Lá vàng rơi xuống thành thơ...

GN Xuân - Cuối thu năm qua, huynh đệ chúng tôi được duyên hầu cận Hòa thượng Tôn sư trong một chuyến đi mùa lá vàng Nhật Bản nhớ mãi trong đời...

Vào thập niên 1970, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ và trở về nước tiếp tục con đường hoằng pháp, Thầy chúng tôi đã âm thầm hẹn ước sẽ trở lại viếng thăm trường cũ một ngày nào đó hữu duyên. Và cho đến bây giờ, đã 53 năm trôi qua, ngày hữu duyên (11-11) thầm lặng đó đã trở thành hiện thực…


DSC01950.JPG

Hòa thượng bên bảng hiệu Đại học Rissho, Tokyo


Thời gian trôi thật nhanh. Theo thời gian mọi thứ cũng đều thay đổi. Tuy vậy, ở Thầy, tấm lòng tri ân công đức đối với các bậc ân sư tiền bối vẫn mãi hiện hữu trong tâm thức. Cuộc hành trình bảy ngày nhưng là chuyến đi nước ngoài lâu nhất của Thầy và cũng là một chuyến đi thể hiện tràn đầy tình linh sơn pháp lữ…

Đại học Rissho - Ngôi trường xưa với bao kỷ niệm

Cách đây 53 năm, cũng vào chiều tối ngày 11-11 năm 1965, Thầy đã lên máy bay sang Nhật du học. Người đã tham học ở đây hơn 8 năm với chuyên ngành nghiên cứu về Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là kinh Pháp hoa. Tuy vậy, Thầy cũng đã dành thời gian nỗ lực nghiên cứu các tông phái Phật giáo đặc thù của Nhật Bản thông qua sự trợ giúp từ các pháp lữ hữu duyên.

Từ khi trở về nước, đây là lần đầu tiên, sau hơn nửa thế kỷ, Hòa thượng đã trở lại thăm ngôi trường cũ cùng với bao hoài niệm và ký ức thân thương của năm xưa. Hẳn nơi đây, ngài đã trở lại với hồi ức một thời đèn sách. Chúng tôi cố quan sát từng cảm xúc của Thầy mình trước những biến đổi theo dòng cát bụi thời gian. “Các vị thân giáo sư và pháp lữ của Thầy giờ đây phần lớn đã không còn; các vị lãnh đạo hiện tại cũng thuộc thế hệ rất thứ hậu. Con đường dẫn vào trường ngày xưa rất thiên nhiên, trống trải, bây giờ tràn ngập những cao ốc. Ngay cả cái bể bơi cho sinh viên ngày xưa khi Thầy còn học ở đây bây giờ là những tòa nhà cao tầng hiện đại… Mọi thứ đều thay đổi. Tất cả đều thay đổi. Trông lạ lắm!”, ngài tâm sự.

Khi nhận được tin Hòa thượng Tôn sư sẽ đến thăm ngôi trường cũ, Hội đồng Quản trị đại học và Ban Giám hiệu trường đã liên tục cập nhật tin tức và chuẩn bị tiếp đón. Các vị lãnh đạo trường rất vui mừng và hãnh diện được đón tiếp một cựu nghiên cứu sinh ưu tú năm xưa. Chúng tôi cũng được Ban Thông tin của trường cho biết rằng, nghiên cứu sinh thế hệ của ngài phần lớn là các bậc danh tăng anh tài. Lớp sau ngài có Hòa thượng Thánh Nghiêm, cũng là một học giả Phật học thời danh, vị có ảnh hưởng lớn ở Đài Loan, người khởi dựng Pháp Cổ Sơn danh tiếng.

DSC01396.JPG

Hòa thượng tìm lại thăm những vị ân giáo thọ sư hơn 50 năm trước nay đã khuất núi

Sáng ngày 16 tháng 11, năm 2018, buổi tiếp đón Hòa thượng và phái đoàn đã chính thức diễn ra tại Trường Đại học Rissho danh giá, ngôi trường đã 150 tuổi. Ngài Chủ tịch Hội đồng Quản trị đại học - Hòa thượng Giáo sư Mochidzu Kaneo, các giáo sư trong Ban Giám hiệu và các phân khoa, đã trang trọng tiếp đón Hòa thượng và phái đoàn.

Giáo sư Takahide Takahashi, Phó Viện trưởng chuyên trách giao lưu quốc tế, thay mặt Ban Giám hiệu nói lời chào mừng sự thân lâm của Hòa thượng; sự hiện diện của ngài hôm nay là một món quà vô giá cho trường cũng như cho bao thế hệ nghiên cứu sinh tương lai. Giáo sư cũng bày tỏ mong muốn phát triển chương trình giao lưu với Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.

Đáp lại, Hòa thượng đã nói lời tri ân tưởng niệm đến các vị giáo thọ sư tiền bối mà ngài đã có duyên được thọ học, và ngài cũng rất hoan hỷ, đồng tâm với việc kết giao đại học, mở đường phát triển cho Tăng Ni hai nước. Nhân dịp này, Giáo sư Takahashi cũng vui mừng báo cáo với Hòa thượng về thành quả nổi bật của công trình nghiên cứu mới nhất tất cả các thủ bản cổ về kinh Pháp hoa, sau nhiều năm, nay đã được điện tử hóa hoàn toàn. Và giáo sư cũng đã dâng tặng Hòa thượng một phiên bản đặc biệt.

Sau đó Hội đồng Giáo sư đã đưa Hòa thượng và phái đoàn viếng thăm đại đường Ishibashi Tanza, nơi tưởng niệm ngài cố Viện trưởng, cũng là một vị giáo thọ sư của Hòa thượng. Trước đó hai ngày, ngày 14 tháng 11, Hòa thượng đã đến viếng mộ của ngài Ishabashi Tanzan, nguyên Viện trưởng Đại học Rissho, Thủ tướng thứ 33 của Nhật Bản, đồng thời là một tu sĩ lãnh đạo của Nhật Liên tông. Ngôi mộ nằm khiêm tốn trong khuôn viên chùa Thiện Tánh, tại Arakawa-ku. Nơi đây, Hòa thượng đã đích thân tảo mộ và dâng hương cúng dường.

DSC01844.JPG

Giáo sư Takahide Takahashi, Phó Viện trưởng, đích thân hướng dẫn Hòa thượng thăm trường cũ

[ Lại một lần nữa, giã từ Rissho với bao kỷ niệm thân thương, gợi nhớ một thời. Hòa thượng đã đi những bước đi thật chậm và sâu lắng trên sân trường đại học. Thỉnh thoảng ngài dừng lại như để cảm nhận một điều gì đó. Dù không thể hiểu được thân hành rất an tịnh và ánh mắt rất tư duy của Tôn sư, song dấu chân vô tướng của ngài đã để lại cho hàng hậu học một tia sáng hạnh đức viên dung về lòng hiếu đạo của một bậc thầy.]

Tình linh sơn pháp lữ - nhị vị Hòa thượng Yamamoto Yuki, Yoshimizu Daichi

Hòa thượng Yamamoto Yuki và Hòa thượng Yoshimizu Daichi là hai người bạn chí thân của Hòa thượng từ hơn 50 năm trước. Đặc biệt hai vị Đại sư này đã luôn đồng hành cùng với Phật giáo Việt Nam từ những biến cố lịch sử 1963 cho đến ngày nay. Hai vị vẫn thường xuyên thăm viếng Hòa thượng và tham dự các pháp hội tại Việt Nam.

Hòa thượng Yamamoto Yuki cũng chính là người bảo trợ về pháp lý để Hòa thượng Tôn sư du học tại Nhật. Lần này, đột nhiên nghe tin Hòa thượng sẽ đi tàu điện từ Tokyo về Toyama, viếng thăm A Di Đà tự, một ngôi chùa cổ do Hòa thượng Yamamoto trú trì. Hòa thượng Yamamoto Yuki đã vui mừng khôn tả, một cách chân tình và khiêm hạ bộc bạch rằng: “Dẫu trong mơ cũng không có được cơ hội quý giá này!”. Ngôi chùa tọa lạc ở vùng ngoại ô, song cách thức tiếp đón người bạn cũ của Đại sư thật vô cùng long trọng với một tiệc chay chào mừng.

Trong lúc trà đạo, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Tôn sư, Hòa thượng Yamamoto Yuki  đã phát nguyện cung tiến ngôi A Di Đà tự cho Phật giáo Việt Nam và ngỏ ý thỉnh TT.Thích Thanh Phong làm trú trì. Đây là nguyện vọng chân thành từ trái tim tha thiết của ngài. TT.Thích Thanh Phong cũng giật mình, ngỡ ngàng trước đạo tình thâm hậu giữa các Đại sư. Thượng tọa bộc bạch: “Không biết các cụ ngày xưa đã sống như thế nào mà tấm lòng vĩ đại đến thế, thời nay khó mà tìm được!”.

DSC01336.JPG

Cùng với HT.Yoshimizu Daichi

DSC01694.JPG

HT.Yamamoto Yuki bùi ngùi ôm Hòa thượng trong ngày hội ngộ tại chánh điện chùa A Di Đà, tỉnh Toyama

Nửa thế kỷ… tiếng chuông cầu nguyện hòa bình

Chiều ngày 14-11-2018, Hòa thượng Tôn sư và phái đoàn đã viếng thăm tổ đình của tông Tào Động, chùa Tổng Trì, một danh sát Thiền tông nổi tiếng tại Yokohama. Nơi đây, đích thân Thiền sư Eigawa Shinzan, 92 tuổi, Tông chủ Tào Động tông Nhật Bản, đồng thời là vị lãnh đạo tối cao, thứ 33, của Hiệp hội Phật giáo toàn quốc Nhật Bản, bao gồm các tông phái Phật giáo có lịch sử lâu đời ở đất nước Hoa mặt trời, đã long trọng tiếp đón ngài tại biệt viện phương trượng.

Hai Trưởng lão Hòa thượng đã trao đổi với nhau nhiều Phật sự quan trọng cho thế hệ tương lai. Hòa thượng Tôn sư cũng đã ngỏ lời cảm ơn đến Hòa thượng Tông chủ Tào Động tông đã trao tặng đại phạm chung cầu nguyện hòa bình cho Phật giáo Việt Nam. Đại hồng chung này hiện đang được tôn trí trước Phật điện chùa Vĩnh Nghiêm - TP.HCM.

DSC01508.JPG

Với Thiền sư Eigawa Shinzan, 92 tuổi, Tông chủ Tào Động tông, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Nhật Bản

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Hòa thượng Tông chủ kể rằng, chính ngài đã cùng phái đoàn của Tào Động tông Nhật Bản hơn 50 năm trước đưa quả chuông sang Việt Nam cúng dường và thỉnh những tiếng chuông đầu tiên ngay tại chùa Vĩnh Nghiêm giữa tiếng cầu nguyện của chư Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Thời đó tổ đình Vĩnh Nghiêm có hai Đại sư trụ trì nổi tiếng, cả hai vị đều đã từng du học tại Nhật, đó là cố Hòa thượng Thích Tâm Giác, và cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm. Cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm cũng là cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Rissho, cùng trường với Hòa thượng Tôn sư.

DSC01971.JPG

GS.Viện trưởng cùng Hội đồng Giáo sư, Ban Giám hiệu Đại học Taisho tiếp Hòa thượng và phái đoàn

Ngày cuối ở Tokyo

Bảy ngày trôi qua như một thoáng mây bay. Hòa thượng Tôn sư dầu tuổi đã cao, ngoài tám mươi, nhưng ngài vẫn rất vững chãi trong từng bước đi của mình. Lịch trình làm việc khá bận rộn và phải thường xuyên di chuyển đường xa. Tuy vậy, ngài đã hoàn tất chương trình cho đến ngày cuối.

Chiều 16-11-2018, Hòa thượng và phái đoàn đã đến viếng thăm Đại học Taisho, đây cũng là nơi vị tu sĩ Việt Nam đầu tiên du học trong một thời gian dài hơn 10 năm. Đó là cố Hòa thượng Thích Tâm Giác. Taisho là trường đại học chung của các tông phái lớn của Phật giáo Nhật Bản. Viện trưởng đương nhiệm là Hòa thượng Giáo sư Nobuo Otsuka thuộc Chân Ngôn tông. Ngài Viện trưởng và Hội đồng Giáo sư của trường đã thân mật tiếp đón Hòa thượng và chia sẻ những kinh nghiệm khó khăn và thuận lợi về giáo dục đại học tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong thời hiện đại. Hai bên cũng đã đưa ra những chương trình mở rộng giao lưu hợp tác đại học cho tương lai.

DSC02081.JPG
DSC02094.JPG

Đại sứ Vũ Hồng Nam đến vấn an và lắng nghe chia sẻ của Hòa thượng tại Nhật Tân Cốc, Tokyo

Chiều tối cùng ngày, Hòa thượng Tôn sư đã đến tham dự tiệc chia tay tại Nhật Tân Cốc, do Hòa thượng Yoshimizu Daichi trú trì tổ chức. Sau đó, ngài cũng có buổi nói chuyện với chư Tăng Ni thuộc Tịnh Độ tông Nhật Bản, các Phật tử, và quan khách.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam hay tin đã cùng phái đoàn Đại sứ quán đến Nhật Tân Cốc vấn an, lắng nghe những chia sẻ của Hòa thượng.

Trước đó, Hòa thượng đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Phật giáo tại Kyoto. Hòa thượng Viện trưởng cùng các vị trong Ban Giám hiệu đã đón tiếp và trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác đào tạo, hướng phát triển của đại học, thế cách của Phật giáo trong cống hiến cho nhân sinh trong thời hiện đại… Được biết, đây cũng là nơi TT.Thích Giác Dũng đã từng làm nghiên cứu sinh và tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, và là một cựu nghiên cứu sinh ưu tú của trường ở thập niên 1990.

Hành hương Đại An tự - nơi dựng bia tưởng niệm Đại sư Phật Triết

DSC00994.JPG
Hòa thượng thăm chùa Đại An, nơi ngài Phật Triết từng dừng chân

DSC01001.JPG
Bia tưởng niệm ghi nhớ các bậc Cao Tăng, trong đó có ngài Phật Triết, tại chùa Đại An, cố đô Nara

Bên cạnh chương trình làm việc chính thức, mở đầu chuyến đi, Hòa thượng Tôn sư đã dành thời gian thăm viếng một số danh lam thánh tích tại Kyoto và Nara. Hòa thượng đã đến thăm chùa Đại An, cố đô Nara, đàm đạo cùng Hòa thượng trú trì, và thăm bia tưởng niệm Đại sư Phật Triết. Theo một số sử liệu của Nhật Bản, ngài Phật Triết xuất thân từ Lâm Ấp (miền Trung Việt Nam) là vị tu sĩ Việt Nam đầu tiên đến Nhật. Ngài đã được mời tham dự lễ điểm nhãn tượng Đại Phật nổi tiếng thế giới tại Đông Đại tự vào thế kỷ thứ VIII. Và sau đó ngài đã truyền dạy nhã nhạc Lâm Ấp cho các Tăng nhân Nhật Bản. Môn nhạc lễ này đã trở thành một nghi thức hành lễ chính thức của Phật giáo Nhật Bản ngày nay. Cũng trong dịp này, Hòa thượng và phái đoàn đã viếng thăm một số các tự viện tiêu biểu ở Kyoto, bao gồm Kim Các tự, Thanh Thủy tự…

Một thoáng hồi tưởng

Thật là cảm động khi nhìn thấy Tôn sư tuổi đã ngoài 80, bao năm suy nghĩ, bao lần hứa hẹn, và rốt cuộc ngài đã vượt nghìn dặm xa tìm mộ báo ân. Nơi chốn cô liêu mặc tưởng, hai tay ngài kính cẩn dâng từng nén hương lên từng ngôi mộ của các vị thân giáo sư quá cố mà ngài đã từng thọ học hơn 50 năm trước. Cả lòng thành kính, xin được kết với bài thơ của cố thi sĩ Huyền Không, một pháp lữ đồng liêu - đại học một thời của Tôn sư để phần nào có thể diễn đạt được cảm xúc của những học trò trong chuyến đi này:

“Trầm hương thoáng lại từ đâu
Lòng nghe tất cả những cầu nguyện xưa
Chuông ngân vọng đến bao giờ
Lá vàng rơi xuống thành thơ nhớ người”.

DSC01312.JPG
DSC01278.JPG

Ngài Viện trưởng Đại học Bukyo đón tiếp và trao đổi với Hòa thượng nhiều vấn đề về giáo dục Phật giáo

DSC01294.JPG

Buổi tiếp thân mật của Ban Giám hiệu Đại học Phật giáo, Kyoto

DSC01014.JPG

Hòa thượng Phương trượng chùa Đại An (Nara) trang trọng ra nghinh tiếp Hòa thượng

DSC01517.JPG

Phái đoàn tại biệt viện phương trượng của Thiền sư Eigawa Shinzan, chùa Tổng Trì

DSC01375.JPG
Hòa thượng hồi tưởng bên những mộ phần của các thân giáo sư trong khuôn viên chùa Thiện Tánh

DSC01380.JPG
Thăm và tảo mộ Thầy Hiệu trưởng của hơn nửa thế kỷ trước

DSC01879-X.jpg
Hòa thượng thăm các công trình mới xây dựng tại Đại học Rissho

DSC01928.JPG

Thăm trung tâm phục chế di sản văn hóa của Đại học Rissho

DSC02026.JPG
Hòa thượng tặng một phần của bộ Trí Quảng toàn tập đến Giáo sư Viện trưởng Đại học Taisho

DSC01546.JPG
HT.Yamamota thân lâm ra ga tàu điện Toyama đón tiếp Hòa thượng

DSC01563.JPG
Lối vào A Di Đà tự, ngôi chùa mà HT.Yamamoto Yuki phát tâm hiến cúng cho Phật giáo VN

DSC01700.JPG
Bút tích ghi nhớ ngày Hòa thượng và phái đoàn đến A Di Đà tự, Toyama

DSC01593.JPG
Hòa thượng lễ Phật tại A Di Đà tự, một bên là HT.Yamamoto

DSC01633.JPG
HT.Yamamoto Yuki giới thiệu những ký ức hình ảnh với chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo VN

DSC01663.JPG
Tại thiền thất của A Di Đà tự

DSC00991.jpg
Tại chùa Đại An - Nara

Thích Lệ Đức
Tokyo, cuối năm 2018

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Báo Giác Ngộ số 1281 ra ngày 6-12 có nội dung gì đặc biệt?

Báo Giác Ngộ số 1281 ra ngày 6-12 có nội dung gì đặc biệt?

GNO - "Mỗi lần tái sanh trên cuộc đời, các Bồ-tát học được một số việc. Việc thứ nhất là Bồ-tát nghĩ đến Vô thượng Bồ-đề, làm sao trong cuộc đời, hiểu biết của mình nâng đến độ cao nhất có thể được. Cho nên, đối với tôi là học và tu. Học là trên sách vở, tu là trong cuộc sống...". 

Thông tin hàng ngày