Lỡ mai…

Giác Ngộ - Lỡ mai. Hai từ mở đầu cho một giả định về một điều gì đó chưa tới, nhưng chắc chắn sẽ tới. Nhắc hai từ ấy để giả định và chuẩn bị một hành trang cho việc tiếp nhận điều hiển nhiên ấy bằng một tâm thế vững chãi, chánh niệm.

Chỉ có nhận diện được sự thật, những cái thuộc về mình, tồn tại trong mình, quanh mình như là đau, già, chết, và nhiều nỗi khổ khác thì mình mới có ý hướng thoát khổ, vượt qua cái khổ, hoặc nếu chưa thì an nhiên với nó, chứ không chống đối, cũng không mê hoặc là mình đang sướng!

rameuse_mekong111.jpg

Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió mưa - Ảnh minh họa

Nhận diện và giả định lỡ mai, hoặc lỡ lát nữa đây… mình nhận được hung tin là mình sẽ bị bệnh nan y, và không bao lâu sau mình sẽ chết (chẳng hạn) thì bạn sẽ thế nào? Bạn sẽ rơi tõm xuống, xót xa, vật vả hay là sẽ… bình thường thôi? Đón nhận những hung tin đại loại như thế không phải ai cũng có “nghệ thuật” tiếp nhận và chuyển hóa. Vì sao chỉ có số ít người có thể chuyển hóa được? Bởi vì chúng ta chưa bao giờ quán niệm về vô thường, chưa bao giờ chấp nhận những cái khổ của thế gian.

Cái chết đối với bạn (là một người rất trẻ) dường như rất xa, độ 40-50 năm nữa bởi bạn mới 20, khỏe như thế thì sao mà chết được. Trong tâm thức thường hằng của mình bạn không nhận ra hoặc ít khi nhận ra được từng tế bào mình đang sanh-diệt trong từng khoảnh khắc, cũng có nghĩa là mình đã, đang, và sẽ đổi thay (chết từng phần, một ít trong từng khoảnh khắc).

Ở một khía cạnh khác, thì bạn cũng quên quán niệm về những người trẻ như mình, ở chốn nghĩa địa, trong nhà cốt kia cũng nhiều, nhiều lắm. “Mồ hoang đâu thiếu kẻ đầu xanh”, có ý thơ nào đã nói như thế.

Không có gì là chắc chắn cả, nếu nó là sự vay mượn, tạm bợ. Trong trùng trùng duyên khởi chúng ta là sự tiếp nối của chính mình từ vô thỉ kiếp.

“Tử sanh, sanh tử đã bao lần/ Mà con còn đắm đuối mê say”. Lời dạy ấy của cổ đức đôi khi mình quên mất, nên mình cứ “đắm đuối mê say”, để “mắt ưa xem huyễn cảnh, tai thích tiếng mật đường, lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go…”. Lời một bài sám, một tiếng chuông điểm để mình thao thức: lỡ mai… vô thường tới, thân này hoại, ta sẽ về đâu?

Nếu chưa biết mình về đâu mà cũng không thấy một con đường để đi tiếp thì có nghĩa là mình sẽ rơi vào bóng tối ngay tức khắc. Nỗi lo và sợ hãi sẽ ùn ùn kéo tới mà dẫu hôm nay đẹp, mạnh, giàu… cũng không thể giúp được gì cả. Chỉ khi nào bạn biết chốn về, và thấy con đường đi thì bạn mới vững chãi để đối mặt mà thôi.

Cuộc sống đẩy đưa làm ta xa mẹ, và quên đi nguồn cội rất nhiều. Quên nên sống vô tư, quên nên chưa bao giờ nhận diện lỡ mai Người khuất núi. Và vì vậy ta đã đi xa cha, xa mẹ, xa những tháng ngày tuổi thơ: có gì cũng níu áo mẹ, nắm bàn tay cha. Ta quên, nên con cái ta rồi cũng sẽ quên giống như ta, những thế hệ vong bội cứ thế được sinh ra trong luân hồi...

Ba mẹ, người thân, bạn bè… của mình cũng nằm trong quy luật của sanh-trụ-dị-diệt ấy. Nên mình cũng cần quán giống như với mình, quán rằng lỡ mai… Người về đất, hoặc lỡ mai Người khuất núi… 

Tất nhiên, không phải nghĩ về điều đó để mà lo, mà buồn, mà đánh mất chánh niệm (quên trú ở hiện tại, bây giờ và ở đây) mà là để sống tốt nhất với hiện tại. Đó là “đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”, đừng để tóc ba bạc trắng đầu… vì mòn mỏi nhớ, lo, và thương con.

Hơn hết là cùng giúp ba mẹ mình nhận diện con đường và chốn về để khi Người ra đi cũng thanh thản, nhẹ nhàng! Rồi mình hẹn với ba mẹ của mình, cùng gặp nhau ở nơi nào đó, có pháp âm vi diệu, cùng tu, cùng giải thoát!

Tháng Bảy, Vu lan, tất nhiên nếu thương mẹ, thương cha và thực tập hiếu hạnh - hạnh Phật thì ngày nào, tháng nào chẳng là Vu lan báo hiếu, chẳng là một ngày để yêu thương và sống trọn vẹn với hai đấng sanh thành? Nhưng, ít ai sống được vậy, nên tháng Bảy về là dịp để gợi nhắc, bằng cách cài hoa hồng, bằng cách gửi cho nhau những ý niệm thiện lành rằng: này anh, này chị, này em, này bạn… xin nhớ đừng quên ba mẹ là Bụt hiện tiền!

Cùng bạn đọc:

Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết...

Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Giác Ngộ online 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hiểu và thương

Hiểu và thương

GNO - Con là một thiếu nữ Phật tử hiện đang còn đi học. Con ước mong xây dựng một tình yêu đẹp đẽ, chân thật và bền vững nên kính hỏi quý Báo trong kinh điển Đức Phật dạy về tình yêu thương như thế nào? Người Phật tử thực hành theo có khó lắm không?
Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày