Làng nghề làm hương Cao Thôn

GN - Trước đây đọc sách tôi chỉ biết đến ngũ vị danh hương từ thiên nhiên, cây cỏ (gồm: trầm hương, chiên đàn hương, tử đinh hương, đâu lâu ba hương, tất lực ca hương) được sử dụng làm chất thơm để thắp lên bàn thờ gia tiên và cúng thần linh nơi chùa, đình. Nhưng khi đến thăm làng nghề làm hương Cao Thôn, tôi mới biết rằng nguyên liệu để làm hương phải phối trộn hơn 30 vị thuốc Bắc khác nhau.

Nghề nhang Cao Thôn

Ở miền Bắc có nhiều làng nghề chuyên sản xuất nhang nhưng nổi tiếng nhất với sản phẩm này chính là thôn Cao (quen gọi là Cao Thôn) ở xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên chuyên làm hương xạ. Đến làng nghề làm hương, chúng tôi chứng kiến không khí tất bật của làng nghề. Trên các ngõ xóm, khắp các sân vườn của từng nhà đều tràn ngập màu vàng, màu đỏ của nhang phơi. Cánh đồng lúa phía sau làng, giờ đây lúa đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ, nhưng trên đó là bạt ngàn hương phơi dường như màu vàng của nhang trải dài xa tít đến tận chân trời.

IMG_1424.JPG

Sản phẩm hương Cao Thôn được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á - Ảnh: C.M.K

Tại nhà ông Mai Xuân Hùng cho biết, làm hương phải trải qua nhiều công đoạn: phát thuốc, trộn thuốc, ra quả, ra nén, phơi, đóng gói. Công đoạn ra sợi (hương vòng), hương rút gọi là ra nén ngày nay được hoàn toàn làm bằng máy.

Từ 2 năm nay, nhiều hộ trong làng đã đầu tư máy móc để sản xuất hương, không còn làm theo phương thức thủ công nữa. Mỗi máy đầu tư hết 26 triệu đồng, mỗi một công nhân làm một máy sản xuất được 3 vạn nén nhang/ngày. Sản xuất hương vòng đòi hỏi kỳ công hơn, tỉ mỉ hơn vì hương vòng không có tăm hương, khâu ra sợi làm bằng máy thủy lực, nhưng công đoạn cuốn vòng vẫn phải làm thủ công.

Một người thợ lành nghề, mỗi giờ cuốn được khoảng 100 nén. Ở đây phổ biến là loại hương vòng có thời gian cháy 24 giờ. Nhưng nếu khách đặt mua các loại hương nén cháy thời gian dài 15 ngày, 1 tháng, 3 tháng thì họ cũng sản xuất. Hương cháy chậm hay nhanh phụ thuộc vào kỹ nghệ pha chế nguyên liệu. Công đoạn phơi hương mất nhiều thời gian nhất, nếu trời nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày.

Sản phẩm của làng nghề Cao Thôn có những loại: hương nén, hương vòng, hương sào, hương quế, hương đậu tàn… Tùy theo sự khác nhau về mùi thơm, độ thơm, mà giá bán khác nhau. Loại hương nén bình thường được xuất bán cho thương lái với giá 1,8 triệu đồng/ 1 vạn nén.

Đến nhà anh Nguyễn Phú Sơn, gặp ngay giữa sân là đống thuốc Bắc khối lượng 5 tạ gồm hơn 30 loại thảo dược khác nhau. Anh Sơn giới thiệu cho chúng tôi những vị thuốc Bắc được phối trộn với nhau để làm nguyên liệu sản xuất hương: đại hoàng, đinh hương, tế tân, hoàng đàn, tiểu hồi, sâm, xuyên khung, quế, quạ, tùng ta, tùng tàu, nhựa thau, xuyên đại hoàng, xuyên quy, trắc bách diệp, tùng bạch chỉ, mỏ quạ, gỗ trầm… Trước đây đọc sách tôi chỉ biết đến ngũ vị danh hương từ thiên nhiên, cây cỏ để làm hương gồm: trầm hương, chiên đàn hương, tử đinh hương, đâu lâu ba hương, tất lực ca hương. Nhưng đến làng nghề hương Cao Thôn, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng thiên nhiên không chỉ có 5 loại linh hương mà phải cần đến hàng chục loại hương quý thì mới đủ chất thơm làm hương để thắp lên bàn thờ gia tiên và cúng thần linh nơi chùa, đình.

Giữ bí quyết gia truyền

Sản phẩm của mỗi gia đình ở đây được dán nhãn mác riêng, thường là tên của chủ hộ. Hương của anh Sơn dán nhãn mác Bảo Yến - tên cụ thân sinh ra anh Sơn (đã mất từ năm 1997), cũng đã trở nên khá nổi tiếng trên thị trường miền Bắc từ hàng chục năm nay. Mỗi nhà giữ một bí quyết gia truyền riêng về công thức phối chế các loại thảo dược, chính vì vậy sản phẩm của từng nhà cho mùi hương riêng biệt. Theo anh Sơn, từng có người đề nghị anh bán bí quyết của phối chế thảo dược của mình với giá 1 tỷ đồng, nhưng anh từ chối, vì nếu bán thì mất nghề.

IMG_1461.JPG

Rợp sắc chân hương Cao Thôn  - C.M.K

Anh Sơn chia sẻ: “Làng nghề bọn anh làm 100% thuốc Bắc, hoàn toàn không sử dụng một chút hóa chất nào. Không như một số làng nghề khác sử dụng hóa chất để tăng mùi thơm. Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào, hình thức ra sao...”.

Nhà anh Sơn mỗi năm sản xuất được 300 vạn - 400 vạn hương nén và 7 vạn nén hương vòng. Tổng doanh thu xuất hàng mỗi năm hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, trả lương công nhân, gia đình anh đạt lợi nhuận 120 triệu đồng/năm. Mặc dù khách đặt hàng rất nhiều, nhưng anh chỉ dám sản xuất được chừng ấy, không đáp ứng đủ nhu cầu, vì mặt bằng sân phơi của gia đình không cho phép sản xuất được nhiều hơn. Làm hương bắt buộc phải phơi bằng ánh nắng mặt trời, không thể áp dụng công nghệ lò sấy được, vì nếu sấy thì sản phẩm sẽ bay mất hết mùi thuốc Bắc.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng thôn Cao Thôn cho biết, cả thôn có 218 hộ, thì hiện có 120 hộ sản xuất hương quanh năm, những hộ còn lại chỉ tham gia làm hương vào cuối năm để phục vụ thị trường Tết. Nghề làm hương ở Cao Thôn hoạt động suốt quanh năm ngày tháng, nhưng rộ nhất là cuối năm từ tháng 10 trở đi cho đến Tết Nguyên đán. Làng nghề làm hương thường xuyên giải quyết việc làm cho 600 lao động, với thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm hương không kén nhân lực, nên tận thu được tất cả sức lao động nhàn rỗi, ai cũng có thể tham gia sản xuất được, từ những cháu bé học cấp một đến những cụ già nhất. Sản lượng hương xạ của cả làng đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm. 

Nghề truyền nghề, cha truyền con nối, hương xạ Cao Thôn trở nên danh tiếng hết đời này sang đời khác kéo dài mấy thế kỷ nay. Trải qua bao thăng trầm, nén hương xạ Cao Thôn đã có được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Không những hương xạ cho người dân nơi đây công việc làm ăn mà còn làm giàu.

Một số gia đình làm ăn phát đạt đã ra thành phố mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng như Quảng Thái, Vạn Hoa, Hoàng Phát (Hà Nội), Đồng Phát (Hà Đông), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn), Đồng An Mỹ (Hải Dương)... Lớn nhất trong làng là Cơ sở sản xuất hương Thế Hưng của ông Đào Văn Cơ, lúc nào cũng có 40 thợ làm việc. Từ một nghề gia truyền, hơn 30 năm nay ông không ngừng tìm tòi cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của khách hàng, xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Đài Loan, Ấn Độ…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày