(Truyện viết dựa vào giai thoại, dã sử về bức tượng Phật ngồi trên lưng vua ở chùa Hòe Nhai, Hà Nội)
GN - Mấy ngày qua, bọn con trẻ chạy rong khắp kẻ chợ nghêu ngao hát rằng:
“Bất phân thắng bại
Nhất Gianh nhị dải
Vĩnh Trị thái hòa
Biếm tăng biên ải”
Quan quân, dân chúng cứ xôn xao cả lên, không biết điềm gì đây? Quốc gia đã cạn kiệt sức người, sức của, ruộng đồng hoang hóa, tang thương khắp nơi. Bảy lần chúa Trịnh cùng chúa Nguyễn đánh nhau nhưng bất phân thắng bại. Không biết bọn con trẻ được ai mớm cho mà ngày ngày hát bài hát lạ đầy ẩn ý thế này? Quan hộ thành cho người điều tra, gạn hỏi khắp nơi nhưng xem ra chẳng có tung tích gì! Người người bàn tán, chợ búa xôn xao đầy vẻ bất an. Đời Vĩnh Trị (vua Lê Hy Tông - 1-1676 đến 9-1680 - GN) nạn binh đao có vẻ tạm yên. Hai chúa lấy sông Linh Giang (sông Gianh, Quảng Bình ngày nay - GN) làm giới tuyến, giang sơn chia hai dải. Không phải hai chúa đã chán nạn binh đao mà vì cả hai đều kiệt sức nên tạm hưu chiến chờ cơ hội mới.
Bức tượng Phật ngồi trên lưng vua ở chùa Hòe Nhai
Tháng Chạp năm ấy Vĩnh Trị xuống chiếu trục xuất sãi-vãi ở các chùa trong kinh thành, đày lên Cao Bằng. Chiếu có đoạn viết: " ... Bọn sãi-vãi ở các chùa lười biếng, phá giới, làm những chuyện hủ hóa. Bọn chúng trốn xâu lậu thuế, trong chùa chứa chấp bọn trốn quân dịch. Trẫm xét thấy để bọn chúng trong kinh thành không lợi ích gì nên nay xuống chiếu, nội trung tuần tháng Chạp tất cả sãi-vãi phải rời khỏi kinh thành, tất cả phải lên Cao Bằng. Kẻ nào bất tuân sẽ bị chiếu theo quân pháp mà xử...".
Kinh thành dậy sóng, sấm động trời quang. Dân kẻ chợ cùng sãi- vãi trong thành ta thán ai oán nhưng không biết làm sao được. Sĩ phu cũng ngao ngán nhưng không dám cưỡng mệnh vua. Sãi-vãi các chùa lần lượt khăn gói ra đi. Có vị Tăng than rằng:
- Rõ là pháp nạn! Năm xưa đời Hồng Võ bên Tàu cũng từng thế này.
Chúng Tăng đồng thanh:
- Hay là chúng ta làm sớ tâu thỉnh cầu hoàng thượng suy xét lại?
Nhưng tất cả ngao ngán vì ai cũng biết rõ Vĩnh Trị sẽ không nghe mà còn trừng trị nặng hơn. Từng nhóm Tăng đành rời chùa lên nước non Cao Bằng.
Thiền sư Tông Diễn mấy ngày nay không nói lời nào, ngài đăm chiêu nghĩ cách giải pháp nạn này. Ngài bảo với mọi người:
- Tôi phải quay lại Thăng Long và tìm cách gặp hoàng thượng!
Các vị Tăng can gián:
- Không được đâu, ngài sẽ bị hại mất thôi!
- Tôi phải về, dù chết tôi cũng phải gỡ được pháp nạn này! Thiền sư Tông Diễn trả lời.
Sau đó ngài quyên tiền, mua một viên ngọc quý để về kinh tìm cách dâng lên vua. Ngài cải trang về đến kinh nhưng đã mấy ngày vẫn không sao gặp được vua. Ngài dúi cho quan thị vệ một số tiền nhờ hắn dâng quà lên vua và xin tiếp kiến. Hộp ngọc dâng vua ngài viết sẵn một tờ sớ bỏ vào trong.
Sớ có đoạn viết rằng: "... Kể từ đời Lý, đời Trần quốc gia hưng thịnh, đạo pháp xương long, văn hiến phát quang... ấy nhờ một phần Phật pháp, ấy nhờ sự phò hộ của chư Tăng-Ni. Các thiền sư: Cam Mộc, Vạn Hạnh, Huyền Quang, Pháp Loa... gánh vác việc quốc gia! Các vua Nhân Tông, Thánh Tông... há chẳng phải là sư sao? Đến đời các vua tiền triều của bệ hạ, quốc gia loạn lạc binh đao, văn hiến suy đồi, Đạo pháp cũng có phần suy theo. Trong chúng Tăng cũng có những người phá giới, lầm lạc làm ảnh hưởng đến Đạo pháp và Tăng chúng, nhưng đó nào phải lỗi của toàn bộ chúng Tăng, càng không phải lỗi của Đạo pháp. Nay bệ hạ xuống chỉ biếm Tăng thật muôn vàn đau thương, thật di họa cho quốc gia. Thần chỉ là một ông Tăng bình thường nhưng không nỡ ngồi nhìn pháp nạn, không nỡ để bệ hạ bị danh xấu về sau nên nay mạo muội dâng sớ xin bệ hạ anh minh soi xét...
Tông Diễn thiền sư"
Vĩnh Trị tiếp ngọc, đọc sớ trầm ngâm hồi lâu rồi bảo thị vệ:
- Giờ ngọ ngày mai cho kẻ dâng ngọc vào bệ kiến.
Đúng hẹn, Tông Diễn thiền sư vào triều. Ngài đi khoan thai, từ tốn không có chút gì e dè, sợ sệt cả. Ngài thi lễ xong, Vĩnh Trị liền hỏi gằn:
- Ngươi không sợ chết sao?
- Khải bẩm bệ hạ! Nếu chết mà đạo pháp hưng long, danh bệ hạ khỏi bêu xấu về sau thì bần đạo sẵn sàng.
Vĩnh Trị tiếp:
- Trong triều thì có bọn sinh đồ ba quan làm hư hoại triều chính. Chùa chiền thì bọn sãi-vãi trốn xâu thuế, lậu binh làm hư hoại pháp nước, vậy thì oan ức gì mà kêu ca?
Thiền sư Tông Diễn thưa:
- Binh đao loạn lạc, bá tánh ly tán, quốc gia tang thương cũng có những kẻ trốn vào chùa ẩn náu làm ô danh hoại giới, nhưng đó chỉ là thiểu số. Vả lại, lẽ vô thường thịnh quá rồi suy, lẽ nào quy cho Tăng chúng!
Vua và thiền sư đối đáp suốt buổi chiều hôm ấy. Càng đối đáp càng hoan hỷ. Cuối cùng vua xuống thềm đỡ Hòa thượng lên rồi ngài quỳ xuống xin sám hối:
- Trẫm vì hồ đồ không suy xét, cộng với lời sàm tấu, xúi giục của bọn hủ nho mà sân hận mù quáng xuống chiếu biếm Tăng. Lỗi này tại thân trẫm. Trẫm đau lòng sám hối. Giờ trẫm xin thiền sư chỉ giáo trẫm phải làm gì đây?
Hòa thượng Tông Diễn cũng không ngờ tình thế chuyển biến như vậy. Ngài mau chóng đỡ vua lên rồi xin vua rút lại chiếu chỉ biếm Tăng. Vĩnh Trị nhận lời và cho thiền sư về quán dịch nghỉ ngơi, hẹn hôm sau vào có việc.
Hôm sau vua thết tiệc đãi thiền sư và cho vời những người thợ tài hoa của Cục Bách Tác đến, xuống lệnh:
- Trẫm vì phút nông nổi mà phạm lỗi lớn. Nay trẫm đau lòng sám hối trước chư Phật có sự chứng minh của Thiền sư Tông Diễn. Từ bây giờ trẫm sẽ hết lòng hộ Pháp, hộ Tăng. Trẫm ước muốn đem tấm thân tứ đại này làm tòa ngồi của Như Lai. Vậy trẫm hạn định cho các ngươi từ bây giờ cho đến trước Tết Nguyên đán phải tạc xong bức tượng Như Lai ngồi trên lưng trẫm. Các ngươi hãy gấp rút thi hành, nếu chậm trễ sẽ chiếu theo phép nước trừng trị.
Quan trưởng Cục Bách Tác và các thợ đồng quỳ xuống:
- Chúng thần phụng mạng.
Thiền sư Tông Diễn hoan hỷ vô cùng. Ngài ứng tác bài thơ ngay tại triều:
“Nhân sinh vô thập toàn
Toàn nhân thị phản hoàn
Tri quá tức thời chỉ
Thậm hiền thậm vi quý”.
Vĩnh Trị xúc động nói với triều thần:
- Tông Diễn thiền sư là bậc Tăng tài, là sứ giả Như Lai. Nếu không có ngài trẫm sẽ đắm sâu vào việc phá Tăng hại đạo. Nay nhờ ngài ta mới tỉnh ra!
Triều thần nhìn ngài cảm kích lắm. Ngài vẫn ung dung tự tại như không có gì và từ tạ xin lui ra.
Mồng một Tết năm Vĩnh Trị, hai mươi pho tượng Phật ngồi trên lưng vua được rước về chùa Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long. Năm ấy kinh thành mở hội lớn tưng bừng, sãi-vãi cùng bá tánh thứ dân quanh thành nườm nượp trẩy hội về chùa đảnh lễ bức tượng độc nhất vô nhị của Thăng Long thành.
Atlanta, 10 Giêng, 2016
Truyện ngắn Đồng Thiện