Kỳ 5: “Nước lũ” tràn ra Huế

Thành phố bị giới nghiêm nhưng các tụ điểm đấu tranh vẫn đông người. Không ai còn sợ cái uy của chính quyền Diệm nữa...

>>

Huế những ngày tháng sôi sục - Kỳ 4

>>  Huế những ngày tháng sôi sục - Kỳ 3 

 >> Huế những ngày tháng sôi sục - Kỳ 2 

 >> Huế những ngày tháng sôi sục - Kỳ 1 


Cảnh sát chặn đám đông kéo đến khi các nhà sư bị bắt đi trong “kế hoạch nước lũ” tháng 8-1963 - Ảnh tư liệu
Cảnh sát chặn đám đông kéo đến khi các nhà sư bị bắt đi trong “kế hoạch nước lũ” tháng 8-1963 - Ảnh tư liệu

Đạp đổ bàn thờ, bắt hòa thượng

Đêm 20-8-1963, biện pháp giới nghiêm bỗng dưng thắt chặt hơn bao giờ hết. Điện nước đều bị cắt. Đến khuya nghe chuông trống phía chùa Từ Đàm gióng lên hối hả, nhưng do mất liên lạc chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Hòa thượng Thích Đôn Hậu, phụ trách lãnh đạo công việc đấu tranh tại chùa Diệu Đế, không ngủ được. Hòa thượng ngồi niệm Phật một cách bình thản. Nhờ thế chúng tôi cũng đỡ lo lắng.

Tờ mờ sáng 21-8, các bạn canh gác xung quanh chùa vào báo với hòa thượng: “Cảnh sát dã chiến súng cắm lưỡi lê tuốt trần, hình như họ đang chờ lệnh tấn công chùa”.

Chúng tôi chạy ra xem thấy đúng như thế. Tôi vào mở máy nổ và mở máy phóng thanh cho hòa thượng nói chuyện với lực lượng của Diệm đang bao vây chùa. Hòa thượng nói đại ý: “Chúng tôi là phật tử, đấu tranh cho sự công bằng tôn giáo, bình đẳng xã hội bằng phương pháp bất bạo động. Có lẽ trong các bạn cũng có nhiều người theo đạo Phật biết thế nào là tinh thần từ bi của Đức Phật. Các bạn không nên dùng súng đạn lưỡi lê của bạo lực để đối phó với những người tay không. Khi nào những nguyện vọng của chúng tôi được chính phủ thỏa mãn là chúng tôi giải tán ngay không phải nhọc sức các bạn”. Không rõ lời kêu gọi của hòa thượng có tác dụng gì không đối với đám lính cảnh sát dã chiến, mà suốt buổi sáng 21-8 họ không hành động gì ngoài việc vây chặt khuôn viên chùa Diệu Đế. Chúng tôi tưởng chỉ bị bao vây “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như những lần trước đã xảy ra tại chùa Từ Đàm, nên ăn trưa xong chúng tôi ngả lưng trước bàn thờ Phật nghỉ một chút.

Không ngờ đến khoảng 12g30, có tiếng phá cửa ầm ầm và tiếng giày bốtđờxô nhảy qua thành bôm bốp cùng với tiếng mở quylát súng lắc cắc nghe rất rùng rợn. Tôi chạy ra thì thấy tất cả lực lượng sinh viên học sinh và gia đình phật tử canh gác cửa chùa đều bị bắt. Hàng trăm tên lính người dân tộc thiểu số mặt mày đằng đằng sát khí sắp hàng ngang tiến vào điện Phật. Một tốp chiếm lấy các giàn hỏa chất bằng củi và giữ chặt mấy phuy xăng giữa sân chùa. Hòa thượng Đôn Hậu vẫn ngồi trước điện Phật. Người giữ tôi ngồi bên cạnh để tránh những hành vi vi phạm tinh thần bất bạo động.

Chúng đạp cửa và tiến vào trong điện Phật, giơ cao báng súng xáng lên người hòa thượng. Bản năng tự vệ khiến tôi... chui ngay xuống án thờ Phật. Chúng đá đổ bàn thờ Phật thiết lập từ thời vua Thiệu Trị và lôi tôi ra đánh đạp túi bụi. Hòa thượng Đôn Hậu nói lớn: “Các người cứ giết tôi đi, đừng đánh đập phật tử vô tội của tôi!”.

Những tên lính người dân tộc thiểu số miền Bắc di cư hành động như những cái máy không hồn. Chúng đập phá hết máy nổ, máy in ronéo, phương tiện phát thanh, tịch thu hết truyền đơn, báo chí, khẩu hiệu tranh đấu. Phá phách xong, chúng bắt hòa thượng và hàng mấy trăm tăng ni, sinh viên học sinh gia đình phật tử chở đầy hàng chục xe nhà binh. Đoàn xe chạy dọc đường Bạch Đằng, qua cầu Gia Hội rồi diễu qua đường Trần Hưng Đạo. Đồng bào hé cửa nhìn ra chắp tay cúi lạy hòa thượng Đôn Hậu đang đứng bình tĩnh trên xe nhà binh. Tôi nghĩ một cách thơ ngây: “Không biết chùa Từ Đàm lúc này có biết chúng tôi ở chùa Diệu Đế đang bị bách hại như thế này không?”.

Đến khi đoàn xe rẽ vào hội trường nha công an Trung phần tại đường Trần Cao Vân, thấy hàng ngàn bạn bè tôi ở chùa Từ Đàm bị thương, đầu mình băng bó máu me thấm đỏ, tôi mới vỡ lẽ: chùa Từ Đàm đã bị tấn công trước chùa Diệu Đế. Và lực lượng ở chùa Từ Đàm đã đánh trả một cách quyết liệt nên bị chúng đánh đập rất dữ dội. Nhiều người chiến đấu ở chùa Từ Đàm bị bách hại, áo quần tóc tai bê bết máu, mặt mày sưng húp.

Kết thúc 9 năm máu lửa

Chuyện Diệm tấn công các tụ điểm tranh đấu vào ban đêm, nên ở Tổng hội sinh viên Huế không có ai bị bắt. Suốt cả tuần lễ sau ngày 21-8-1963, chính quyền Diệm rải mật vụ đi lùng bắt những người bị tình nghi đang kẹt ở gia đình như anh em anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Quang Long... Điều lạ nhất là chúng bắt luôn cả mệ Sen (tức công chúa Lương Linh - con gái vua Thành Thái) đang làm việc cho Sở Du lịch Huế. Nghe nói chúng định bắt luôn bà Từ Cung - thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại, vì tội bà đã đến thăm các nhà sư tuyệt thực ở chùa Từ Đàm, nhưng sau thấy bà già quá chúng chỉ quản thúc bà tại nhà (79 Phan Đình Phùng).

Những anh em bị bắt vào sau cho biết theo các đài phát thanh ngoại quốc, chính phủ Diệm thực hiện “kế hoạch nước lũ” tấn công vào chùa chiền có tổ chức tranh đấu trên toàn miền Nam. Chúng tấn công vào chùa Xá Lợi (Sài Gòn), bắt tất cả nhà sư có mặt tại chùa không kể có lãnh đạo tranh đấu hay không. Riêng chùa Từ Đàm ở Huế, chúng bắt sạch và đã cướp nhục thể thượng tọa Tiêu Diêu đem đi chôn một nơi nào không ai biết. Cần nói thêm: tại chùa Diệu Đế, buổi sáng lính cảnh sát dã chiến người Kinh, trong đó có nhiều người gốc Huế, đến bao vây chùa nhưng không chịu hành động. Buổi trưa chính quyền Diệm phải điều lực lượng người dân tộc thiểu số miền Bắc di cư đến thay thế mới thực hiện được cuộc tấn công.

Như thế mọi việc đã rõ ràng. Khi biết tập thể tranh đấu trên “toàn quốc” đều bị bắt cả, tự nhiên chúng tôi thấy không còn sợ hãi lo lắng gì nữa. Từ ngày biểu tình đầu tiên 7-5-1963 cho đến ngày bị bắt 21-8-1963, tính ra vừa đúng 107 ngày.

Thực hiện thành công “kế hoạch nước lũ”, chính quyền Ngô Đình Diệm tái lập được trật tự xã hội như cách đó 107 ngày. Nhưng chính quyền Diệm sau ngày 21-8-1963 đã khác xưa. Cái uy quyền tuyệt đối trước đây không còn nữa. Những huyền thoại mà bọn công bộc của gia đình họ Ngô dựng lên xung quanh Diệm đã bị phanh phui. Một kênh thông tin mới về tình hình đã vô hình được thiết lập. Anh em nhà họ Ngô không còn bưng bít sự thật được nữa.

Với phương pháp đấu tranh bất bạo động, một bộ phận dân chúng quan trọng đã tuyên chiến với chế độ. Dù những người lãnh đạo đấu tranh đã bị bắt hết vô tù nhưng tinh thần của họ hoàn toàn không bị khuất phục. Anh em nhà họ Ngô không thể sử dụng bộ máy “chống cộng” để đối phó với phong trào đấu tranh Phật giáo. Chế độ Diệm mở Trường đại học Huế để đào tạo nhân tài cho chế độ thì chính những người sinh viên của đại học ấy đã trở thành ngòi pháo của trái bom đập nát cái uy tín huyễn hoặc của chế độ Diệm. Chế độ Diệm đẻ ra bộ máy chiến tranh “chống cộng”, đến khi bộ máy ấy được chuyển qua chống Phật giáo, chế độ Diệm bất ngờ: bộ máy ấy phải thanh toán ngay chính chế độ Diệm. Bởi thế đã xảy ra cuộc “cách mạng 1-11-1963”. Anh em Diệm, Nhu bị giết chết tại tại Sài Gòn. Chúng tôi được ra khỏi nhà tù.

Kết thúc chín năm máu lửa của chế độ Diệm (1954-1963).

--------------------------------------

Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị quân đảo chính giết chết ngay tại Sài Gòn. Chuyện gì đã xảy ra tại Huế đối với Ngô Đình Cẩn, trong ngày sinh nhật 2-11 của ông ta?

Kỳ tới: Số phận Ngô Đình Cẩn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày