Kiện toàn tăng trưởng Giáo hội mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

HT Thích Thiện Nhơn
HT Thích Thiện Nhơn
Giác Ngộ - Bước vào thập kỷ mới của thế kỷ XXI, nhiều sự kiện lớn của Phật giáo diễn ra trong năm 2010: kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới giới lần thứ VI tại Việt Nam và nhiều hoạt động Phật sự khác của GHPGVN. Trước tình hình phát triển của đất nước cũng như thế giới về mọi mặt, GHPGVN bên cạnh sự tăng trưởng không ngừng, vẫn luôn tiếp tục đổi mới trong mọi hoạt động.

Trước thềm năm mới, HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN (ảnh) đã dành cho Giác Ngộ cuộc trò chuyện về những hoạt động trọng tâm của Giáo hội trong năm 2010.

-  Thưa Hòa thượng, năm Canh Dần - 2010 được xem là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước và Phật giáo Việt Nam . Xin Hòa thượng cho biết các hoạt động trọng điểm của GHPGVN trong năm 2010?

- HT.Thích Thiện Nhơn: Năm Canh Dần - 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng nhất của đất nước như kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất Tổ quốc, 65 năm ngày thành lập nước CHXHCNVN, 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt là kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Đối với GHPGVN là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007-2012); năm giữa nhiệm kỳ của Giáo hội. Ngoài công tác củng cố cơ sở, nhân sự các cấp, Giáo hội còn nỗ lực đẩy mạnh công tác thành lập 2 đơn vị Phật giáo, đó là tỉnh Nghệ An và Lào Cai. Trong quan hệ quốc tế, ngoài việc cử đoàn đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan vào trung tuần tháng 5-2010, Giáo hội tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2554 thật quy mô, trọng thể từ hình thức đến nội dung để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kết hợp cùng Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội vào ngày 27-7-2010. Trung ương Giáo hội sẽ có thông tư cho các Ban Trị sự Phật giáo cả nước, đồng tổ chức đại lễ tại các đơn vị tỉnh, thành hội Phật giáo cùng thời gian với Hà Nội. Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI tại Hà Nội vào tháng 11-2010 với nhiều quốc gia tham dự, đây là bước tiếp theo sau sự thành công của Đại lễ Vesak năm 2008 tại Việt Nam. Ngoài ra, còn tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Kiên Giang, Bồi dưỡng Hoằng pháp khu vực phía Bắc tại tỉnh Thái Bình; Hội thảo Cư sĩ Phật tử tại TP.Cần Thơ và Trại Vạn Hạnh III tại miền Bắc; Hội thảo về Văn hóa, Giáo dục Phật giáo, Nghi lễ Phật giáo ba miền v.v…

- Bước vào một thập kỷ mới của thế kỷ XXI, Việt Nam có nhiều sự đổi mới về kinh tế, văn hóa, xã hội… phù hợp với tiến trình hội nhập. Trong bối cảnh này, hoạt động GHPGVN sẽ có hướng đổi mới như thế nào để thích hợp với trào lưu chung?

canhmai.jpg

- Trước sự phát triển của đất nước và xã hội cũng như thế giới về mọi mặt, GHPGVN cũng tự khẳng định sự phát triển và đổi mới trong mọi hoạt động: Chuẩn bị nhân sự hợp lý cho Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012), phát huy thẩm quyền cho các ban ngành viện Trung ương, các cấp Giáo hội, tăng cường nhân sự hợp lý từ Trung ương đến địa phương, thực hiện hoàn chỉnh hệ thống 3 cấp hành chánh của Giáo hội, tiến tới hình thành mô thức hành chánh cấp thứ IV, thị trấn, phường, xã… Mở rộng quan hệ quốc tế, tiếp tục thành lập các chi hội Phật giáo tại các nước; tổ chức nhiều phái đoàn tham quan, hữu nghị, giao lưu, trao đổi văn hóa, giáo dục và hợp tác nhiều mặt trong công tác Phật sự của Giáo hội và quốc tế. Thành lập trường sư phạm Phật giáo, nâng lớp cao đẳng thành hệ cao đẳng - đại học Phật giáo và quản lý cùng cấp, tạo sự liên thông tín chỉ và xây dựng nội dung đào tạo, giáo dục hợp lý. Nhất là chuẩn bị thu thập ý kiến cho việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội, hình thành Ban Truyền thông và kênh Truyền hình Phật giáo dưới sự hỗ trợ của Tổng Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG v.v… và nối mạng internet với các đơn vị ban ngành, viện Trung ương và tỉnh, thành hội Phật giáo của Giáo hội.

hoinghi.jpg

-  Hội nghị kỳ 3 khóa VI của HĐTS GHPGVN đã nói lên những thành tựu đạt được trong năm 2009. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu này, Giáo hội còn phải quan tâm nhiều đến những khó khăn tồn tại về nhiều mặt, sự mất đoàn kết trong cơ cấu nhân sự, tranh chấp đất đai, những tin đồn thất thiệt, những luận điệu sai trái v.v… Điều này, Ban Thường trực HĐTS sẽ có những giải pháp ổn định như thế nào, thưa Hòa thượng?

- Hội nghị kỳ 3 khóa VI Trung ương Giáo hội đã nói lên những thành quả nổi bật mà Trung ương Giáo hội, ban, viện và các tỉnh, thành hội, Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị, thành phố và các đơn vị tự viện đạt được trong năm 2009, như trong báo cáo tổng kết của Giáo hội đã đề cập. Tuy nhiên, còn một số vấn đề khó khăn cần phải giải quyết, đó là vấn đề thành lập Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An và Lào Cai. Vấn đề mất đoàn kết nội bộ và nhân sự tại một số cấp cơ sở chủ yếu là do năm qua một số vị trưởng và phó ban thường trực viên tịch, nên đã tạo ra sự xáo trộn trong bộ máy nhân sự, do đó vấn đề củng cố lại nhân sự theo tinh thần Hiến chương Giáo hội, Quy chế hoạt động của ban, viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh, thành; Ban Đại diện Phật giáo cấp quận, huyện là việc tất yếu, không có gì trở ngại. Vấn đề tranh chấp đất đai tại một vài tự viện chủ yếu là do trước đây giá chuyển nhượng bất động sản không cao và nằm ở vị trí khuất bên trong và chủ đất hiến cúng nhưng không tách quyền sử dụng đất, bây giờ đất ra mặt tiền, giá đất tăng cao nên xảy ra sự tranh chấp đất đai. Việc tranh chấp này chủ yếu là nhằm thủ thế tư lợi, quyền hạn của mình trong ý đồ vật chất là chính. Giáo hội sẽ giải quyết vấn đề theo luật pháp, nội quy Ban Tăng sự và đạo lý nhân quả là chính. Những dư luận, xuyên tạc về mặt đạo đức, xã hội đối với một số cá nhân, trước đây Giáo hội đã khẳng định: Những người làm sai pháp luật, phi văn hóa cần phải được giáo dục và kiểm điểm. Do đó, Giáo hội sẽ có văn thư đề nghị các cơ quan, các đơn vị Giáo hội có cá nhân liên quan thực hiện. Những vấn đề xuyên tạc, dư luận không tốt đối với Giáo hội, vì chưa có một cơ quan hay đối tượng nào đối thoại trực tiếp với Giáo hội. Tuy nhiên, trong tình hình dư luận như thế, Giáo hội sẽ có nhận định chính xác, thực tế và khách quan, thông qua ý kiến nhất trí của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, gửi đến các cơ quan liên quan và những cơ sở, tập thể xuất phát dư luận bằng cách đưa lên mạng, website, bộ phận truyền thông của Giáo hội cũng như thông qua các đoàn đại diện GHPGVN công tác nước ngoài, để làm sáng tỏ dư luận và chân lý của vấn đề đã bị hiểu lầm, hay có ý xuyên tạc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày