Và sẽ có những lúc ta thất hứa với một ai đó vì vô tình, quên, vì chủ đích không nhớ hoặc vì mình nhận ra lời hứa ấy là sai lầm nên không thực hiện nữa...
Gieo niềm tin bằng những lời hứa chân thành - Ảnh minh họa
Lời hứa là một sự xác tín với người kia khi được đề nghị một việc nào đó, hoặc có khi tự mình khơi ra và hứa là sẽ làm một điều gì đó cho người ta. Thông thường, mình hứa là lúc mình cảm thấy mình có khả năng thực hiện việc đã hứa. Lời hứa đó là lời hứa nằm trong khả năng, và lúc mình hứa mình không phải đắn đo, suy nghĩ.
Đánh mất niềm tin nơi dân khi mình đã hứa mà không làm được là một cái tội, ở nước ngoài người ta có văn hóa từ chức bởi họ thấy rõ rằng họ đã thất hứa với dân, lỡ hứa mà làm không nên hình thì ngồi đó là cản trở bước tiến của xã hội, làm cho dân thêm oán thán, không ích gì. Và từ chức thực ra là một lời xin lỗi tối thượng của quan chức đã hứa và không thực hiện được, hoặc thực hiện không tốt những điều đã hứa!
|
Sẽ thật tuyệt vời và chúng ta sẽ trở nên đáng tin cậy với mọi người (mà mình đã hứa) khi mình hứa và làm như (hoặc hơn) đã hứa. Bởi khi hứa một điều gì đó, có nghĩa là mình đã gieo cho người ta niềm tin rằng họ sẽ nhận được hoặc nhìn thấy món quà, việc làm… mà mình đã hứa. Trong đó có cả sự hi vọng, chờ đợi nên khi mình thực hiện lời hứa cũng là lúc mình mang lại hạnh phúc cho người kia.
Tuy nhiên, không phải bao giờ mình cũng có khả năng làm được những điều đã hứa một cách hoàn hảo. Vì có khi do khách quan, lúc mình hứa thì mình còn có khả năng, nhưng đến khi thực hiện thì mình đã không còn khả năng làm được. Cái này nó cũng nằm trong quy luật vô thường, bởi sự vật, hoàn cảnh luôn biến thiên, thay đổi, sanh diệt, xuống lên liên tục. Ví dụ như mình hứa là mình sẽ đi xem phim với một ai đó vào thứ mấy đó, lúc mấy giờ cụ thể đó, nhưng đến thời điểm hứa (hẹn) đó mình bị bệnh hoặc có công việc đột xuất mà nếu mình không giải quyết thì sẽ ảnh hưởng lớn, gây thiệt hại cho nhiều người…
Tất nhiên, để hủy lời hứa (hẹn) đó phải là trước thời điểm hoặc ngay thời điểm đó và kèm theo lời xin lỗi, thông thường sau đó phải là một “lời hẹn, hứa bổ sung” - xem như đó là “lời xin lỗi chân thành” nhằm “đền bù” cho sự sai hẹn, thất hứa vì khách quan kia. Đó là cách hành xử chân thành, đáng quý mà cũng giúp cho mình không cảm thấy áy náy, khó chịu, giúp mình không dễ duôi khi hứa hẹn trong những lần sau. Đồng thời, cũng làm cho đối tượng được hứa cảm thấy được tôn trọng!
Song, có những lời hứa mà mình biết chắc là không thực hiện, bởi mình hứa bừa, hứa đại, hứa mà không thèm suy nghĩ để rồi đến thời điểm thực hiện thì “cao chạy xa bay”. Hoặc có khi mình biết chắc là mình không làm nhưng mình hứa để cho người ta chờ đợi và thất vọng như một cách thức lừa gạt… Cả hai lời hứa này đều đáng trách, bởi nó đến từ một cái trí kém và một cái tâm không tốt. Đa phần, chúng ta mắc phải hai trường hợp này, trong lúc dễ duôi, trong khi cái tâm chứa đầy gai xương!
Và tất nhiên mình sẽ phải nhận lại một “sự thật” tương tự như mình đã gieo tạo, bởi đó là nhân quả. Những lời hứa nho nhỏ giữa mình với một ai đó không đủ để pháp luật thế gian đem ra tòa xử, nhưng nỗi thất vọng mình đã tạo cho người kia thì được ghi vào “bản án” của luật nhân quả. Có những lời hứa quá lớn và gây thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người khác thì sẽ bị pháp luật thế gian và luật nhân quả “xử”. Như là mượn tiền, hứa trả mà không trả, rồi làm cho người ta tan nát hạnh phúc, tự tử vì mình đã thất hứa, đã lừa gạt thì sẽ bị truy tố. Cái này mình thường thấy trên báo hàng ngày, người ta lừa nhau đủ trò, đủ cách… và từ đó, trong xã hội giữa người với người cũng mất niềm tin nhiều hơn.
Trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là lời hứa của quan chức. Cái này hơi bị nhiều, bởi khi cần lá phiếu của nhân dân thì các ông, bà ứng cử viên cứ thế vận động bầu cử, hứa giải quyết ngập, lún, ùn tắt giao thông, xóa điểm đen, điểm nóng tội phạm này kia, làm cho dân khá lên, đời sống ổn định… Dân tin, bỏ phiếu bầu lên thì lại lo cho “nồi cơm” và “chiếc ghế” của mình, vì vậy mà dân không còn tin vào mấy vị đó nữa.
Đánh mất niềm tin nơi dân khi mình đã hứa mà không làm được là một cái tội, ở nước ngoài người ta có văn hóa từ chức bởi họ thấy rõ rằng họ đã thất hứa với dân, lỡ hứa mà làm không nên hình thì ngồi đó là cản trở bước tiến của xã hội, làm cho dân thêm oán thán, không ích gì. Và từ chức thực ra là một lời xin lỗi tối thượng của quan chức đã hứa và không thực hiện được, hoặc thực hiện không tốt những điều đã hứa!
Ngoài ra, có lời hứa mà mình hứa lúc mình vô minh, mình không làm chủ được bản thân hoặc mình hiểu chưa trúng nên mình thay đổi, xin rút lại. Như hứa cho con tiền mua đồ đắc tiền, rồi sau đó nhận ra đó là nuôi dưỡng cách ăn xài xa hoa cho con nên mình rút lại, xin lỗi và đền bù bằng một khóa học chẳng hạn. Hoặc hứa cho người ta mượn tiền, nhưng sau đó mình biết họ mượn đi đánh bạc nên mình không cho mượn vì biết họ sử dụng đồng tiền tầm bậy… Chúng ta nhận ra, rút lại và xin lỗi, cũng là một cách làm có trí tuệ, đáng quý trong trường hợp cụ thể đó!
Một vài gạch đầu dòng với một vài tình huống (không thể bao quát hết tất cả) nhưng cũng là một vài gợi mở để chúng ta suy nghĩ về những điều đã hứa, về việc hứa hẹn trong cuộc sống của mình. Cân nhắc cho một lời hứa để mình không “hố” mà “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”, đồng thời cũng đừng hứa làm những điều ngoài khả năng, những điều mình sẽ làm mà mình không biết cặn kẽ nó là việc gì, có tốt không…!
Lời hứa sẽ quy định uy tín của một con người, nên khi hứa mình phải đặt cái đó ra làm tấm lưới chắn để mình kịp nhìn sâu, hứa chắc và kiên quyết làm khi đã hứa (một lời hứa tốt). Và nếu lỡ hứa một lời hứa sai, thiếu trí tuệ (những lời hứa vi phạm nguyên tắc đạo đức (giới) như giết hại, trộm cắt, tà dâm…) thì khi nhận ra mình phải dũng mãnh sửa sai, dừng lại. Đó mới thật là người hùng!