Không nên quá chuộng ngoại và quên những lợi ích chung

    TTAnh.jpg
HT.Thích Thiện Tánh - Ảnh: V.Giang

GN - Những năm gần đây và gần một tháng qua, một số chùa phía Bắc cũng như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận có những hình thức rầm rộ đón tiếp, tổ chức các Pháp hội, lễ gia trì, quán đảnh với sự chủ trì của ngài Jigme Pema Wangchen (Gyalwang Drukpa đời thứ 12) và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa (Kim Cương thừa).

Một số ý kiến cho rằng việc đón tiếp, tôn vinh và phô trương ở một số chùa chưa được sự đồng tình cao của Giáo hội và Phật tử; việc quảng bá nghi lễ theo truyền thống Kim cương thừa với những hình thức nghi lễ từ Ấn Độ xa lạ với truyền thống Phật giáo Việt Nam, có nguy cơ làm xáo trộn, rối rắm thêm cho văn hóa của Phật giáo nước nhà trong lúc tổ tiên chúng ta đã tiếp nhận có chọn lọc yếu tố Mật tông từ hơn một ngàn năm trước…

Xung quanh sự việc này, phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Thiện Tánh (ảnh), Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM. Với cương vị của mình, Hòa thượng cho biết:

- Vừa qua, ngài Jigme Pema Wangchen (Gyalwang Drukpa đời thứ 12) và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa đã có chuyến thăm lần thứ 5 tại Việt Nam. Chuyến đi này kéo dài hơn những lần trước với nhiều hoạt động như: cử hành lễ gia trì, Pháp hội quán đảnh cộng đồng, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu, phóng sanh, triển lãm, giới thiệu sách… tại thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố: Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh từ ngày 5-4 đến ngày 6-5-2014.

Theo tôi được biết, Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa đến Việt Nam theo lời mời của nhóm Drukpa Việt Nam, trước khi đến Việt Nam đã được phép của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ.

* Một số Phật tử cho rằng, việc Phật tử Việt Nam đổ xô đến tham dự những buổi Pháp hội, gia trì, quán đảnh với sự trang hoàng pháp tòa lộng lẫy ở một số chùa tại các tỉnh phía Bắc hay TP.HCM vừa qua là sự hiếu kỳ nhất thời như là một “trào lưu” tôn vinh quá mức những hình thức, giá trị văn hóa, tâm linh từ nước ngoài, xa lạ với truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ý kiến của Hòa thượng về việc đó như thế nào?

- Bản thân tôi chưa tham dự buổi Pháp hội nào của ngài Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ nên chưa biết họ nói những gì. Nhưng, theo tôi, Phật tử Việt Nam bị thu hút bởi những “cái lạ”, màu sắc lộng lẫy khác thường như ông hoàng, từ sự bài trí nơi pháp tòa, xung quanh khu vực diễn ra buổi lễ cũng như các nghi thức trong các buổi lễ, cách thức mà họ trình diễn các điệu múa Kim Cương thừa… là những thứ khác lạ dễ thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của số đông so với sự đăng đàn thuyết giảng khá mộc mạc của chư tôn đức giảng sư Việt Nam.

Thử làm phép so sánh giữa một bên là sự sơ mộc còn một bên là sự lộng lẫy của màu sắc, âm thanh có tính chất huyền bí thì dĩ nhiên cái nào lạ thì sẽ gây tò mò, thu hút hơn. Điều đó, cũng giống như mình đang dùng một chiếc xe máy cũ kỹ mà nhìn thấy một chiếc xe mới sản xuất, màu sắc rất đẹp thì mình cũng muốn biết nó có từ đâu, đi như thế nào, có tốt không.

VN.jpg

Băng-rôn chào mừng với nội dung tôn vinh tạo nhiều ý kiến trong dư luận - Ảnh: Yên Hà

Tôi cho rằng, theo đà này thì một số người dân, Phật tử Việt Nam cũng sẽ theo truyền thống Kim Cương thừa bởi vì đối với họ đây là một truyền thống Phật giáo ở nước ngoài đầy huyền bí, quá thu hút, quá mới mẻ. Một khi cái gì thu hút mình quá thì mình sẽ có thể bỏ qua những thứ gần gũi, thân thuộc xung quanh. Có thể là tôi lo xa, nhưng nếu theo quy luật “nước lên thì đẩy thuyền”, đến một lúc nào đó, chúng ta cũng có thể sẽ bị đồng hóa ngay trên đất nước của mình chăng?! Tôi cũng hy vọng đó chỉ là “hiệu ứng đám đông”, sau sự kiện này mọi thứ sẽ đâu vào đó.

Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa đến Việt Nam là do một nhóm Phật tử chủ trương thỉnh mời, các pháp sự đã diễn ra tại một số tự viện Việt Nam. Như vậy, theo tôi cả hai bên đều có lợi ích về góc độ tổ chức, quảng bá hình ảnh, truyền bá pháp môn, thu hút Phật tử đến tham dự càng đông càng tốt. Còn về việc Phật tử có những chuyển hóa lợi lạc thân tâm hay không thì tự họ mới biết rõ nhất.

* Hòa thượng có ý kiến gì về những mỹ từ tôn xưng “Pháp vương”, “Nhiếp chánh vương”, “Đấng toàn tri”… được quảng bá ở các chùa khi giới thiệu về Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa khi đến Việt Nam?

- Theo lẽ, danh xưng này thường chỉ dành để tôn xưng Đức Phật. Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa có những danh xưng như vậy là do truyền thống của họ. Tôi nghĩ các mỹ từ đó được sử dụng ở Việt Nam nhằm tạo sự thu hút đám đông, cũng như tính cách huyền bí của các pháp hội đã làm nên những làn sóng hiếu kỳ trong dư luận.

Khi dịch và giới thiệu ở Việt Nam, theo tôi, những người có trách nhiệm nên tìm những từ ngữ phù hợp với văn hóa của dân tộc Việt, không nên có sự tôn xưng thái quá, chuộng ngoại và tùy tiện làm theo suy nghĩ cá nhân mình, vì cái lợi của mình mà quên đi những lợi ích khác, ảnh hưởng đến Giáo hội và văn hóa dân tộc.

* Xin cảm ơn Hòa thượng!

H.Diệu thực hiện

 Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12 có được gọi là Pháp Vương?

Gần đây ở nước ta có những sự kiện đón rước các nhà sư Tây Tạng với những nghi thức trọng thể hơn cả bản thân các vị tôn túc ở nước ta, thậm chí còn để cho họ nắm giữ vai trò chính khi tổ chức một số nghi thức như an vị tượng tượng Phật, cầu an...

Tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này như thế này để chia sẻ cùng mọi người, mong mọi người hiểu đúng hơn về bản chất của sự việc.

Vấn đề Pháp Vương Tây Tạng là một lệch lạc nghiêm trọng gần đây ở nước ta.

D8-1443275292_660x0.jpeg
 Ngài Gyalwang Drukpa trở lại Việt Nam vào tháng 9-2015

Thực ra mà nói, vấn đề sai lầm này bắt gốc rễ từ cách chuyển dịch từ ‘Gyalwang Drukpa’ sang tiếng Việt. Chúng ta bị choáng ngợp bởi từ “Pháp Vương”, mà thực chất là do dịch không đúng, hoặc do mê lầm nên cố ý tôn sùng, nên cứ tưởng rằng đó là "Pháp vương = Phật" thật.

‘Drukpa’ là từ khá phổ biến trong văn hóa Tây Tạng, nó có nghĩa là ‘rồng’. Về nguồn tích của việc dùng từ này cho dòng truyền thừa của họ thì trang web của dòng truyền thừa này cũng có nói rõ. Đó là do vị khai sáng dòng tu này (Tsangpa Gyare Yeshe Dorje) thấy chín con rồng bay lên trời nên nhân đó đặt tên với ý nghĩa là dòng truyền thừa của rồng. Rồng là một biểu tượng cao quý trong truyền thống Tây tạng, nó còn có ý nghĩa là ‘tiếng sấm sét’.

Từ ‘Gyalwang’ có nghĩa là 'người chiến thắng'.

Nếu ghép hai từ này thành ‘Gyalwang Drukpa’, thì dù dịch thoáng, dịch xa, dịch gần, dịch sát, tìm hết tất cả các từ liên quan đến "dịch" cũng không thể cho ra nghĩa “Pháp Vương”.

Pháp Vương là từ chỉ cho các Đức Phật, không ai, dù là hóa thân của Phật, có thể dùng từ đó để gọi.

Dòng tu Gyalwang Drukpa là một dòng tu mới nổi lên dựa trên 3 truyền thống cũ: Kagyu, Sakya, và Kadam/Geluk. Dòng tu này được sáng lập bởi Tsangpa Gyare Yeshe Dorje (Drogon Tsangpa Gyare) vào khoảng những năm đầu của thế kỷ 13. Kể từ đó, các vị lãnh đạo tối cao của truyền thống này được gọi là Gyalwang Drukpa, vị hiện tại là Gyalwang Drukpa thứ 12.

Nói đến sự nổi tiếng của dòng tu này thì chúng ta có thể thấy là không nhiều khi truy tìm trên các nguồn tài liệu như từ điển, bách khoa, hoặc sách Phật giáo Tây Tạng. Bản thân tôi chắc chắn một điều là tần số xuất hiện của nó trong mảng tiếng Anh so với Hòa thượng Thích Nhất Hạnh thấp hơn rất nhiều.

Phật giáo là tôn giáo dễ thâm nhập vào văn hóa bản địa, có người đã từng ví Phật giáo như một tôn giáo “mở” chính vì đặc điểm này. Chính vì thế, mỗi lãnh địa có một nền văn hóa Phật giáo riêng. Chúng ta không thể lấy văn hóa người ta thay thế cho của mình, cũng như chúng ta không thể lấy nghi thức cúng ông bà quá cố của người Tây Tạng để cúng cho ông bà quá cố của chúng ta! Và hiển nhiên điều ngược lại cũng không thể chấp nhận.

Phật giáo của mỗi nước có cái hay và cái chưa hay của nó. Phật giáo Tây Tạng có cái hay đáng học hỏi, nhưng lãnh vực này quả thực không phải dành cho quần chúng phổ thông. Phật Giáo Tây Tạng có nền học thuật khá sâu sắc, đặc biệt tư tưởng Không và Bát nhã. Nhưng thử hỏi, trong số những người tìm đến với Phật giáo Tây Tạng gần đây có ai biết điều đó chăng? Chúng ta chỉ chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài của nghi lễ mang tính bản địa của Tây Tạng, mà thực chất đó là một biến tướng khác của đạo Bon, một tín ngưỡng dân gian như thuật phù thủy ở nước ta.

(...)

Vài lời chia sẻ, mong bạn đọc tìm hiểu thêm.

Thích Thanh Hòa
(Trích theo Thư viện Hoa Sen)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày