Theo Phật giáo, mặc dầu có nhiều quan điểm hạnh phúc khác nhau, nhưng tất cả không ngoài hai phạm trù: hạnh phúc từ kinh nghiệm và cảm thọ giác quan trong cuộc sống (sense pleasures), như có được tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tiện nghi, v.v.; và hạnh phúc về tinh thần (mental happiness), như tâm được vui mừng và an lạc.(2) Sự xuất hiện của Đức Phật ở thế gian và nội dung giáo lý Phật giáo không ngoài mục tiêu đem lại an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Nội dung giáo lý này là Tứ diệu đế (Cattāri Ariya-saccāni, The Four Noble Truths) bao gồm: dukkha (khổ), nguyên nhân của dukkha, sự đoạn tận dukkha, và phương pháp đem đến sự đoạn tận dukkha.
Trong các kinh Nikāya, Đức Phật thường khuyên các đệ tử truyền bá nội dung này “Vì lòng thương cuộc đời và vì an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người, các ngươi nên truyền bá giáo pháp khắp mọi nơi”. Vậy hạnh phúc theo quan điểm của Phật giáo là như thế nào, và bằng vào phương pháp nào để đạt được hạnh phúc đó? Quan trọng hơn, Phật giáo cho rằng mọi hiện hữu là vô thường, như thế, hạnh phúc mà con người có được trong bất cứ hình thức nào - vật chất hay tinh thần - đều bị chi phối bởi luật vô thường. Vậy thì hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo là gì? Bài viết này cố gắng trả lời những câu hỏi trên qua ý nghĩa kinh Hạnh phúc người tại gia và kinh Điềm lành.
Có một trường hợp ngoại lệ liên hệ đến hạnh phúc về tinh thần; đó là những chúng sinh đạt được một trong bốn tầng bậc của Tứ thiền (Dhyāna, trance)... |
A. Hạnh phúc tương đối (Hạnh phúc bị chi phối bởi luật vô thường)
Ước mong của bản thân và gia đình được hạnh phúc là điều ước chung của con người trong bất cứ thời đại nào. Ý tưởng này được thể hiện qua lời hỏi của Dighajanu đến với Đức Phật trong kinh Hạnh phúc người tại gia: “Bạch Ngài, chúng con là những người cư sĩ tại gia, có vợ và con cái. Mong Ngài dạy bảo cho con được biết bằng cách nào để đời sống hiện tại và đời sau này con được hạnh phúc”. Khi đó Đức Phật dạy cho Dighajanu bốn điều cần phải làm để tạo cuộc sống hiện tại được hạnh phúc:
1. Phải có một nghề nghiệp giỏi, phải siêng năng và nhiệt thành trong nghề nghiệp của mình.
2. Phải bảo vệ nguồn thu nhập của mình đừng để bị thiên tai làm tổn hại, và trộm cắp lường gạt. Nguồn thu nhập phải hợp pháp.
3. Tránh xa bạn ác. Luôn cẩn thận và học hỏi với những người có đức hạnh và trí tuệ.
4. Chi tiêu phải phù hợp với thu nhập của mình, không tiêu pha lãng phí tiền bạc trong cờ bạc và tửu sắc.
Để tạo cho đời sống tương lai được hạnh phúc, Đức Phật khuyên Dighajanu phải thực hiện bốn điều sau đây:
1. Có niềm tin trọn vẹn về giá trị đạo đức và tâm linh (tức là có đức tin Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng và tin luật nhân quả).
2. Thực hành năm điều đạo đức bằng cách không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng những chất làm não loạn tâm trí như rượu và ma túy.
3. Bố thí và làm những công việc từ thiện.
4. Phát triển trí tuệ để thấy được bản chất vô thường của cuộc đời, và giúp đoạn tận khổ đau (dukkha).
Tương tự như nội dung những điều trên mà Đức Phật đã dạy cho Dighajuna, trong kinh Điềm lành, một vị Thiên tử đã hỏi Phật rằng bằng vào cách nào để các chúng sinh trong cõi người và trời được hạnh phúc. Đức Phật đã trả lời câu hỏi của vị Thiên tử qua những bài kệ sau:
Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Đảnh lễ người đáng lễ.
Là điềm lành tối thượng.
Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tự tâm,
Là điềm lành tối thượng.
Học nhiều nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng.
Hiếu dưỡng với cha mẹ,
Nuôi nấng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.
Bố thí hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.
Chấm dứt từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong Pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng (3)
Trong bốn điều cần phải thực hành để có một đời sống tương lai hạnh phúc, Đức Phật đã dạy cho Dighajanu biết tầm quan trọng của sự thiết lập niềm tin về giá trị đạo đức trong cuộc sống |
Nhìn vào những điều Đức Phật dạy cho Dighajanu và những lời dạy của Ngài trong phần đầu của kinh Điềm lành, ta thấy cả hai cùng diễn đạt một nội dung về những phương pháp thực hành căn bản và thiết thực để xây dựng một đời sống hạnh phúc: có nghề nghiệp giỏi để kinh tế gia đình được ổn định; biết hiếu dưỡng cha mẹ và nuôi nấng vợ con, gia đình sẽ được hạnh phúc; thực hành bố thí thì kết quả có được cuộc sống giàu có; và thân cận với bạn lành giúp phát triển đạo đức và trí tuệ.
Điều quan trọng ở đây là, trong bốn điều cần phải thực hành để có một đời sống tương lai hạnh phúc, Đức Phật đã dạy cho Dighajanu biết tầm quan trọng của sự thiết lập niềm tin về giá trị đạo đức trong cuộc sống (điều 1). Theo Phật dạy, muốn có hạnh phúc trong đời sống, mỗi cá nhân phải xem giá trị đạo đức là hướng đi hay kim chỉ nam cho đời sống của mình; nếu không, cuộc sống sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Ý nghĩa đạo đức mà Đức Phật dạy cho Dighajanu có thể hiểu qua hai cấp độ liên hệ; thứ nhất, đạo đức phổ biến (universal ethics), tức là năm giới hay năm điều cơ bản đạo đức (điều 2 và 3); và thứ hai, siêu đạo đức (super-ethics) là sự thanh lọc tâm tham, sân, si bằng trí tuệ để đoạn tận gốc rễ khổ đau và đạt hạnh phúc thực sự (điều 4). (Phần này sẽ được trình bày trong đoạn tiếp). Để thể hiện niềm tin vào giá trị đạo đức phổ biến, cả nhân loại phải thực hành năm điều đạo đức cơ bản: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
Theo luật nhân quả trong Phật giáo, do tạo nhân lành qua sự thực hành năm giới, cá nhân sẽ có được kết quả tương ứng về một đời sống hạnh phúc: thân thể khỏe mạnh và sống lâu; cuộc sống được giàu có; gia đình được hạnh phúc; có một cuộc sống hài hòa trong tương quan với mọi người; và tâm luôn được minh mẫn. Đến đây, qua lời dạy của Đức Phật như được trình bày ở trên, chúng ta hiểu được thế nào là hạnh phúc và làm thế nào để đạt được nó. Ở đây cũng cần nhắc lại là ở phần đầu bài, hai phạm trù hạnh phúc đã được nêu lên, đó là hạnh phúc từ kinh nghiệm và cảm thọ trong đời sống của mỗi cá nhân (sense pleasures) và hạnh phúc về tinh thần (mental happiness). Ý nghĩa hạnh phúc mà Đức Phật dạy cho Dighajanu, cũng như ý nghĩa hạnh phúc được trình bày trong những phần đầu của kinh Điềm lành gồm hai phạm trù đó; nghĩa là sự vui mừng, và an lạc của cá nhân cùng tương quan sinh khởi với sự giàu có, gia đình hạnh phúc, sống lâu, khỏe mạnh, danh vọng, và tiện nghi, v.v...
Có một trường hợp ngoại lệ liên hệ đến hạnh phúc về tinh thần; đó là những chúng sinh đạt được một trong bốn tầng bậc của Tứ thiền (Dhyāna, trance).(4) Đối với những chúng sinh này, hạnh phúc về tinh thần không còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và cảm thọ của các quan năng, mà thuần là sự sinh khởi từ tâm thức. Theo Phật giáo, hạnh phúc từ kinh nghiệm và cảm thọ thế giới bên ngoài hay hạnh phúc về tinh thần - dù tinh thần ở mức độ cao như ở Tứ thiền - tất cả đều bị chi phối bởi luật vô thường. Do vậy, loại hạnh phúc này được gọi là hạnh phúc tương đối.
Hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo là sự chấm dứt khổ đau (dukkha) |
B. Hạnh phúc thực sự
Hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo là gì? Đó là sự chấm dứt khổ đau (dukkha) được giải thích như là Diệt đế (Nirodhā, P.) trong Tứ diệu đế; hay nói một cách rốt ráo, hạnh phúc thực sự là sự tự tại trong khổ đau, sầu muộn và sợ hãi. Chữ khổ hay dukkha nghĩa là không được xứng ý toại lòng (unsatisfactory). Trong giáo lý Tứ diệu đế, ngoài ý nghĩa chỉ rõ những kinh nghiệm khổ đau thường tình trong đời như sinh, lão, bệnh, tử, v.v..., ý nghĩa thâm sâu của khổ hay dukkha được cho là năm uẩn có tính chấp chặt hay bám víu (pañc' upadanakkhandha, P. The five aggrevates of grasping), thông thường được diễn đạt trong từ Hán-Việt như “Ngũ uẩn thủ là khổ”. Trong trường hợp này, chữ “khổ” mang ý nghĩa không được toại ý được hiểu ở mức độ rộng hơn. Vì sao không được toại ý? Vì bản chất của ngũ uẩn hay bản chất của con người và cuộc đời là vô thường, nhưng ước muốn của con người là thường, do vậy khổ - Vô thường là khổ (yad aniccam tam dukkham, P.). Sự không được toại ý làm con người thất vọng và chịu những hệ quả sầu muộn, lo âu và sợ hãi. Khổ do không được toại ý hiện diện thường trực và chi phối đời sống con người - ngoại trừ những người đã giác ngộ.
Nhìn vào thực tế của đời sống, con người luôn luôn ước mong bản thân và những sở hữu yêu quý của bản thân như tiền bạc, danh vọng, tình yêu, tiện nghi, và những ý thức hệ, v.v... được trường tồn vĩnh cửu; nhưng cuộc đời là vô thường nên ước mong vĩnh cửu của con người không bao giờ hiện thực. Và hậu quả của sự ước mong không được như ý này làm cho người thất vọng, sợ hãi, sầu muộn và lo âu khi nghĩ đến hoặc khi mất đi những gì mình yêu quý đó.
Làm sao để đoạn trừ khổ đau, sợ hãi, lo âu và sầu muộn; hay nói cách khác, làm sao để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống? Phương pháp mà Phật đã dạy cho Dighajanu là sự phát triển trí tuệ qua tu tập để đoạn tận khổ đau (điều 4), và đây chính là nội dung được Đức Phật dạy trong Đạo đế (Magga, P.) trong giáo lý Tứ đế. Mục đích của sự phát triển trí tuệ (Paññā, P.) là giúp cá nhân thấy được bản chất của ngũ uẩn hay bản chất của con người và cuộc đời là vô thường. Để phát triển trí tuệ, cá nhân phải thực hành giới (Sīla, P.) hay những đạo đức căn bản, và thực tập thiền định (meditation). Giới giúp cho phát triển định, và định giúp phát triển tuệ.
Thực tập thiền định trong Phật giáo đòi hỏi hai phần hỗ tương: tập trung tâm không để tán loạn - định (Samādhi, P. Concentration) và hướng tâm theo dõi và ghi nhận rõ ràng trên đối tượng - niệm (Sati, P. Mindfulness) và đối tượng này có thể là một trong bốn loại - thân, cảm thọ, tâm và pháp.(5) Do năng lực tập trung tâm để quan sát và ghi nhận rõ ràng trên đối tượng, hành giả trực nhận được tính bất ổn, biến chuyển hay vô thường của đối tượng. Khả năng trực nhận hay kinh nghiệm trực tiếp này, được gọi là tuệ (Paññā, P. Wisdom)(6).
Do trực nhận được tính vô thường của đối tượng, hành giả giải phóng ý niệm bám víu và mong cho những gì mình yêu thích được vĩnh cửu, và kết quả là khổ đau, thất vọng, sầu muộn và sợ hãi được đoạn trừ hoàn toàn... |
Do trực nhận được tính vô thường của đối tượng, hành giả giải phóng ý niệm bám víu và mong cho những gì mình yêu thích được vĩnh cửu, và kết quả là khổ đau, thất vọng, sầu muộn và sợ hãi được đoạn trừ hoàn toàn. Điều quan trọng phải được nhấn mạnh ở đây là người thực chứng được cuộc đời vô thường, cũng phải sống như bao nhiêu người khác trong cuộc đời. Nghĩa là họ cũng phải làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ và cần phải có các phương tiện để tạo cho cuộc sống được hạnh phúc. Tuy nhiên, họ chỉ xem những thứ đó như là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Người đó có một cuộc sống tự chủ, không bị nô lệ bởi tiền bạc, danh vọng và những tiện nghi vật chất khác. Họ tự tại an nhiên trong vui buồn, vinh nhục và thăng trầm của cuộc sống. Đây chính là ý nghĩa hạnh phúc thực sự được hiểu như là sự tự tại trong khổ đau, sầu muộn và sợ hãi, được Đức Phật dạy ở những bài kệ cuối của kinh Điềm lành:
Khắc khổ và phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế,
Giác ngộ quả: Niết-bàn,
Là điềm lành tối thượng.
Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không sầu, không động,
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng.
Ai sống được như thế,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn
Những điềm lành tối thượng.
Người như vậy trong đạo Phật gọi là “người tỉnh thức” hay “người giác ngộ”. Do trực nhận hay giác ngộ được tính vô thường của con người và cuộc đời, tâm của vị ấy được tịnh hóa, không còn bị lòng tham và bám víu chi phối. Lòng tham và tính bám víu đồng nghĩa với vô minh, vị ngã và độc ác. Ngược lại với vô minh, vị ngã và độc ác, người giác ngộ có trí tuệ rốt ráo và lòng từ bi vô biên. Do lòng từ bi vô biên, người giác ngộ thấy được khổ đau của tất cả mọi chúng sinh như là khổ đau của chính mình, và nguyện cứu giúp tất cả; với trí tuệ rốt ráo, người giác ngộ thi thiết những phương tiện thiện xảo để đem lại hạnh phúc tương đối (như tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc gia đình, tiện nghi vật chất, v.v...) cho chúng sinh và từ đó hướng dẫn chúng sinh thực tập giáo pháp để được hạnh phúc thực sự.
Sống an nhiên tự tại trong đời với tâm không bị tham lam bám víu chi phối, và làm tất cả mọi việc để lợi ích cho chúng sinh với động cơ của lòng từ bi là ý nghĩa “siêu đạo đức” trong Phật giáo. Đức Phật là người giác ngộ. Đại Trí Văn Thù Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát, Phật hoàng Trần Nhân Tông, v.v..., là những người giác ngộ. Những vị này giúp chuyển hóa khổ đau của chúng sinh thành hạnh phúc và thế giới ô trược thành tịnh độ.
C. Kết luận
Qua hai bài kinh trên, ta thấy ngôn ngữ và cách diễn đạt trong kinh Hạnh phúc người tại gia rất cụ thể và thực tế với đời sống; trong khi đó, ngôn ngữ và cách diễn đạt trong kinh Điềm lành có nét văn chương và đậm tính triết lý. Đối tượng để Phật giảng trong kinh đầu là người - Dighajanu - trong khi đó, kinh sau là chư thiên. Ngoài những điểm khác biệt trên hình thức đó ra, hai bài kinh đều có nội dung thống nhất, chuyển tải quan điểm hạnh phúc trong Phật giáo; đó là, trong khi không phủ nhận giá trị hạnh phúc mà con người (và chư thiên) có được trong cuộc đời, Đức Phật dạy cho chúng ta biết rằng đó không phải là hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc thực sự theo Phật dạy là sự trực nhận được hạnh phúc mà con người và chư thiên có được chỉ là tương đối (vô thường). Đây chính là ý nghĩa “Sinh tử tức Niết-bàn”, “Phiền não tức Bồ-đề” mà Phật giáo Đại thừa xem như là triết lý tu tập và phương thức hành đạo của Bồ-tát.
_____________________
(1) Trong bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, đề mục của kinh là “Dighajanu, Người Koliya.”, chương 8, số 54 trong Tăng chi bộ kinh, trang điện tử: phatgiaonguyenthuy.com. Dựa trên nội dung của bài kinh, tôi chuyển đề mục thành đề “Kinh Hạnh phúc người tại gia”. Mục đích là giúp độc giả nghe thuận tai và dễ nhớ.
(2) “Phẩm Lạc,” chương II, phẩm VII, Tăng chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya); Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, trang điện tử: phatgiaonguyenthuy.com
(3) “Kinh Điềm lành” (Mangala Sutta), Tiểu bộ kinh (Khuddhaka Nikāya). Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, trang điện tử: phatgiaonguyenthuy.com
(4) Tứ thiền:
- Sơ thiền: Do tách rời lòng dục và những tâm lý bất thiện, tâm của hành giả được “hỷ” và “lạc” (rapture and happiness); tuy nhiên, tâm vẫn còn “tầm” và “tứ” (reflection and investigation).
- Nhị thiền: Do tâm được trở nên tập trung và tĩnh lặng, hành giả loại trừ được “tầm” và “tứ.” Hỷ và lạc vẫn còn.
- Tam thiền: Do nỗ lực an trú tâm trong tĩnh lặng, nên “hỷ” được đoạn trừ, và chỉ còn “lạc.”
- Tứ thiền: Tâm của hành giả được hoàn toàn tĩnh lặng (equanimity), vắng mặt những ý niệm thiện, ác, hạnh phúc hay khổ đau.
(5) “Kinh Niệm xứ,” số 10, Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya). Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, trang điện tử: phatgiaonguyenthuy.com. Đây là một trong những bài kinh đầy đủ và quan trọng nhất nói về thiền định, đặc biệt nhấn mạnh về sự phát triển Minh sát tuệ (Vipassanā, P. Insight). Trong kinh Đức Phật dạy, Tứ niệm xứ hay bốn lãnh vực gồm thân, thọ, tâm và pháp, mà hành giả cần để tâm chánh niệm là con đường trực tiếp dẫn đến giải thoát hay hạnh phúc thực sự.
(6) Trí tuệ trong Phật giáo bao gồm ba tầng bậc: nghe, nghĩ và thực hành (văn, tư, tu). Để đoạn tận khổ đau, sầu muộn, lo âu, hành giả phải thực hành (tuệ). Tuy nhiên, nghe và tư duy về vô thường hay bản chất tương đối của con người và cuộc đời sẽ giúp đoạn thiểu khổ đau, sầu muộn trong đời sống. Bởi tiến trình nghe pháp hay tụng kinh, ý nghĩa vô thường sẽ thẩm thấu vào tâm thức của mình và sẽ tạo nên một kháng lực mỗi khi chúng ta gặp những sự cố bất như ý trong cuộc sống. Từ đó, những khổ đau, sầu muộn sẽ được giảm thiểu một cách đáng kể. Đây là lý do tại sao các Phật tử phải nên nghe pháp và tụng kinh thường xuyên.