Lễ Vu Lan 2009: Hương thơm, tâm sáng

Thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ đến những người thân đã mất và cầu nguyện cho các vong linh phiêu bạt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).
Thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ đến những người thân đã mất và cầu nguyện cho các vong linh phiêu bạt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).
Tuy phong tục mỗi nơi, mỗi thời có khác nhau nhưng ngày Rằm tháng Bảy từ lâu đã trở thành một phong tục đẹp, mang ý nghĩ nhân văn. Giáo sư Hoàng Như Mai từng nhận xét: "Ngày lễ Vu Lan, ngày Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân có thể được coi là ngày tình thương Việt Nam, vì con người, vì cuộc sống hiền hòa an lạc, tiến bộ cho nhân loại".

Tâm tha thứ, lòng hướng thiện

Ngày Rằm hướng thiện. Người chưa chu toàn thì trở nên hiếu thảo, người đầy đọa được tự do, người đói khổ được ấm no, người có tội được tha thứ, người oan ức được giải oan. Chiều sâu ý nghĩa là tâm tha thứ, lòng hướng thiện, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, dù đói hay no, khi chiến tranh hay hòa bình đều ý thức được việc ứng xử nhân nghĩa, độ lượng, vị tha.

Chẳng phải đợi chính Rằm, khắp chợ lớn nhỏ ở Hà Nội đâu đâu cũng có sạp hàng bán đồ sắp lễ xá tội vong nhân. Rong ruổi trên phố là những gánh hàng quà vặt như bỏng ngô, chè lam, kẹo bột, bánh mì... Năm nay, càng sát ngày Rằm tháng Bảy, hàng hương hoa quả phẩm càng đông khách. Chủ cửa hàng số 28 phố Hàng Mã cho biết, người mua nhiều cũng có, ít cũng có, nhiều thì tới vài triệu đồng, ít thì vài nghìn. Cửa hàng phục vụ tín ngưỡng và văn hóa, số 73 phố Quán Sứ tấp nập hơn thường ngày. Người mua chiếc áo nâu vào chùa làm lễ, người mua thực phẩm chay về ăn rằm, người lại chọn sách khấn nôm... Đông đúc là vậy, mấy ai mặc cả nhưng dường như kẻ bán, người mua chung lòng hướng thiện nên giá cả không đắt hơn ngày thường.

Lòng hướng thiện còn được thể hiện trong mỗi nếp nhà. Ở những vùng quê ngoại thành Hà Nội, các bà, các mẹ tất bật sắp mâm ngũ quả, nấu bát cháo trắng, đồ xôi đóng oản cúng rằm. Ở nội thành, nhiều gia đình chỉ cúng gia tiên, còn việc cúng chúng sinh được các cụ già mang lên chùa, đồ lễ toàn đồ chay. Chùa Quán Sứ làm lễ cầu siêu từ ngày 11-7 âm lịch. Mỗi ngày có 6 khóa lễ, tăng, ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái, dân an. Tối 13, nhà chùa đã làm lễ thỉnh Phật về bố thí cho chúng sinh. Chiều 14, chùa tổ chức Chư Tăng lễ tự tứ. Ngày 14, chùa Trấn Quốc tổ chức khóa lễ cầu an "Đại hội dược sư" với dự tham dự của hàng trăm tăng, ni, phật tử, hôm nay, nhà chùa giảng kinh "Vô lượng thọ" và  làm lễ "A Di Đà cầu siêu tiến". Chùa Phúc Khánh lập đàn cầu siêu từ ngày 12 âm lịch...

3_9VULAN.jpg

Phố Hàng Mã (Hà Nội) nơi thu hút đông người đến mua sắm cho ngày Rằm tháng Bảy.
Ảnh: Đăng Khoa

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tản văn "Bông hồng cài áo" đã nhắc nhở: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa". Đạo lý tốt đẹp ấy xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ. Và hôm nay, đúng Rằm tháng Bảy, hàng triệu người con dù còn hay đã mất mẹ đều tỏ lòng hiếu kính.

Lễ Vu Lan có trong lòng mỗi người Hà Nội. Hôm nay, đại lễ Vu Lan mới diễn ra ở các chùa như Phúc Khánh (Đống Đa), chùa Tăng Phúc (Long Biên), chùa Vạn Phúc (Sóc Sơn)... nhưng từ tháng 6 âm lịch, các bàn thờ vong phía sau hậu liêu đã đầy ắp hương hoa, vang tiếng tụng kinh. Bà Nguyễn Thị Hồng, phố Nguyễn Ngọc Hải (Thanh Xuân) thắp nén hương cho mẹ ở chùa Tăng Phúc, xúc động nói: "Lúc mẹ tôi còn sống thì chúng tôi nghèo quá, chả báo đáp được gì, giờ nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp thì mẹ tôi không còn nữa. Thành tâm chúng tôi nguyện cầu cho mẹ ở thế giới bên kia được siêu thoát".

Còn em Lê Văn Tuấn, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đã tranh thủ đi làm thêm ngày nghỉ Quốc khánh để hôm nay có tiền mua tặng mẹ một món quà nhân ngày lễ ý nghĩa này. Em nói: "Dường như con cái đều nghĩ rằng cha mẹ phải quan tâm, chăm sóc các con, nước mắt chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược. Vì thế, đôi khi chúng em vui, hạnh phúc, đau khổ, khóc lóc vì yêu đương, vì những mối lo của bản thân mà quên mất rằng mình còn có bố mẹ bên cạnh cũng rất cần mình quan tâm lo lắng bằng những việc nhỏ thường ngày. Em hiểu được điều giản dị đó sau những lần lớp em tổ chức đi thăm làng trẻ mồ côi và trại dưỡng lão".

Bằng tất cả ý nghĩa thiêng liêng của ngày Rằm tháng Bảy, người người, nhà nhà thắp nén hương thơm, giữ tâm trong sáng để tưởng nhớ những người thân đã khuất và cả những người thân đang hiện diện bên ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày