GN - Câu hỏi trên có lẽ là một trong những đề mục quan trọng của ngành hoằng pháp đặt ra trên trang Tuổi trẻ của 2 kỳ báo (Giác Ngộ số 966, 967) và trùng hợp với thời gian diễn ra Hội thảo ngành Hoằng pháp khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Khánh Hòa trong 3 ngày cuối tháng 9 qua (được cập nhật trên giacngo.vn các tin, bài ghi chép đầy đủ của PV).
Tại hội thảo này, thách thức được tô đậm chính là hoằng pháp trong thời công nghệ 4.0, khi mà mỗi người đều sở hữu smartphone (điện thoại thông minh) và có ít nhất một tài khoản mạng xã hội.
Nếu có theo dõi bài đăng tại Giác Ngộ online, bạn đọc sẽ thấy có rất nhiều trăn trở của các tham luận lần này, nhận diện: công nghệ số vừa là phương tiện - cơ hội nhưng cũng là thách thức với các hoằng pháp viên (cả tu sĩ lẫn cư sĩ). Nếu khéo dụng phương tiện để chuyển tải lời Phật dạy thì mang lại giá trị, còn không, cũng dễ dẫn đến những sai sót, sai lầm đáng tiếc khó có thể bù đắp nổi.
Nhiều bạn đọc bày tỏ nỗi băn khoăn khi thấy nhiều nhà sư “chơi” Facebook theo kiểu thế tục: đăng tải các sinh hoạt quá đời thường, đôi khi dùng để chuyển tải các nội dung mang tính cá nhân - không góp phần “xiển dương Phật pháp”. Tất nhiên, chưa có con số thống kê Tăng Ni dùng mạng xã hội và vào mạng xã hội thường làm gì bằng những tìm hiểu khoa học nhưng có thể thấy, chỉ cần một nhà sư lên mạng xã hội mà có lời nói, hành vi, đăng các bài, ảnh thế tục hóa thì dễ lan truyền năng lượng cùng cách nhìn tiêu cực ấy và thậm chí còn trở thành đề tài để các báo khai thác câu like, lượt view - vô tình gây hiểu lầm, dù cá nhân đó không phải là tập thể Tăng đoàn nhưng vẫn bị quy chụp.
“Mà tiếng dữ đồn nhanh, nên thiết nghĩ tu sĩ nếu không tận dụng được công nghệ để hoằng pháp thì cũng không nên sử dụng công nghệ để… phá hỏng nỗ lực của những vị Tăng Ni tâm huyết khác vẫn ngày đêm mang đạo vào đời”, một bạn đọc chia sẻ với Giác Ngộ.
Do vậy, câu hỏi làm sao để Phật giáo đến với giới trẻ nhiều hơn thực ra cũng đã có câu trả lời, và một trong những ý đó chính là sử dụng công nghệ để hoằng pháp, giúp lời Phật dạy, ý kinh, phương pháp thực tập chuyển hóa… đến với nhiều tài khoản. Tất nhiên, để làm được vậy, bạn đọc báo góp ý cần mỗi Phật tử là một hoằng pháp viên chuyên cần, mỗi ngày hay vài ngày hãy chia sẻ nội dung liên quan đến Phật giáo qua những chiêm nghiệm cá nhân hoặc trích dẫn từ nguồn sách uy tín, của các tác giả đã được thẩm định về tư tưởng, có độ tin cậy về cả kiến thức lẫn sự tu học.
“Mong rằng, từ những câu chuyện hay bắt nguồn từ giáo lý đạo Phật sẽ giúp Phật giáo đi vào lòng người trẻ hiện đại hôm nay như một phương pháp thực tập sống an lạc ngay hiện tại - để thế hệ Phật tử tiếp theo sẽ đông đảo thêm, họ học Phật vì hiểu và tin Phật chứ không phải mù quáng chạy theo thần quyền”, bạn đọc Bình Minh chia sẻ.
Để có thêm nhiều góc nhìn trọn vẹn và hay hơn cho câu chuyện hoằng pháp trong thời công nghệ, bạn đọc có thể tiếp tục gửi góc nhìn của mình về: onlinegiacngo@gmai.com.
Năm tin, bài, video được xem nhiều tuần qua: 1 - Nhà sư dấn thân hỗ trợ người bị tổn thương về tâm lý 2 - Khai mạc Hội thảo Hoằng pháp khu vực miền Trung - Tây Nguyên 3 - Phật giáo TP.HCM tổ chức lễ cầu nguyện Chủ tịch nước 4 - |VIDEO| HT.Thích Trí Quảng nói về Chủ tịch nước Trần Đại Quang 5 - Xây dựng mối quan hệ hòa bình & hữu nghị với các tôn giáo trên thế giới |
Tổ CTBĐ