Lệ làm chay ở Tầm Vu: Lễ hội tâm linh vì cộng đồng

Cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu siêu liệt sĩ, oan hồn uổng tử, không xin xỏ phúc lộc riêng tư.

Dù ai bận bịu trăm bề

Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu

Câu ca dao nhắc nhở người dân một truyền thống văn hóa lâu đời của Tầm Vu. Nam Bộ có nhiều Tầm Vu, Tầm Vu trong trường hợp này là tên gọi dân gian của vùng đất gồm nhiều xã ở trung tâm huyện Châu Thành, Long An nằm dọc theo hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây.

Khởi nguồn từ lòng yêu nước

Tầm Vu, quê hương của cố Bí thư Xứ ủy, Giáo sư Trần Văn Giàu là vùng đất địa linh nhân kiệt, là địa bàn của nhiều cuộc khởi nghĩa từ Trương Định, Thủ Khoa Huân, Phan Văn Đạt… Hai anh em ông nội vợ Giáo sư Trần Văn Giàu là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự từng cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở đây. Khởi nghĩa thất bại, Đỗ Tường Phong bị chém ở Tân An và Đỗ Tường Tự bị xử bắn tại chợ Tầm Vu. Quanh vùng vẫn còn lưu lại nhiều địa danh mà tên gọi in đậm dấu vết thời khởi nghĩa như đìa Ma Gia (nơi xử lý bọn Việt gian) ở xã Phước Tân Hưng, ao Đàng Cựu (tên gọi phe khởi nghĩa chống Pháp) ở An Lục Long. Qua các phong trào yêu nước, rất nhiều nghĩa sĩ đã hy sinh, nhiều người dân bị giết oan. Đó chính là cội nguồn, nguyên nhân của lệ làm chay đã hình thành hơn trăm năm nay.

Lệ làm chay ở Tầm Vu: Lễ hội tâm linh vì cộng đồng ảnh 1

Mâm quả do người dân dâng cúng tại lệ làm chay. Ảnh: AT

Về nguyên cớ, tục truyền hơn trăm năm trước chợ Tầm Vu nhiều lần bị cháy, liên tiếp xảy ra dịch bệnh nên người dân lập lệ cúng cầu siêu, cầu an cho bá tánh vào dịp rằm Nguyên tiêu lâu dần thành lệ và nói theo chữ nghĩa thời nay là lễ hội làm chay. Có thể khẳng định về nguồn gốc lễ hội làm chay xuất phát từ lòng yêu nước, yêu thương những nghĩa sĩ và tinh thần đoàn kết cộng đồng của cư dân địa phương. Tinh thần ấy thể hiện đậm nét trong nội dung, nghi thức lễ hội này.

Cầu siêu, cầu an, không cầu phúc lộc

Nhân vật chính trong lễ hội làm chay là ông Tiêu - Tiêu diện Đại sĩ. Theo truyền thuyết Phật giáo thì Tiêu diện có nghĩa là mặt xám, đây là vị Bồ Tát chuyên hàng yêu phục quỷ. Hình tượng ông Tiêu ở Tầm Vu cao khoảng 2 mét, mặc giáp trụ, đầu có sừng và có cả trăm gương mặt trên khắp thân người. Đặc biệt, ông Tiêu có lưỡi bằng giấy hồng đơn dài gần nửa mét. Theo truyền thuyết địa phương, cái lưỡi này tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông Tiêu nên đến lúc xả giàn - nghi thức cuối cùng kết thúc lễ hội, tượng ông Tiêu và các giàn cúng được tung ra bố thí thì thanh niên xúm lại giành nhau đoạt lấy lưỡi ông Tiêu. Nhưng hàng trăm năm nay, chưa ai lấy được lưỡi ông Tiêu vì trước khi xô giàn, ông chủ lễ đã đốt cái lưỡi này.

Lệ làm chay bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng với nghi thức rước ông Tiêu từ chùa Ông ra đình thần Dương Xuân ở trung tâm thị trấn Tầm Vu ngày nay. Sau đó ông Tiêu được đưa lên giàn cúng cao nhất trong khu vực hành lễ thông thường là khoảng đất trước võ ca đình Dương Xuân. Đêm rằm tháng Giêng, hầu hết các chùa, thất Phật giáo, Cao Đài trong vùng lần lượt đến cúng cầu siêu liệt sĩ tại đài Chiến sĩ trận vong ở khu vực trung tâm buổi lễ. Người dân trong vùng muốn dâng cúng có thể đem bày lễ vật tại đây.

Đêm 16 tháng Giêng là chính lễ. Từ chiều, một đoàn xe có các vị sư và lân địa lần lượt đi khắp các trục đường chính trong vùng để rước u (những oan hồn trên bộ) và một ghe đăng (kết đèn hoa rực rỡ) cũng có các sư và lân địa đi khắp các ngọn sông để rước linh (oan hồn chết dưới nước). Thỉnh thoảng, khi có kinh phí dồi dào, nghi thức này được sân khấu hóa bằng hình thức đoàn thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng. Tại các ngã ba, các bãi đất rộng, người ta dựng nên những động yêu và những thanh niên có võ nghệ trong vùng hóa trang thành yêu quái chờ sẵn để đấu võ với học trò của Đường tăng. Tam Tạng cũng chính là các vị sư trong vùng.

Đêm 16 tại khu vực hành lễ, vị cao tăng đạo cao đức trọng nhất trong vùng được mời đến làm chủ lễ thượng đài đọc kinh bắt ấn trừ tà diệt quỷ và cầu an bá tánh. Tiếp đó, vị cao tăng dẫn đầu đoàn các vị sư cúng chạy Kim đàn (vừa đi vừa đọc kinh cúng khắp các bàn thờ trong khu vực lễ). Đúng giữa đêm 16, các đoàn rước u, rước linh về đến nơi hành lễ, vị cao tăng hoàn tất lễ cúng và thực hiện nghi thức xả giàn bố thí.

Của cộng đồng, vì cộng đồng

Lệ làm chay được tổ chức tại đình thần Dương Xuân (nay do chia tách địa giới nên thuộc địa bàn thị trấn Tầm Vu) nhưng không phải là lễ hội riêng của xã Dương Xuân hay thị trấn Tầm Vu. Lễ hội quy tụ công sức, tiền của, sự tham gia phụng cúng của mọi người dân trong vùng. Thậm chí có nhiều người ở nước ngoài cũng gửi tiền về cúng. Các tôn giáo trong vùng không phân biệt địa giới cùng tham gia. Nội dung, nghi thức lễ cúng từ tập thể đến cá nhân trong buổi lễ đều nhằm vào cộng đồng, cầu siêu cho nghĩa sĩ trận vong, oan hồn uổng tử và cầu an bá tánh, không nhằm cầu xin cho lợi ích cá nhân. Chính vì mục đích, ý nghĩa vì cộng đồng sâu sắc đó nên hơn 100 năm qua, ngay trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, hay trong giai đoạn quản lý văn hóa chống mê tín dị đoan ấu trĩ nhất, lệ làm chay vẫn hoạt động bình thường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày