Lợi ích của lòng tin

Lợi ích của lòng tin
Giác Ngộ - Một thời Thế Tôn ở Vesàli, gọi các Tỳ kheo: Này các Tỳ kheo, có năm lợi ích này cho thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm?

Các Thiện nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến các vị có lòng tin, không có như vậy đối với các vị không có lòng tin. Khi đến thăm, trước hết họ đến thăm những vị có lòng tin, không có như vậy đối với những vị không có lòng tin. Khi chấp nhận thọ thực, họ chấp nhận trước hết những vị có lòng tin, không có như vậy đối với những vị không có lòng tin.

Họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin.

Người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời.

Những pháp này, này các Tỳ kheo, là năm lợi ích cho thiện nam tử có lòng tin.

Ví như, này các Tỳ kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngả tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, các thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cho nam cư sĩ và nữ cư sĩ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Sự lợi ích lòng tin, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.369)

LỜI BÀN:

Lòng tin, theo Phật giáo phải là chánh tín, tịnh tín tức niềm tin sau khi đã được kiểm chứng bởi trí tuệ. Niềm tin mà hời hợt, mơ hồ và dễ dãi đồng thời thiếu hiểu biết về nó chính là mê tín. Vì thế, đã tin thì phải hiểu và hiểu để củng cố, tăng trưởng niềm tin là điều không thể thiếu đối với chánh tín Phật giáo.

Trước hết, hàng Phật tử phải thiết lập được niềm tịnh tín đối với Tam bảo. Bởi chỉ có ánh sáng của Tam bảo mới đủ năng lực xua tan bóng tối của vô minh, dập tắt tham ái và đoạn tận khổ đau. Đỉnh cao của lòng tin là tin tâm, tin tưởng tuyệt đối vào bản tâm thanh tịnh, tự tánh giác ngộ hằng hữu nơi chính bản thân mình. Từ đó nỗ lực tu tập làm hiển lộ chơn tâm sáng suốt, thể nhập chân lý.

Khi đã có lòng tin, người cư sĩ được năm lợi ích. Đó là: được chư tôn thiền đức thương tưởng, thăm viếng, đến nhà thọ trai, thuyết pháp và khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời. Đặc biệt, chính niềm tịnh tín là “chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ”.

Đức tin là mẹ của tất cả công đức, là nền tảng để phát sanh mọi thiện pháp. Vì vậy nếu chưa có lòng tin thì phải thiết lập, khi đã phát khởi được tịnh tín rồi thì củng cố và trau dồi để niềm tin thêm kiên cố.

Chánh tín và tịnh tín Tam bảo là một trong những vấn đề quan yếu mà mỗi người con Phật phải thành tựu để làm cơ sở cho việc tu học, lợi mình và lợi người.

Trong bối cảnh khủng hoảng về niềm tin, hoài nghi các giá trị đạo đức, chạy theo thực dụng như hiện nay thì hơn lúc nào hết hàng Phật tử phải tin sâu lời Phật dạy để sống hướng thiện, vị tha, an vui và giải thoát đồng thời góp phần bảo lưu, gìn giữ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày