Lên đỉnh Yên Tử thăm “cụ Tùng”

 LTS: “Nghĩ thật bất công, “cụ rùa” ở giữa Hồ Gươm được cả nước lo lắng giữ gìn bảo vệ. Hàng trăm “cụ Tùng” Yên Tử có tuổi ngót ngét 700 năm gắn liền với những lịch sử vô cùng rực rỡ oai hùng của dân tộc ta thì chẳng được chăm lo cho chu đáo”. Đó là suy nghĩ của TS.Vũ Thế Long trong chuyến khảo sát môi trường Yên Tử vừa qua.

1. Tôi vừa được anh em trên Yên Tử mời lên khảo sát môi trường và tham gia quy hoạch tái dựng vườn cây thuốc trên khu Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh).

Khác với quang cảnh hơn chục năm trước đây, khi nhóm chúng tôi lên điều tra môi trường Yên Tử, nơi đây giờ đã đổi thay rất nhiều. Hai tuyến cáp treo hiện đại đã giúp cho bao Cụ già, thương binh và biết bao người tàn tật, kẻ chân yếu tay mềm có thể lên tận đỉnh  cao muôn trượng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của non song đất nước, để tưởng vọng Đức Vua Trần Nhân Tông, người có tầm cao vời vợi trong công cuộc gìn giữ biên cương và xây dựng đất nước hùng cường thịnh vương, thái bình.

Rễ hàng Tùng Yên Tử
 

Cùng anh em trong Ban Giám đốc khu Yên Tử, chúng tôi không đi cáp treo mà chống gậy leo bộ lên đỉnh núi. Tôi muốn xem lại những gì mà 10 năm trước chúng tôi đã kiến nghị trong việc bảo tồn nay đã ra sao.
    
Ngày ấy, hầu hết đường lên đỉnh chỉ là những bậc đá xếp hay đường đất, thậm chí có chỗ phải leo vách dựng đứng mà lên, không có những con đường đá xây vững chắc như khúc đường Hà Nội do bà con Hà Nội cung tiến để xây những bậc dốc lên cao chót vót, càng không có những đường cáp treo ẩn hiện giữa rừng cây xanh tươi.

Ngọc Anh, một Phó giám đốc trẻ trong BQL cho tôi biết: “Khi xây dựng cáp treo này có nhiều ý kiến phản đối lắm, nhưng chúng em đã tính toán và bàn bạc kĩ, cố gắng làm sao cho hệ cáp này hòa nhập với thiên nhiên, môi trường, cố gắng không xâm lại đến những cổ thụ trên núi. Khi thiết kế con đường này, chúng em đã tạo những lối đi vòng để giảm lượng du khách đi quá nhiều dưới những hàng tùng 700 năm tuổi đang trơ rễ trên mặt đất”…

Quả thật môi trường thiên nhiên ở đây đã được chăm sóc chu đáo hơn. Tôi đặc biệt quan tâm đến những hàng tùng cổ thụ được trồng trên dưới 700 năm nay. Hàng cây mà hơn chục năm trước chúng tôi đã cảnh báo có cây đang bị mối mọt và trơ rễ do thiếu bàn tay chăm sóc của người quản rừng quản di tích. Lần này trở lại, được thấy hàng tùng xưa vẫn còn. Đây đó đã có cây dổ gục, rễ tùng vẫn trơ trên nền đất mà xót ruột. Trên đường rẽ ra suối vàng, nhiều cây đã được ban Quản lý dùng cột bê tông để chống đỡ.

Ngọc Anh nói với tôi “Ban quản lí đã mời nhiều chuyên gia đến nghiên cứu để tìm cách nhân giống tùng đỏ (Dacrydium elatum (Roxb) Wall), một loài cây cực kì hiếm quý ở Yên Tử  để trồng thay thế các cây đã đổ gẫy, nhưng chưa thành công.

Tôi đã kiểm tra lại từng gốc tùng mà hơn chục năm trước chúng tôi đã ghi chép, khảo sát khá tỷ mỷ. Thật đáng buồn. Có cây đã đổ ngã, nhiều cây đang bị nấm và kí sinh xâm hại. Có cây bị gió quật gẫy cành và cành gẫy vẫn trơ ra trước mưa gió khiến cho nước mưa theo đó ngấm vào kéo theo nấm phá hoại.

Tôi hỏi  “Thông thường, khi cành già, mục gẫy, người chăm cây phải cưa cắt sát nách cây rồi bôi hắc ín hoặc một số hóa chất để phòng ngừa cây bị mục ruỗng toàn thân. Sao ở đây không ai làm cả?” Ngọc Anh buồn rầu trả lời “Chúng em muốn làm lắm nhưng theo quy định: cây cối trong rừng do Kiểm lâm quản lý, tuyệt đối không ai được cưa chặt!” Ôi! Biết làm sao được? Chẳng lẽ Kiểm lâm chỉ là người kiểm kê và kiểm sóat không cho ai chặt cây cối trong rừng thôi ư ? Ngoài Kiểm lâm ra còn ai có trách nhiệm, vì ở đây còn là di tích, là văn hóa. Chẳng lẽ “Cha chung không ai khóc” sao?

Lên đỉnh Yên Tử thăm “cụ Tùng” ảnh 2

Cây Tùng cổ thụ


2. Nhớ lại năm xưa khi tôi được vào làm nghiên cứu cả tháng trời trong khu di tích nhà sàn và Phủ Chủ Tịch ở Ba Đình, tôi có dịp tận mắt thấy và nghe nhiều chuyện kể về Bác Hồ chăm cây như thế nào. Khi biết mấy cây dừa trước cửa nhà sàn do Tổng thống Indonesia đem tặng bị sâu mọt, Bác đã trực tiếp nêu ý kiến dùng xi măng trát vào những hốc mọt trên thân cây và chăm sóc chu đáo. Nửa thế kỉ đã trôi qua, mấy cây dừa vẫn tốt tươi và ngày càng vươn cao. Cái rễ phụ cây đa trong vườn mọc rủ xuống mặt đường nhựa, Bác cũng khuyên nên lấy bông thấm ướt và dắt rễ vắt qua đường để chúng tiếp đất. Bác muốn sau này khu Chủ tịch phủ sẽ là chỗ dành cho trẻ em vui chơi. Rễ đa vắt qua đường nay đã thành gốc lớn. Khách đến thăm ai cũng dừng lại nghe kể câu chuyện xưa ấy…

Bác Hồ chẳng phải là giáo sư, tiến sỹ canh nông. Bác học hỏi ở nông dân và những nhà khoa học mà thực hành cho đời. Nay được biết có trường hợp một cây cổ sắp chết, người ta cũng lập đủ ban bệ, lập dự án nọ kia để tìm giải pháp cứu chữa, tiêu tốn tiền bạc mà vẫn không thành công.

3. Nhìn những hàng tùng già nua đang vươn lên trên trời xanh trên đỉnh núi như một nhân chứng sống về một thời đại vẻ vang của các vua Trần. Một hệ cáp treo hiên đại bạc tỷ có cũ đi phải làm lại thì chuyện đó chẳng khó gì. Nhưng làm thế nào để cứu được một cây tùng ngót nghét 700 năm. Nhiều cây tùng cổ có thể tồn tại hàng nghìn năm nếu như ta biết chăm sóc cho chu đáo.

Đừng để sự vô ý của con người làm mất đi những cây tùng vô giá gắn liền với lịch sử vùng Yên Tử.

Càng nghĩ càng thấm lời Bác dạy “Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Nhưng hình như chẳng ai phòng bệnh và chữa bệnh cho hàng tùng cổ này. Chẳng lẽ để đến khi cây sắp chết rồi mới lập dự án nọ dự án kia để cứu tùng?

Hà Nội 31-12-2009

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày