GN - Lúc số báo này vừa đến tay độc giả cũng là lúc tại chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư - Ninh Bình khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 11 - 2014, do GHPGVN đăng cai tổ chức (ảnh) (*).
>> Xem tin khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014
Chủ đề của sự kiện quốc tế này là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. Theo đó, sẽ có 5 diễn đàn hội thảo nhóm bao gồm: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội, Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường, Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh, Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn, Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học. Bên cạnh đó sẽ có các hội thảo, thuyết trình về lịch sử truyền bá Phật giáo do các học giả danh tiếng đảm trách.
Đại lễ diễn ra từ ngày 7 đến ngày 11-5, chính thức khai mạc vào sáng ngày 8-5 và bế mạc bằng chương trình thắp nến cầu nguyện hòa bình cho thế giới vào tối 10-5. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, sẽ có 1.150 đại biểu của hơn 200 phái đoàn đại diện các tổ chức, cộng đồng Phật giáo đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 10.000 Phật tử tham dự các hoạt động văn hóa, cầu nguyện, văn nghệ, triển lãm trong khuôn khổ của Đại lễ.
Như chúng ta đã biết, Đức Phật và giáo pháp từ bi, trí tuệ đã được Liên Hiệp Quốc, UNESCO tôn vinh là lối sống, giải pháp cho các vấn đề khủng hoảng của nhân loại ở thiên niên kỷ thứ 3. Hơn thế nữa, cuộc đời của Đức Phật và những gì Ngài đã giảng dạy đã cho loài người một nhận thức chân thực về đời sống, một cái nhìn sâu sắc về khổ đau và phương thức để chuyển hóa, giải pháp thoát khỏi khổ đau, đạt được sự hạnh phúc, an lạc - mục đích cuối cùng của nhân sinh.
Cũng như thường niên kể từ năm 2000, tháng 5 năm 2014, Liên Hiệp Quốc và UNESCO đã gởi những thông điệp hết sức ý nghĩa đến Ủy ban Tổ chức Quốc tế nhân ngày Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ hai được tổ chức tại nước ta. Các thông điệp, một lần nữa, đã nhấn mạnh tinh thần tỉnh thức, cởi mở, trung thực, tự thân chứng nghiệm, trách nhiệm… vì hạnh phúc, an lạc cho số đông được thể hiện qua cuộc đời của Đức Phật và luôn được Ngài đề cập trong các bài pháp cho nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội.
Trước các vấn nạn của thế giới: suy thoái đạo đức lối sống, sử dụng công nghệ thiếu sự kiểm soát, bạo lực và bạo động, nghèo đói gia tăng, giáo dục khiếm khuyết, v.v… Những mâu thuẫn và hận thù, nỗi sợ hãi vẫn đang là mối đe dọa cho chất lượng sống, cho sự phát triển bền vững chung trên hành tinh của chúng ta.