Cũng giống như vậy, một nhà sư tu hành phải phủi sạch lớp bụi trần ai, trút bỏ mọi ham muốn trong cuộc đời mới có thể tìm thấy ánh sáng tuệ giác. Để diễn đạt cho cái ánh sáng bất tận đó, tác giả hay dùng hình ảnh ánh trăng. Ánh trăng chiếu sáng soi rõ vạn vật là một hình ảnh đầy ý nghĩa, nó không chỉ là ánh trăng của thiên nhiên đang tròn đầy viên mãn, tỏa ánh sáng tuyệt diệu khắp đất trời, mà nó còn là ánh trăng tâm thức của người giác ngộ bản thể, tất cả lộ ra vằng vặc như chưa từng bị che khuất. Bóng tối của thiên nhiên thì vẫn còn nhưng bóng tối che mờ tự tánh được quét sạch bởi bóng trăng lung linh sáng tỏ ấy. Khi ấy, sông núi mây nước, khóm cây cành cây lộ rõ mồn một:

Trúc đình vong thích hương sơ tận

Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.

(Dưới mái tranh quên bẵng hương vừa tắt

Từng khóm, từng khóm cành cây giăng lưới vầng trăng sáng).

(Tảo thu - Thu sớm)

Không gian trong thơ Huyền Quang không phải là một khách thể, nó là không gian cuộc sống mà nhà thơ hòa mình vào trọn vẹn, cũng có lúc là không gian mang ý nghĩa biểu tượng cho sự chiêm nghiệm triết lý của nhà sư, cũng có khi không gian ấy là người bạn đem lại niềm vui hay báo tin cho nhà sư những điều hay quên trong cuộc sống. Đọc thơ Huyền Quang, ta nhận thấy nhà thơ trải qua đời sống tu hành trong không gian êm đềm nhất với những sinh hoạt hết sức bình thường. Thơ ông không nghiêng về lý luận, chỉ tả cảnh và kể việc giản dị, giọng thơ dí dỏm hồn nhiên nhưng ẩn chứa bên trong những triết lý thiền sâu sắc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày