Làm người thật khó

GN - Cái khó đầu tiên, đó là để được làm người, để trở lại cõi người này là cả một quá trình sinh tử luân hồi. Trong ví von của người học Phật, ai cũng khắc cốt ghi tâm rằng, để được làm người, giống như chuyện con rùa mù giữa biển khơi, trăm năm mới nổi lên một lần và may thay, đầu rùa chui tọt vào bộng cây mục trôi ngang qua, đúng thời khắc ấy, hy hữu. Chính vì thế, hãy trân quý mạng sống của mình, đương nhiên không có nghĩa nuông chiều bản thân tới mức thành người ích kỷ, cao ngạo, chìm đắm trong đam mê, dục lạc và chỉ biết có bản thân mình mà thôi.
anh bai LDL.jpg
Sống thực sự nó mang ý nghĩa là bạn phải biết mình đang hiện hữu
và không ngừng tư duy để đóng góp cho cây đời xanh tươi - Ảnh minh họa

Thực ra, nếu hiểu nhân quả, thì bạn sẽ thấy việc nuông chiều bản thân mình, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của nó chính là việc ngỡ như là thương mà ngược lại thành ra hại nó. Hại vì sử dụng thừa mứa chính là bạn tiêu thụ quá phước đức mình đang có, cũng có nghĩa là sẽ bội chi trong “tài khoản phước báo” của bản thân, từ đó, dễ dẫn tới hư thân mà còn hại người khác nữa.

Không khó để tìm thấy hình ảnh những người trẻ chạy theo giá trị này, giá trị kia nhưng chỉ là những vật chất phù phiếm, dùng đồng tiền đầu tư vào những lớp hào quang giả tạm như hàng hiệu, cao cấp, trang bị cho mình đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng lại thiếu vun bồi đạo đức.

Những bạn trẻ ấy có thể bỏ ra rất nhiều tiền để sắm cho mình nhưng lại keo kiết với những người khó khổ, vô tâm với những mảnh đời chìm nổi ở bên ngoài. Nội thái độ thờ ơ với những bất hạnh tồn tại quanh mình là bạn đã dựng lên thành trì cô lập bản thân với mọi người, đoạn tuyệt dần những mối quan hệ thân bằng quyến thuộc, bởi bạn không có sự kết nối với con người chung quanh và mọi loài bằng sợi dây yêu thương, thông cảm, sẻ chia...

Không kết nối được với thế giới bên ngoài bằng những rung cảm chân thành từ đáy tim sẽ dắt dẫn bạn đi vào triền miên bóng tối, thứ bóng tối trong tâm hồn khiến ta nhìn đâu cũng u u ám ám, trái tim đã khô đét, héo gầy! Trạng thái nhìn đâu cũng đáng nghi, đáng ngờ, thấy ai cũng xấu là trạng thái của người “suy bụng ta ra bụng người”. Khi đó, dẫu bạn có đang sống đó thì con tim coi như đã chết mất rồi. Do vậy, có người ngẫm nghĩ về sự vô cảm đã kết luận rằng, chính nó là nguyên nhân giết chết con người, đưa con người rời xa phần người tốt đẹp để sống trong vỏ của phần con sinh lý với những tham vọng và bất chấp của phần quỷ ma, ám muội.

Cách đây không lâu, trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, có tác giả đã viết “Ai sống lâu nhất?” để hỏi về sự trường thọ và trả lời cho việc tồn tại của một con người không phải được đo bằng tháng năm họ sống mà bằng tiếng tăm, những điều tốt đẹp và bền vững, mang tính đóng góp cho cộng đồng, nhân quần xã hội mà họ tạo ra.

Trên suy nghiệm đó, có người (như Vũ Trọng Phụng) sống chưa tới 40 tuổi nhưng công trình mà họ để lại là bất hủ, là ước mơ của tất cả mọi người vì dù có người thọ tới 100 năm thì cũng chỉ biết cúi đầu bái phục. Tới đây, bạn trẻ có thể nghĩ về lý tưởng sống của bản thân để có thể thắp lên trong mình khát khao sống có ý nghĩa chứ không phải sống qua ngày đoạn tháng, hoặc tệ hại hơn là sống để thụ hưởng cho đã đời - dẫu mình chưa bao giờ tạo ra được bất cứ giá trị nào giúp ích cho cuộc sống này, thậm chí còn thải vào môi trường sống những sự ngột ngạt bởi lời than van không biên giới - trên xa lộ thông tin đa chiều, thổi vào dư luận cuộc sống những điều quái gở, những giá trị ảo, chập cheng thiếu định hướng.

Một cái like (quan tâm, thích) của bạn dành cho một hình ảnh không đẹp, có thể là món ăn gây độc hại cho tâm hồn người khác, nhất là những người non nớt, chưa đủ bản lĩnh để chối từ hoặc phân định đường sáng để đi - là bạn đang tiếp tay cho điều bất thiện. Nó giống như cái tát mà bạn dành cho chính mình trong sự kiến tạo một cuộc sống tương lai ngay trong cách sống và ứng xử với cuộc sống ở hiện tại này. Hoặc tinh vi hơn, chính là việc bạn thờ ơ với cái xấu, cái ác xung quanh, khi đó, sự im lặng và sợ hãi, né tránh của bạn chính là một sự đồng lõa, một sự tiếp tay mang tên “nối giáo cho giặc”.

Cách hành xử ấy không hiếm ở chốn thị thành này, bởi chủ nghĩa mac-ke-no (mặc kệ nó) đã trở thành xu hướng nhằm an phận, tránh rắc rối, đỡ phiền phức. Dần dà, thói quen ấy ăn sâu vào trong nếp nghĩ và cách sống khiến ta trở thành người không còn biết quan tâm tới ai, tới điều gì nữa, thì sự sống của ta có khác gì một cái cây hay hòn đá?

Do vậy, học sống và sống thực sự nó mang ý nghĩa là bạn phải biết mình đang hiện hữu và không ngừng tư duy để đóng góp cho cây đời xanh tươi, cho cuộc sống tốt đẹp hơn thay vì chán nản trước khó khăn, thử thách cũng như chùn tay trước bất công để nó lớn dậy, tàn phá con người, biến xã hội thành bất an, bất ổn...
Lưu Đình Long

_____________

* Bạn có những tâm tình và muốn chia sẻ, hãy gửi về cho Giác Ngộ online. Email nhận bài: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Trân trọng chào đón bài vở, tin tức cộng tác của bạn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày