GNO - Sáng nay 23-5, tại Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, Q.3, TP.HCM, BTS GHPGVN TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013) và tưởng niệm chư Thánh tử đạo.
Chư tôn giáo phẩm Trung ương Giáo hội và BTS GHPGVN TP.HCM tham dự
Đại diện chính quyền thành phố tham dự
Quang lâm chứng minh và tham dự có sự hiện của chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM: HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Lễ tưởng niệm; HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế T.Ư; HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Như Niệm, HT.Thích Như Tín, HT.Thích Thiện Đức - Phó Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM… cùng chư tôn đức đại diện các ban, viện T.Ư; 9 ban chuyên ngành GHPGVN TP.HCM, 24 quận, huyện và Tăng Ni, Phật tử tham dự.
Về phía lãnh đạo TP.HCM có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Rảnh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Thanh Chín, UV Thường trực HĐND TP; Trần Trung Tính, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP; Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo TP; Đỗ Quang Trung, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy ; Lê Hoàng Vân, Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo TP; bà Đỗ Thị Lệ, Bí thư Quận ủy Q.3; ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch UBND Q.3; bà Võ Thị Mỹ Ngọc, Chủ tịch UBMTTQVN Q.3 cùng đại diện chính quyền phường 6 sở tại.
Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm
HT.Thích Thiện Tánh cung tuyên tiểu sử Bồ-tát Thích Quảng Đức
Tại Lễ kỷ niệm, HT.Thích Thiện Tánh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã cung tuyên tiểu sử Bồ-tát Thích Quảng Đức. Theo đó, Bồ-tát Thích Quảng Đức sinh năm 1897, xuất gia năm 7 tuổi và thọ Tỳ-kheo năm 20 tuổi. Sinh thời, Ngài đi vân du hóa đạo nhiều nơi, kiến tạo và trùng tu tất cả 31 ngôi chùa.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức mời Ngài nhận chức Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật học Ninh Hòa. Ba năm sau, Ngài được thỉnh cử giữ chức Kiểm Tăng cho Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài đã kiến tạo và trùng tu tất cả 14 ngôi chùa.
Lúc mới vào Nam, Ngài đã lưu trú tại chùa Long Vĩnh (quận 3 - Sài Gòn) một thời gian dài, nên dân chúng quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh, Ngài còn có hiệu là Thích Giác Tánh.
Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng-già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt.
Hoa tươi dâng lên tưởng niệm Bồ-tát
Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, Ngài vẫn tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở Đài Phát thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi.
Để thức tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và tập đoàn của ông đang đắm chìm trong vô minh sớm đáp ứng năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Phật tử Việt Nam là chính đáng, Ngài đã quyết định thực hiện tâm nguyện của mình là được thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ Đạo pháp, bởi Ngài nhận ra rằng thân ngũ uẩn này chỉ là giả tạm, chỉ có làm sao cho Chánh pháp được trường tồn mới là hạnh nguyện cao cả để Ngài phục vụ chân lý bất diệt.
Ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão, tức ngày 11-6-1963, cuộc diễu hành rước di ảnh các Thánh tử đạo của trên 800 vị Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi, khi đoàn diễu hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), Ngài ngồi kiết-già trên mặt đường, tự châm lửa giữa hàng mấy trăm Tăng Ni đang vây quanh chắp tay cầu nguyện. Ngọn lửa bốc cao, phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa.
Cái chết phi phàm của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu, gây xúc động sâu xa trong mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo. Sự hy sinh vì đạo của Ngài đã làm cho Ngô Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi cách đối phó với Phật giáo bằng những thủ đoạn thâm độc hơn, và chính điều đó cũng làm cho phong trào đấu tranh của Phật giáo trở nên cuồn cuộn như sóng thần để đi đến kết thúc là ngày 1-11-1963, chế độ độc tài, gia đình trị của họ Ngô sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát qua một pháp nạn.
Trước khi tự thiêu, Ngài có để lại một bức thư gọi là “Lời nguyện tâm quyết”, nói rõ chủ định và nguyện vọng của Ngài. Điều đáng ghi nhớ là toàn văn bức thư này đã không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, mà trái lại còn toát lên tình thương. Ngoài ra, Ngài còn để lại năm bài kệ, dặn dò bổn đạo và đệ tử sống theo Bát Chánh đạo và Lục hòa, đoàn kết và giữ vững niềm tin trong đạo pháp.
Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Ngài đã khai sơn và đại trùng tu được 17 ngôi chùa. Để ghi nhớ công hạnh của Ngài, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Hội đồng Lưỡng viện Tăng thống và Hóa đạo trong một phiên họp trước ngày Phật đản năm 1964, đã đồng thanh quyết nghị cung kính suy tôn Ngài pháp vị BỒ-TÁT.
HT.Thích Trí Quảng đọc lời tưởng niệm Bồ-tát và chư Thánh tử đạo
Trong không khí trang nghiêm, đạo vị với tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật trong ngày Lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, tưởng niệm Thánh tử đạo đã hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc, HT.Thích Trí Quảng thay mặt HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM, Tăng Ni, Phật tử PGVN dâng lời tưởng niệm:
“Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của đạo Phật, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng vì đồng bào, đồng đạo nhất là sự tồn vong của Đạo pháp và tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các tôn giáo. Bồ-tát đã mượn ngọn lửa thiêng để tự thiêu thân bảo tồn Phật pháp vào sáng ngày 20-4 Quý Mão giữa đại lộ Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu-CMT8, Q.3, TP.HCM). Chính ngọn lửa hùng tráng, từ bi cao ngất tòa sen đã nâng hình hài Bồ-tát vào thế giới bất diệt, hình ảnh ấy in đậm trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và nhân loại trên thế giới, cùng trang sử vàng son của PGVN…
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 50 ngày Bồ-tát vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho chúng ta được sống và hưởng thụ những thành công tốt đẹp của PGVN hơn 5 thập niên qua. Với sự hình thành và phát triển liên tục, trang nghiêm, huy hoàng vững mạnh của PGVN mà Giáo hội PGVN ngày nay là đỉnh cao của lịch sử và thời đại, trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo…”.
Thành kính dâng hương tưởng niệm Bồ-tát vị pháp thiêu thân và chư Thánh tử đạo
Lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng, trang nghiêm
Tại buổi lễ, chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM, Tăng Ni, Phật tử và quan khách đã thành kính dâng hương tưởng niệm trước Tượng đài Bồ-tát, nhập Từ bi quán tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư Thánh tử đạo. TT.Thích Lệ Trang cùng chư tôn giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử thực hiện khóa tụng niệm ngắn tưởng niệm Bồ-tát và chư Thánh tử đạo.
HT.Thích Minh Hiền, Trưởng BTS GHPGVN Q.3 đã thay mặt Ban Tổ chức phát biểu cảm tạ, buổi lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và tưởng niệm chư Thánh tử đạo đã hy sinh vì Đạo pháp và dân tộc hoàn mãn trong sự trang nghiêm, thanh tịnh.
Nhiều lẵng hoa của HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.HCM và Quận ủy, UBND, UBMTTQVN Q.3, phường 6 sở tại đã gởi đến dâng lên tưởng niệm Bồ-tát và chư Thánh tử đạo.
Mời độc giả xem thêm chùm ảnh:
Cổng chào trước Tượng đài Bồ-tát
Lễ kỷ niệm diễn ra vào lúc 5g30 sáng nay
Phật tử thành kính tưởng niệm Bồ-tát
HT.Thích Minh Hiền thay mặt Ban Tổ chức phát biểu cảm tạ
Tặng tôn tượng Bồ-tát cho ông Nguyễn Văn Đua
Ông Nguyễn Văn Đua chia sẻ sự trân trọng đối với chư tôn giáo phẩm
HT.Thích Trí Quảng và ông Huỳnh Ngọc Thành