Lễ tưởng niệm 20 năm HT.Thích Định Quang viên tịch

GNO - Sáng nay, 5-10 (7-9 ÂL), tại chùa Huỳnh Kim (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã trang nghiêm diễn ra lễ tưởng niệm 20 năm ngày Trưởng lão HT.Thích Định Quang, nguyên Thành viên HĐCM, nguyên Phó BTS Thành hội Phật giáo TP.HCM, Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Q.Gò Vấp, Trưởng ban Thừa kế môn hạ - Tổ đình Thiên Thai, viện chủ chùa Huỳnh Kim.

4hk.JPG

Di ảnh và long vị cố Trưởng lão HT.Thích Định Quang tại chùa Huỳnh Kim

Hiện diện chứng minh có HT.Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực HĐCM; HT.Thích Tịnh Hạnh, HT.Thích Như Tín - đồng Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, cùng chư tôn đức ban viện T.Ư, Văn phòng II T.Ư, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP.HCM và chư Tăng Ni tông môn đồng tham dự lễ tưởng niệm.

Tại lễ tưởng niệm, TT.Thích Giác Trí, Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM, Phó Thường trực BTS Phật giáo Q.Gò Vấp, trụ trì chùa Huỳnh Kim thay mặt bốn chúng đệ tử đã cung tuyên tiểu sử Ân sư.

8hk.JPG

Chư vị giáo phẩm tham dự lễ tưởng niệm

Theo đó, Trưởng lão Hòa thượng có thế danh Trần Văn Chỉnh, sinh ngày 25 tháng Giêng năm Giáp Tý (1924) tại huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình uyên thâm y lý, Nho học, tín mộ Phật pháp.

Năm 1941, ngài xin phép song thân cho xuất gia tại chùa Phước Long với HT.Hồng Phước, trụ trì chùa Từ Quang, được ban pháp danh Nhựt Kiến, hiệu Không Tâm, nối đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Năm 1948, việc tu học đang tiến triển đều đặn, hầu mong nối chí thầy Tổ thì bổn sư viên tịch, khi xứ sở đang bị thực dân Pháp trở lại xâm lược lục tỉnh Nam kỳ, lòng người căm phẫn, những phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc nổi lên khắp nơi, không bàng quan trước thời cuộc, ngài đã tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.

7hk1.jpg

TT.Thích Giác Trí cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng

Năm 1950, nhân duyên hội đủ, ngài xin cầu pháp với Hòa thượng Chơn Thành, chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang) để được hướng dẫn trên bước đường tu học và hành đạo. Năm 1957, ngài lên Sài Gòn tham dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng-già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, Chợ Lớn. Năm 1959, được bổn đạo cung thỉnh về trụ trì chùa Huỳnh Kim, là ngôi chùa của gia tộc họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Sắc hiến cúng. Từ đây, ngài dừng bước tại trụ xứ này để thực hiện công hạnh một đời hành đạo của mình như ước nguyện. Năm 1960, ngài đến y chỉ cầu pháp với Hòa thượng Minh Đức, trụ trì chùa Thiên Tôn, quận 5, Chợ Lớn, được Hòa thượng ban pháp húy là Tâm Chỉnh, hiệu Định Quang nối pháp đời thứ 43 dòng Tế Thượng Chánh Tông - thuộc môn phái Thiên Thai thiền giáo tông.

Sau pháp nạn 1963, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ngài được Giáo hội cử đảm nhiệm nhiều Phật sự qua các chức vụ: Phó Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh - Kiến thiết, Đặc ủy Tăng sự tỉnh Gia Định, Chánh đại diện tỉnh Gia Định nhiệm kỳ I.

5hk.JPG

Chư tôn giáo phẩm tại buổi lễ

Để đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, ngài đã thành lập Phật học viện Huệ Quang tại chùa Huỳnh Kim, giảng dạy chương trình Sơ đẳng đến Trung đẳng Phật học chuyên khoa. Từ năm 1964 đến 1975, trường đào tạo được 3 khóa. Năm 1969, ngài tiến hành xây dựng trường Bồ Đề Huệ Quang bên cạnh Phật học viện, giành cho các lớp Tiểu và Trung học đệ nhị cấp, đệ nhất cấp.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM thành lập, ngài được phân công là Trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Q.11. Năm 1979, sau khi Hòa thượng Bửu Chơn phụ trách Q.Gò Vấp viên tịch, ngài được phân công trở lại quận nhà để đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Q.Gò Vấp cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.

9hk.JPG

HT.Thích Như Niệm đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội

Năm 1982, tại Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ nhất, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Tài chánh thuộc Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố suốt 3 nhiệm kỳ, đồng thời được Tăng Ni, Phật tử Q.Gò Vấp cung thỉnh làm chứng minh cho Phật giáo quận và tiếp theo là Chánh Đại diện Phật giáo quận nhà. Trong nhiệm kỳ 4 của Thành hội Phật giáo, ngài đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát và Trưởng Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Năm 1990, ngài cùng HT.Thích Thiện Hào, Chứng minh Ban Thừa kế Tổ đình Thiên Thai, khởi công trùng tu chùa Thiên Bửu Tháp tại núi Thiên Thai – Bà Rịa và Tổ đình Thiên Tôn cùng Tháp Tổ tại Bình Khê – Bình Định, hai di tích cuối cùng của Tổ sư Huệ Đăng. Ngoài ra, ngài còn vận động Phật tử góp công, góp của xây dựng lại chùa Linh Sơn Hải Hội tại phường 12, Q.Gò Vấp do Hòa thượng Bửu Đăng khai sơn, là một Liệt sĩ có bia tháp tôn thờ tại đây.

13hk.JPG

Chư tôn giáo phẩm cử hương cúng dường

Năm 1993, ngài đã tổ chức trùng tu chánh điện chùa Huỳnh Kim. Nhờ công đức của ngài và sự tùy hỷ hiến cúng của Phật tử, ngôi chánh điện chẳng bao lâu đã được hoàn thành và trang nghiêm như ngày nay. Cuối năm 1993, ngài mở lớp học tình thương tại cơ sở để giúp đỡ các cháu thiếu nhi nghèo, mồ côi không có điều kiện đến trường được thoát nạn mù chữ. Năm 1994, ngài được các nhà hảo tâm tài trợ học bổng hàng tháng, đủ cung cấp cho khoảng 150 học sinh nghèo khó. Đồng thời ngoài các lớp học chương trình chính khóa, Ngài còn mở thêm hai lớp sinh ngữ Anh, Pháp văn và phụ cấp toàn bộ lương tháng cho giáo viên, nhân viên liên quan đến lớp học.

Năm 1994, ngài được chính quyền địa phương cho phép thành lập Hội Tương tế Kim Quang, với số hội viên gần 5.000 người, không phân biệt thành phần tôn giáo, nhằm tương trợ lúc về già, bằng cách tự nguyện đóng góp khi có người từ trần. Năm 1997, tại Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ V, ngài được suy cử làm Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, kiêm Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Q.Gò Vấp.

10hk.JPG

Chư Tăng tham dự

Cuối tháng 11 năm 1997, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Hòa thượng được Đại hội suy tôn làm Thành viên HĐCM và Chứng minh Ban Hoằng pháp Trung ương. Sau khi Đại lão HT.Thích Thiện Hào viên tịch, ngài được chư tôn đức môn hạ Tổ đình Thiên Thai suy cử làm Trưởng ban Thừa kế để duy trì và phát triển chốn Tổ. Ngoài công việc phụng sự đạo pháp, ngài còn tham gia các công tác đoàn thể xã hội và từ thiện, do công đức và sự nghiệp phục vụ cho đạo pháp - dân tộc, được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bằng khen của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và địa phương...

Hòa thượng thuận thế vô thường, xả báo thân thu thần thị tịch vào lúc 16g30’ ngày mùng 7-9-Kỷ Mão (nhằm ngày 15-10-1999) tại trú xứ chùa Huỳnh Kim, trụ thế 76 năm, Hạ lạp 51 mùa An cư kiết Hạ.

12hk.JPG

Chư Ni cung kính tưởng niệm

Cũng tại buổi lễ, HT.Thích Như Niệm đã đọc lời tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Định Quang. Lời tưởng niệm đã điểm lại công hạnh nổi bật của cố Hòa thượng đã đóng góp cho đất nước và đạo pháp, làm tròn bổn phận công dân và vị sứ giả của Đức Như Lai, để lại những đạo tình tốt đẹp đối với pháp lữ, Tăng Ni nhiều thế hệ.

“Qua hơn 50 năm đóng vai trò long tượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, trưởng lão Hòa thượng đã mở Trường Phật học đào tạo tăng tài, thành lập trường Bồ đề để mở mang dân trí, đăng đàn thuyết pháp, thí giới khai tâm, phát huy huệ mạng, từng đàn Giới tử, Phật tử xa gần, chan hòa giới đức, giới thể châu viên, tín tâm kiên cố, đạo nghiệp tinh chuyên và đã trở thành những pháp khí đại thừa, hoằng truyền đạo cả, tốt đạo đẹp đời. Để từ đó, hoa đời hoa đạo đua nhau nở mãi ngàn sau vẫn ngát hương”, lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội do HT.Thích Như Niệm đọc tại lễ tưởng niệm đã tán thán.

Chư tôn đức giáo phẩm, Tăng Ni và Phật tử đã đồng tâm hướng về di ảnh, long vị cố Trưởng lão Hòa thượng dâng hương tưởng niệm, sau đó tham dự lễ trai Tăng cúng dường của bốn chúng đệ tử trong dịp tưởng niệm 20 năm ngày Trưởng lão HT.Thích Định Quang viên tịch.

Được biết, chiều hôm qua, 4-10, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã quang lâm chùa Huỳnh Kim dâng hương tưởng niệm Trưởng lão HT.Thích Định Quang.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày