Khúc tâm xuân từ Học viện Ứng dụng châu Âu

GNO - Trong nếp phong hóa Việt Nam có một từ “ăn” rất hay, rất đa dụng. “Ăn” không chỉ là nhai, là đưa  thức ăn vào cơ thể mà “ăn” còn là để thưởng thức, là chơi, “ăn” là cơ hội để gia đình bà con sum họp, quây quần bên nhau.

Cũng vậy, ăn Tết cũng là đón Tết, chơi Tết và tiễn Tết đi, hẹn mùa đào sang năm. Riêng Tết ở Học viện Ứng dụng châu Âu (EIAB) cũng đong đầy hồn Việt với tinh thần văn hóa Việt.

Tết, tết đến rồi

Để bắt đầu cho những ngày tống cựu nghinh tân đầy ấn tượng, cây nêu được quý thầy dựng khoảng giữa đoạn đường từ nhà Asoka qua chùa Đại Bi. Theo truyền thống, ở miền Bắc, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời. 

chuyen nghiem (1).JPG

Xuân về giữa trời Âu - Ảnh: Chân Chuyên Nghiêm

Truyền thuyết cho rằng, từ ngày này cho đến đêm giao thừa, vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, cho nên cây nêu dựng lên để chặn ma quỷ. Cây nêu đứng hiên ngang giữa trời đất suốt thời gian từ lễ dựng nêu cho đến ngày hạ nêu, ngày 7 tháng Giêng âm lịch.

Thông thường cây nêu là cây tre cao khoảng 5-6m. Tùy văn hóa, tập tục của từng vùng miền mà trên đầu cây nêu có treo lá phướng, hay một dải vải điều (màu đỏ) có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới, và một cái giỏ tre, trong đó có đựng cau, trầu, rượu, hoặc một số phẩm vật khác.

Ăn tết ở xứ tây làm sao có tre, may mắn lắm như ở Làng còn có tre để làm nêu còn ở học viện cây nêu được làm từ cây thông, loài cây bản địa sẵn có. Quý thầy cũng khéo chọn cây thông dáng thon, đủ dài, tuy không được thẳng mềm mại như tre nhưng cũng rất ra dáng cây nêu.

Năm nay, ngoài lá cờ Phật giáo (thời Lý Trần) còn có tấm vải nhỏ màu vàng được treo trên cây nêu. Như lời Sư Ông dạy trong pháp thoại ngày 23 tháng Chạp, thì tấm vải này tượng trưng cho tấm y của Bụt theo như truyền thuyết Cây nêu ngày Tết được lưu truyền từ lâu trong dân gian Việt Nam.

Bánh tét, bánh chưng ai cũng thích

Những ngày cuối năm này, các thầy các sư cô còn phải lo ôn thi tiếng Đức. Điều này không làm giảm không khí vui xuân đón Tết. Thi xong ngày trước thì ngày sau (26 tháng Chạp) các thầy cô bắt tay vào vút nếp, cắt lá, làm nhân, gói bánh. Cũng như mọi năm, năm nay có một số quý cô bác anh chị, tranh thủ dành vài ngày nghỉ hiếm hoi về Viện cùng gói bánh với các thầy các sư cô.

chuyen nghiem (4).JPG

Quê ta với bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt

chuyen nghiem (3).JPG

Quán trà Nhàn Môn

Bánh được gói xong khá sớm vì có nhiều đôi bàn tay khéo léo, thuần thục, người thì cắt dây, người xếp lá, người buộc dây cho bánh. Mọi công đoạn được làm và phối hợp nhịp nhàng như sự vận hành của cùng một cơ thể vậy!

Buổi tối nấu bánh mới thật là đầm ấm và vui. Các cô bác, anh chị cùng các thầy các sư cô quây quần ở nhà ăn, trong khi đợi bánh chín thì nào là văn nghệ bỏ túi, kể chuyện vui cứ thay phiên nhau trình diễn. Trong khi thưởng thức không khí đầm ấm bên gia đình tâm linh, tôi và các thầy các sư cô lo việc nấu bánh không quên nhiệm vụ của mình, cứ canh chừng ba mươi phút là châm nước thêm cho nồi bánh.

Chợ xuân trong chùa

Đón khách ở cửa chính vào đại sảnh, bắt đầu khai mạc cho hội chợ vào mùng 3 Tết, tất cả các thầy, các sư cô tập trung hát những bài xuân ca. Vì là chợ xuân trong chùa nên không giống bất cứ những chợ nào ở dưới phố. 

chuyen nghiem (2).JPG

Ông Đồ trẻ - Ảnh: Chân Chuyên Nghiêm

Đi chợ không cần mang theo nhiều tiền chỉ cần mang theo vé, mỗi vé 50cent được đổi ở đầu chợ. Chỉ cần vài vé cũng đủ để thưởng thức lại không khí “quê ta với bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt, nơi tuổi thơ ta đẹp như giấc mơ”, với những món quà quê như bánh canh Nha Trang, hủ tiếu Nam Vang, bánh nậm, bánh lọc, bánh cuốn, chè bưởi, gỏi bưởi, bánh bao tình thương, sushi, cà ri, súp.

Dạo quanh qua các quầy, khách du xuân không thể không ghé thăm quán trà Nhàn Môn. Đến đây thực khách được tận hưởng những giây phút thư thái, tĩnh tại; nhấm nháp từng ngụm trà qua tài pha chế nhuần nhị của trà chủ là thầy trụ trì.

Gần bên là quầy thư pháp với ông đồ... rất trẻ đang “bày mực tàu, giấy đỏ/ giữa phố đông người qua” đã níu chân người lại qua. Khách du xuân chăm chú dõi theo từng nét bút thư thả của ông đồ thảo ra những bức thư pháp theo ý nguyện của khách...

Lời ước nguyện đầu năm

Lặng lẽ chiên đàn nhả khói thơm

Đỉnh trầm xông ngát ý thiền môn

Lung linh nến ngọc ngời sao điểm

Thanh tịnh trần gian sạch tủi hờn

(Giao cảm - thơ Sư Ông)

Trong phút giây lặng lẽ này, tôi cảm nhận thời khắc linh thiêng của trời đất đã đến. Sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tinh khôi, nhẹ nhàng phảng phất trong hương trầm với kệ xướng, với kinh tụng. Bắt đầu năm mới với gia đình tâm linh với Thầy còn đó, với sư anh, sư chị, sư em còn đây. Tôi thầm nguyện cầu cho tất cả vững bước trên đường đạo, thủy chung với lý tưởng, nguyện cầu bảo hộ cho người huynh đệ mình đi trọn đời tu.

Năm vóc sát đất, trong ý thức sáng tỏ rằng Trời Cha, Đất Mẹ đang ôm ấp chúng con và muôn loài. Năm vóc sát đất, lạy xuống ba lạy trước những người con trai lành, hiện thân của Phổ Hiền Đại Sĩ và những người con gái lành, hiện thân của Quan Âm Đại Sĩ.

Nhờ cánh én mùa xuân nhắn gởi lời nguyện cầu đến tất cả thân sơ một năm mới thành công, tinh tấn trên đường đạo cũng như đường đời. Thở chậm và sâu trong phút giây này để nghe nhịp bước mùa xuân đã, đang và sẽ đồng hành trên từng bước đi, nhịp thở của mỗi hành giả.

Chúng con nguyện trở về nương tựa nơi Trời Cha, Đất Mẹ và kính cẩn phát nguyện là chúng con sẽ tập thở cho có chánh niệm, tập đi cho có chánh niệm trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Chúng con sẽ tập sống đơn giản trở lại để có thì giờ xây dựng tình huynh đệ, xây dựng tình thương yêu theo tinh thần từ bi và không kỳ thị như Đất Mẹ và Trời Cha đã làm.

Chúng con nguyện thực tập cho Cha, cho Mẹ và cho tất cả tổ tiên cũng như con cháu của chúng con, để hòa bình, thương yêu và an lạc luôn có mặt trên thế gian này".

Chuyên Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày