GNO - Lo lắng không hẳn là một trạng thái tinh thần hoàn toàn xấu. Trạng thái này cũng có lợi cho cả thể chất lẫn tinh thần của chúng ta - khẳng định của giáo sư tâm lý học Kate Sweeny, Đại học California (Riverside).
“Dù luôn bị ‘mang tiếng xấu’ nhưng lo lắng không phải lúc nào cũng là ‘sự phá hủy’. Nó có tác dụng giúp tạo động lực và hoạt động như một ‘thiết bị giảm xóc của cảm xúc’”, theo chuyên gia.
“Dù luôn bị ‘mang tiếng xấu’ nhưng lo lắng không phải lúc nào cũng là ‘sự phá hủy’
Bài báo này phát hành trên Tạp chí Social & Personality Psychology Compass, mô tả khá chi tiết về khía cạnh tích cực của sự lo lắng.
Theo đó, sự lo lắng giúp phục hồi tốt hơn sau những sự kiện gây chấn động, tổn thương hay khủng hoảng. Người lo lắng hầu hết là người có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự liên hệ giữa lo lắng và các hành vi sức khỏe tích cực như: chủ động đeo thắt lưng an toàn khi lái hay ngồi trên xe hơi, sử dụng kem chống nắng, đến bệnh viện để tầm soát ung thư, xét nghiệm ung thư vú…
“Người nữ nào có mức lo lắng vừa phải thường chủ động đi thăm khám tầm soát ung thư nhiều hơn, so với người có mức lo lắng cao và người không có lo lắng. Dường như lo lắng quá ít hay quá nhiều đều có dính dáng đến động lực nhưng ở mức vừa phải thì nó có thể giúp tạo động lực mà không hề làm người ta mất phương hướng hay hoang mang”, Sweeny nói.
Lo lắng giúp ra tạo động lực như thế nào?
Thứ nhất, nếu bạn cảm thấy lo lắng thì tình huống bạn đang đối diện có thể nghiêm trọng và bạn sẽ chủ động đi tìm giải pháp cho nó. Kết quả là bạn giải quyết được bất ổn đó và thoát khỏi trạng thái lo lắng hiện tại.
Hay khi lo lắng về một tác nhân gây stress (stressor) nào đó thì tác nhân đó sẽ thường xuyên có mặt trong đầu bạn và bạn sẽ có hành động để tránh tác nhân gây stress đó. Ví dụ, nếu ai đó lo lắng sẽ gặp nguy hiểm trong một vụ đâm xe thì người đó sẽ luôn chủ động thắt dây an toàn mỗi khi ngồi trên xe.
Và lo lắng cũng giúp bạn có thêm cố gắng để quản lý những cảm xúc không thoải mái đi kèm theo một trạng thái cảm xúc nào đó. Ví dụ, nếu bạn lo lắng về các cuộc phỏng vấn xin việc thì bạn có xu hướng dành nhiều thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho cuộc phỏng vấn đó, tìm hiểu kỹ càng hơn về vị trí ứng tuyển. Kết quả là bạn sẽ ít lo lắng hơn và cuộc phỏng vấn sẽ thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, lo lắng quá nhiều có thể gây hại cho thân và tâm của chúng ta. “Các mức độ lo lắng cực đoan thường gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, và thỉnh thoảng các hệ quả cảm xúc tiêu cực này nguy hại hơn các lợi ích vừa nói trên”.
Huệ Trần
(theo Medical Daily)