Lễ húy nhật Quốc sư Thích Phước Huệ tại chùa Giác Uyển

Lễ húy nhật Quốc sư Thích Phước Huệ tại chùa Giác Uyển
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 21 tháng Giêng hàng năm, tại tổ đình Thập Tháp Di Đà (An Nhơn, Bình Định), chùa Phổ Quang (Bình Định), chùa Giác Uyển (quận Phú Nhuận, TP.HCM)... trang nghiêm đồng cử hành lễ tưởng niệm húy kỵ Quốc sư Thích Phước Huệ (1869-1945).
Hương án tôn trí pháp tướng Quốc sư Phước Huệ và Trưởng lão Hòa thượng Thích Bảo An tại chánh điện chùa Giác Uyển (quận Phú Nhuận)

Hương án tôn trí pháp tướng Quốc sư Phước Huệ và Trưởng lão Hòa thượng Thích Bảo An tại chánh điện chùa Giác Uyển (quận Phú Nhuận)

Theo tiểu sử, Quốc sư húy Nguyễn Tấn Giao, sinh năm Kỷ Tỵ (1869) tại làng Phú Thành, phủ An Nhơn, nay là ấp Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định trong gia đình Phật tử kính tín Tam bảo.

Năm 12 tuổi (1881), ngài xuất gia tại tổ đình Thập Tháp Di Đà, thọ giới với Hòa thượng Chí Tịnh (Minh Lý), được Hòa thượng bổn sư ban pháp hiệu Phước Huệ.

Sau đó, ngài được Hòa thượng bổn sư gởi theo học với Hòa thượng Từ Mẫn. Năm 20 tuổi, ngài vào chùa Từ Quang ở Đá Trắng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên theo học với Hòa thượng Luật Truyền (Pháp Chuyên) và được thọ giới Cụ túc năm 1889, đắc pháp với Hòa thượng Luật Truyền (1892).

Khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, ngài trở về tổ đình Thập Tháp thọ tang, rồi ở lại tham học cùng sư huynh là Tăng Cang Vạn Thành vừa mới được suy cử kế thế trụ trì tổ đình.

Sau mười năm chuyên tâm tu học, phát huy đạo tâm và trí tuệ sẵn có, uyên thâm về kinh luận Tam tạng giáo điển, rõ cả Bách Gia Chư Tử, là bậc xuất gia có khả năng giáo hóa ứng đối vào bậc nhất thời bấy giờ nên người đương thời thường gọi ngài với mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu” (Con ngựa tinh thông Phật pháp phi ngàn dặm).

Pháp tướng Quốc sư, Tăng cang Thích Phước Huệ (1869-1945)

Pháp tướng Quốc sư, Tăng cang Thích Phước Huệ (1869-1945)

Năm 1894, ngài được cử làm trụ trì chùa Phổ Quang ở huyện Tuy Phước, nay ở xã Phước Thuận, tỉnh Bình Định, ngôi cổ tự do thiền sư Minh Giác - Kỳ Phương (đệ tử Tổ Nguyên Thiều) khai sơn từ đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691).

Năm 1901, ngài được triều đình nhà Nguyễn ban giới đao độ điệp, phong Tăng Cang tổ đình Thập Tháp. Bảy năm sau, ngài được mời ra kinh đô Phú Xuân thuyết pháp, đồng thời cũng để khai mở một khóa giảng kinh tại tổ đình Trúc Lâm ở đây. Các vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định đều mời ngài vào cung giảng pháp. Vì vậy, ngài được triều đình, sơn môn đồ chúng tôn xưng Quốc sư.

Năm 1920, ngài mở các lớp nội điển tại tổ đình Thập Tháp và chùa Long Khánh. Khi Hòa thượng Giác Tiên mở Phật học đường tại chùa Trúc Lâm ở kinh đô, đã thỉnh ngài chủ giảng. Các đệ tử của Hòa thượng Giác Tiên là các ngài Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiển và Mật Thể… đều thọ học với ngài, và sau này đều trở thành những sứ giả Như Lai, trụ cột cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Về hàng cư sĩ theo học tại Phật học đường Trúc Lâm, nổi bật nhất có bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám.

Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm húy nhật Quốc sư Phước Huệ và Hòa thượng Thích Bảo An

Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm húy nhật Quốc sư Phước Huệ và Hòa thượng Thích Bảo An

Nhờ có cơ sở hoằng pháp này mà năm 1932, Quốc sư cùng với các bậc tôn túc ở đất kinh đô thành lập Hội An Nam Phật Học và xuất bản tạp chí Viên Âm, cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo. Nhiều Phật học đường được mở ở các chùa Trúc Lâm, Tây Thiên, Kim Sơn, Báo Quốc, Diệu Đức...Cuối năm 1934 một lớp Đại học mở tại chùa Trúc Lâm do Đại lão Hòa thượng Giác Tiên làm giám đốc và một lớp Trung học mở tại chùa Tường Vân do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết điều hành. Quốc sư được cử làm đốc giáo, giảng dạy cả hai lớp này. Lớp Trung học có nhận những học Tăng trong Nam do hội Lưỡng Xuyên Phật Học gửi ra như các ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không, Chí Thiện...

Năm 1937, sau khi Tăng Cang Vạn Thành viên tịch, sơn môn thỉnh Quốc sư về tổ đình Thập Tháp kế vị trụ trì. Từ đó ngài ở hẳn tại Bình Định, không ra kinh đô giảng dạy nữa, phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì phải đảm nhận làm Đốc giáo cho Phật học đường cấp Trung đẳng mở tại chùa Long Khánh, do Hội Phật Học Bình Định thiết lập. Nhiều học Tăng lớp đại học ở kinh đô trong đó có cả các vị do hội Lưỡng Xuyên Phật Học gửi ra, vào Bình Định tiếp tục học với ngài.

Hòa thượng Thích Thanh Hùng cùng chư Tăng kinh cúng dường nhân lễ húy nhật Quốc sư Phước Huệ tại chùa Giác Uyển (TP.HCM)

Hòa thượng Thích Thanh Hùng cùng chư Tăng kinh cúng dường nhân lễ húy nhật Quốc sư Phước Huệ tại chùa Giác Uyển (TP.HCM)

Ngài viên tịch sau thời gian trụ thế 76 năm, 64 giới lạp.

Quốc sư Phước Huệ là bậc long tượng của Phật giáo có ảnh hưởng và công đức rất lớn trong sự nghiệp giáo dục Tăng tài, bậc thầy của nhiều thế hệ, tiếp tục sứ mệnh chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày