Kinh Phân biệt cúng dường (KINH SỐ 142 Dakkhinavibhangasuttam - Discourse On The Analysis Of Offerings)

Kinh Phân biệt cúng dường (KINH SỐ 142 Dakkhinavibhangasuttam - Discourse On The Analysis Of Offerings)
I .Giải thích từ ngữ :(Các từ ngữ quen thuộc)
II. Nội dung kinh Phân biệt cúng dường
1. Lúc Thế Tôn  đang trú ở Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), giữa dòng họ Sakka, bà Mahàpajapati Gotamì, Ni trưởng của Giáo hội Ni, có lẽ bấy giờ bà đã đắc Thánh quả Dự lưu nhưng chưa xuất gia vì bà còn có máy dệt và dệt y dâng Thế Tôn (vốn trong Ni chúng không làm công việc này), đến yết kiến Thế Tôn và dâng cúng đôi y vàng vốn tự tay dệt và cắt may. Thế Tôn dạy bà nên cúng dường Tăng chúng.


Bà Gotamì ba lần thỉnh cầu, Thế Tôn  ba lần dạy nên cúng dường Tăng chúng thì Thế Tôn sẽ được cung kính và cả Tăng chúng cũng vậy.
Thấy thế, Tôn giả Ànanda bạch trình Thế Tôn về công ơn dưỡng dục Thế Tôn  của bà và cầu xin Thế Tôn hoan hỷ nạp thọ. Nhân đây, Thế Tôn  (yên lặng từ chối) mới giảng bài kinh Phân Biệt Cúng Dường.

2. Có mười bốn loại cúng dường phân biệt theo hạng người nhận :
1) Như Lai; 2) Bích Chi Phật; 3) A la hán quả; 4) A la hán đạo; 5) A na hàm quả; 6) A na hàm đạo; 7) Tư đà hàm quả; 8) Tư đà hàm đạo; 9) Tu đà hoàn quả; 10) Tu đà hoàn đạo; 11) Các vị đã ly tham các dục. (Sơ định —> Tứ định); 12) Các vị trì giới, trì luật; 13) Các phàm phu theo ác giới; 14) Các loài bàng sanh.
Công đức bố thí cho hàng thứ 14 nếu được trăm phần thì bố thí cúng dường hàng 13 được 1.000 phần, hàng 12 được 100.000 phần,...; cúng dường hàng thứ 10 đã có công đức vô lượng, huống nữa...
3. Thế Tôn dạy tiếp: “cúng dường cá nhân, phước đức không bằng cúng dường tập thể”.
Có bảy loại cúng dường Tăng chúng (phước đức nhiều kể từ hạng 1 đến hạng thứ 7):
1) Tăng chúng và Ni chúng (đủ mặt) dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn.
2) Tăng chúng và Ni chúng sau khi Thế Tôn nhập diệt.
3) Cúng dường chúng Tỷ kheo.
4) Cúng dường chúng Tỷ kheo ni.
5) Cúng dường một nhóm Tăng  (chọn lựa) và Ni (chọn lựa).
6) Cúng dường chỉ một nhóm Tăng (chọn lựa).
7) Cúng dường chỉ một nhóm Ni (chọn lựa).
Tại đây, Thế Tôn đã dự đoán trong tương lai sẽ có các tu sĩ ác giới, những người chỉ có “cà sa và đầu tròn”...

III. BÀN THÊM
1. Về sự kiện Thế Tôn khuyên bà Gotamì nên khởi tâm cúng dường Tăng chúng, bấy giờ Ni chúng chưa được thành lập, để được phước báo nhiều hơn. Đây là điểm vừa đúng pháp cúng dường, vừa rất tế nhị:
- Bà Gotamì là mẹ, nếu chỉ nghĩ đến một mình Thế Tôn thì các Tỷ kheo trẻ và ngoại đạo sẽ khởi tưởng không tốt.
- Nếu nhận sự cúng dường ấy, bà Gotamì sẽ mất dịp cúng dường Tăng chúng để được phước báo lớn hơn, ý nghĩa hơn và kết duyên lành để về sau có thể cầu xin xuất gia.
-  Thế Tôn làm gương để các Tăng trẻ khác khỏi bị ràng buộc tình cảm gia đình về sau (“Cát ái từ sở thân”).
- Nhân dịp bà Gotamì cúng dường, Thế Tôn từ chối để dạy pháp cúng dường hướng về tập thể Tăng già sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhiều cơ hội cho chúng Tăng và cơ hội để phát huy Tăng già, phát huy Chánh pháp.
2. Theo thứ tự phước báo cúng dường, ta có thể tóm tắt trong mấy điểm chính:
- Ai nghĩ và phục vụ đạo pháp (Tăng già hay Tăng và Ni bộ) thì phước báo lớn nhất.
- Cúng dường Thế Tôn, Đấng Toàn giác là có phước báo lớn nhất: ở đây đề cao mục tiêu giải thoát tối hậu.
- Cúng dường các Thánh Vô học và Hữu học là có phước đức bất khả tư nghì: ở đây gián tiếp tán thán Tuệ uẩn là công đức vô lượng (như về sau các kinh Đại thừa ca ngợi bố thí pháp (Tuệ) là tối thượng).
- Cúng dường các vị ly dục là tán thán Định uẩn.
- Cúng dường các vị trì giới là tán thán, đề cao giá trị của Giới uẩn.
- Sau đó mới đến công đức cúng dường, bố thí những người phàm phu. Sau hết là các hữu tình nặng nghiệp khác.
3. Cúng dường thanh tịnh:
- Thanh tịnh của người cho.
- Thanh tịnh của người nhận.
- Không thanh tịnh cả người cho và nhận (cả hai đều ác giới).
- Thanh tịnh cả hai (tịnh giới).
Về các chi tiết về phước báo cúng dường, nên xem các câu chuyện chư Thiên (Vimànavatthu), Tiểu Bộ kinh...

HT.Thích Chơn Thiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.

Thông tin hàng ngày