Làm từ thiện để được… điểm cao

GN - Một buổi chiều đón cháu đi học về, tôi đứng chờ trước cổng một ngôi trường cấp II của thành phố. Một người ăn xin bị cụt cả hai chân, đang di chuyển bằng tư thế bò trên một dụng cụ có 2 bánh nhỏ.

Xung quanh ông, có một số học sinh tương đối nhiều vây quanh. Thật sự trong tâm thức tôi lúc ấy, không nghĩ rằng các em xúm xít lại như vậy để cho vài đồng vào cái rổ nhỏ của con người tội nghiệp ấy. Nhưng điều tôi không nghĩ lại là điều các em làm...

imagesCADJ13GN.jpg

Dạy con biết yêu thương -
Ảnh: Minh họa

Còn vài đồng lẻ, tôi để xe vào góc lề đường, bước lại, cũng chen vào đám học sinh vừa tan lớp. Thấy người lớn lại, một số em vội tản ra nhường đường. Khuôn mặt non nớt của các em biểu hiện một sự cho tiền thật sự, có thêm một chút hiếu kỳ chứ không phải là trêu ghẹo như những đám trẻ mà tôi thường gặp khác. Lòng chợt vui. Biết đâu, ở trường này, thầy cô lại dạy cho các em những điều tốt đẹp hơn chăng, làm các em trở thành những con người biết yêu thương thực sự hơn chăng.

Vẫn còn đôi chút tò mò, tôi liền hỏi nhỏ một em học sinh vừa bước ra khỏi đám đông là vì sao cho tiền người ăn xin. Có phải vì ba mẹ, thầy cô dạy bảo như thế không? Câu trả lời của em làm tôi khá bất ngờ.

Em bảo đúng là thầy cô và ba mẹ thường ngày vẫn khuyên là yêu thương người tàn tật, cơ nhỡ. Nhưng người lớn cũng bảo thêm rằng giờ biết ai là thật, ai là giả để mà cho đúng chỗ, đúng người. Nhưng các bạn thì bảo nhau rằng cho tiền những người ăn xin, ngày mai sẽ được điểm cao cho dù không học bài hoặc học bài không thuộc hết. Đa phần em và các bạn cho ít tiền lẻ của mình đều vì lý do ấy. Em học sinh còn giải thích như vậy là Nhân - quả, là ở hiền gặp lành. Tôi suýt chút nữa là ngả người ra chào thua.

Thì ra, vẫn còn nhiều cô cậu học trò suy nghĩ và làm từ thiện theo kiểu ấy. Và những đứa trẻ đang cắp sách tới trường ấy lại hiểu chuyện Nhân - quả theo chiều hướng như vậy. Không cần học thuộc bài, chỉ cần trên đường đi học, để ý có vài người ăn xin, cho vài đồng là đã có thể yên tâm với những giờ học sắp đến. Với cái lý ấy, nếu không được định hướng kịp thời, làm từ thiện đâu không thấy, các em đang tạo ra một lối sống, một lối tư duy không tốt, ít nhất là đối với việc học của chính mình.

Muốn có điểm cao thì phải học bài. Đó là điều chắc chắn trăm phần trăm. Còn làm việc thiện ấy là tùy tâm, không ai bắt buộc và cũng không thể cải đổi được những gì thuộc về ta nếu ta không cố gắng. Nhân quả là điều có thật nhưng không phải chúng ta làm việc phước đức rồi ngồi không mà chờ hưởng quả tốt lành. Hiểu như vậy rất nguy hiểm.

Nhưng cũng không trách các em nhiều, có thể các em bị ảnh hưởng quá nhiều từ gia đình và xã hội hôm nay. Nhân quả cũng được các em “mom mem” hiểu như vậy. Không ít người trong cuộc sống hôm nay khi cho đi bất cứ điều gì đều trông chờ sự đáp lại, thậm chí là ngồi yên mà chờ những phép màu đến sau những công đức mà mình tạo được, dù đó chỉ là một công đức rất nhỏ.

Cứ thế, biết đâu trong một lúc nào đấy, họ vô tình hoặc cố ý truyền lại suy nghĩ ấy cho con, cho cháu mình, cho thế hệ trẻ xung quanh họ, làm cho chúng nghĩ theo chiều hướng ấy.

Giúp những người ăn xin hay làm bất cứ việc thiện nào khác đều đáng quý, đáng được khuyến khích. Và cũng chắc chắn rằng khi ta thật lòng cho đi bằng sự yêu thương, bằng niềm thương cảm thật sự thì sẽ có ngày không sớm thì muộn ta được nhận lại. Các bậc cha mẹ nên dạy con biết yêu thương thật sự và tìm hiểu luật công bằng của Nhân quả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày