Lõm bõm học Phật

Lõm bõm học Phật

“Thức tự tâm chúng sanh

Kiến tự tâm Phật tánh”.

Chúng sanh không có ở ngoài. Nó ở trong. Trong tự tâm. Nó bày ra, dựng lên, vẽ vời trong tự tâm ta mà ta chẳng ngờ!

Thức là cái biết do biện biệt, phân tách, đối chiếu, so sánh. Thức tràn ngập, hỗn mang. Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, thức càng điên đảo. Thức nhiều khi từ tưởng mà ra, nhưng cần. Chẳng hạn, cần thức để thấy chúng sanh ngọ ngoạy tràn ngập trong tự tâm ra sao. Nó ngọ ngoạy vì nó muốn quậy phá, muốn luân hồi, muốn bay nhảy từ tầng này sang tầng khác, sáu nẻo thênh thang, chút vầy chút khác…

“Thức” nó, nghĩa là thấy rõ, hiểu rõ về nó, phân tách nó ra một cách thấu đáo, hóa ra nó do ta tự tạo ra, không ai khác, là một thứ puzzle, lắp ghép, tương tác, tùy duyên. Tự tâm ta mà chúng sanh ra. Khi rõ vậy rồi thì thôi. Dẹp đi. Khi dẹp nó đi thì không còn cần “thức” nữa. Mây tan rồi thì trời trong, trăng sáng. Và lúc đó là “kiến”. Thấy. Thấy rõ. Chiếu kiến. Và kiến gì? Kiến “Phật tánh”. Phật tánh cũng lại ở ngay trong tự tâm ta. Không ở ngoài đến. Ai cũng sẵn có. Cho nên ai cũng sẽ là Phật, một khi “Thức tự tâm chúng sanh” thì sẽ “Kiến tự tâm Phật tánh” vậy.

“Bố thí thân mạng”

“Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí...”.

Bố thí hơi nhiều đó nhé! Và, thân mạng đâu mà lắm thế? Trong khi ta chỉ có mỗi một tấm thân ngũ uẩn nhẹ hều!   

Nhưng chuyện bố thí hằng hà sa số thân mạng sáng, trưa, chiều, tối là có thật. Cứ nhìn vào cơ thể mình thì biết. Cơ thể ta hình thành từ khoảng một trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật”, một “chúng sinh” hẳn hòi, hoạt động có tổ chức, có đầy đủ các chức năng, sắc, thọ, tưởng, hành, thức… đàng hoàng chớ chẳng chơi. Và điều kỳ diệu, cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được… “bố thí”, hay nói khác đi, được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn. Chẳng hạn, chỉ riêng hồng cầu, mỗi giây đã có hàng trăm triệu tế bào hồng cầu được hủy diệt và thay thế. Các chất liệu được đưa về “kho chứa” là lá lách để sẵn sàng sử dụng lại, chế tạo các hồng cầu mới. Hệ thống mao mạch - các mạch máu nhỏ li ti dẫn máu đến từng tế bào trong cơ thể, cung cấp ô-xy và các dưỡng chất để sản xuất năng lượng - nếu nối lại đã có độ dài bằng một vòng quanh trái đất. Mỗi ngày, trái tim nhỏ bé của ta co bóp với một lực mạnh đủ để kéo một đầu máy xe lửa… Cơ thể ta quả là một thế giới kỳ diệu, một vũ trụ chưa được khám phá hết. Đừng tìm kiếm đâu xa. Hãy “nương tựa chính mình” là vậy. Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Vô thường ở đó, vô ngã ở đó, Niết-bàn, địa ngục ở đó…

Bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng, ngày ba buổi sáng, trưa, chiều chính là các thời… thiền định của một người tu tập. Trong sâu thẳm của Chánh định, sẽ thấy biết… không còn có cái thân nào nữa - hay nói khác đi, “bố thí” sạch trơn rồi, “buông xả” sạch trơn rồi. Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả dứt sạch rồi. Chẳng phải trong trạng thái vô ngã đó, đã hoàn toàn “bố thí thân mạng” đó sao?

Như vậy, phải chăng “buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…” không bằng biên chép đọc tụng câu kinh tiếng kệ nhằm nhắc ta rằng, đừng có mà ngồi ì ra đó, đừng có mà lo ngày ba thời thiền định dưới gốc cây, quên ăn quên ngủ, bỏ mặc sự đời. Hãy gieo trồng, dù chỉ là một hạt giống nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh…

Cho nên, bố thí thân mạng chẳng phải là bố thí thân mạng nên mới gọi là bố thí thân mạng.

“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”

“Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác/ Hãy làm điều thiện)?

Tưởng tượng đêm hôm đó, một đêm không trăng sao, thầy trò Huệ Năng lén lút ôm bọc y bát rời chùa, len lỏi giữa các rặng lau sậy, ra tận bờ sông… Khi đại chúng biết ông đã được truyền y bát trốn về phương Nam thì có đến vài trăm người rượt đuổi theo để đoạt lại, trong đó có Thượng tọa Huệ Minh, vốn trước là một tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá rồi núp vào đám sậy nói lớn: “Y bát là vật làm tin, há dùng sức mà đoạt được sao?”. Huệ Minh đến, muốn lấy y bát mà chẳng nhúc nhích, bèn kêu: “Hành giả! Hành giả! Tôi đến vì Pháp, chẳng phải vì Y”.

Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến, thì nên dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm. Tôi sẽ vì ông mà thuyết”. Rồi nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của Thượng tọa Minh?”.

Huệ Minh ngay đó đại ngộ.

Thiệt ra Huệ Minh có định lấy y bát chi đâu. Muốn lấy thì đâu có khó gì với một ông tướng như vậy. Ngày nay còn dễ hơn nữa. Đầy dẫy ra đó. Mua đâu chẳng có. Sư phụ Hoàng Nhẫn cũng đã căn dặn: Sau này dẹp cái vụ truyền y bát hình thức đó đi cho đỡ rầy rà, tranh đoạt giữa chốn thiền môn. Tâm truyền tâm thôi.

Thương tọa Minh thực lòng khâm phục Huệ Năng từ lâu, đã muốn được học pháp, nghe pháp từ Huệ Năng, giờ mới có dịp. Trong lúc rầm rập chân người, la ó vang trời, đèn đuốc sáng choang đó, giữa sự căng thẳng sống chết chỉ mành treo chuông đó, một câu nói “dứt bặt trần duyên/ chớ sanh một niệm” của Huệ Năng đủ sức lay chuyển tận gốc rễ con người Huệ Minh. Đó chính là lúc bổn lai diện mục Huệ Minh có cơ hội để xuất hiện vằng vặc giữa trời quang. Huệ Minh chỉ cần nghe một câu là đủ. Cũng như xưa, Huệ Năng nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là đủ. Học kinh, kệ của Phật, một câu một chữ quý biết bao. Thực ra câu nói “Không nghĩ thiện/ không nghĩ ác” chẳng qua là một… minh họa, làm cho rõ nghĩa thêm mà thôi, và nhất là phù hợp với hoàn cảnh căng thẳng đầy sát khí lúc đó.

“Dứt bặt trần duyên/ Chớ sanh một niệm”, ấy chính là “vô niệm”, con đường phát hiện và hành thâm của Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà thấy biết “gió không động/ phướn không động”.  Con đường trực chỉ chân tâm đó vậy.

Tóm lại, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chỉ có nghĩa là không hai, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm...!

“Du ư Ta-bà”…

Bồ-tát “rong chơi” trong cõi Ta-bà ấy là nhờ có “Du hý thần thông”! Cứ bay vèo vèo coi chỗ nào chúng sanh cần gì, kêu ca gì thì ra tay cứu độ. Các nhà khoa học hiện vẫn  loay hoay tìm kiếm coi có thứ gì có vận tốc nhanh hơn vận tốc ánh sáng không, nếu có thì sẽ có những thay đổi lớn, không còn thời gian không gian, không còn hạt, không còn sóng... Thực ra thứ đó đã có từ lâu, đó là tâm, tốc độ tâm, “Tâm hành”. Vô lượng vô biên a tăng tỳ kiếp…  Không nắm bắt được, bất khả đắc. Cho nên làm thế nào để hàng phục tâm, làm thế nào để an trụ tâm vẫn ngàn đời là một câu hỏi lớn.

Nhờ nương theo cái tâm rộng lớn “không ngằn mé” đó mà Bồ-tát “du ư” cõi Ta-bà. Bất cứ chỗ nào và bất cứ ở đâu cũng có thể xuất hiện một ông Bụt dễ thương: “Sao con khóc? Con cần gì ta giúp cho?”.

Vấn đề ở đây là tại sao “du hý thần thông”? Đã “du” sao còn “hý”? Rong chơi chưa đủ vui sao mà còn cười cợt, đùa giỡn, hý lộng…?  Nhưng hãy cảm thông cho Bồ-tát. Ấy chẳng qua thấy nhiều chuyện “nực cười” quá không nín được. Có vị cười ha hả, cười hết ga, có vị cười tủm tỉm, có vị cười âm thầm. Không cười sao được khi lúng túng chẳng biết giúp bên nào giữa hai đội bóng: người đá phạt đền thì xin phò hộ cho đá vô, người giữ gôn thì xin phò hộ cho đá ra. Không cười sao được khi thấy oán oán chồng chất, giết hại lẫn nhau không thương tiếc rồi lập đàn xin xá tội, giải oan; không cười sao được khi thấy người ta nhét tiền vào tay mình để mong mau làm giàu, mau thăng quan tiến chức...! Cười mà thương chứ chẳng phải ghét bỏ, coi thường chi đâu. Cho nên mới có Thường Bất Khinh, mới có Quan Thế Âm...  

Bồ tát vì “bất tận hữu vi, bất trụ vô vi” nên cứ phải bay qua nhảy lại giữa bờ mê bến giác, nhưng nhờ con mắt tuệ đã có thể thong dong mà nhìn rõ tánh tướng nhân quả các thứ… Từ đó mà có Từ, có Bi.

Nhưng để có thể “du hý thần thông” như vậy Bồ-tát phải tu tập tinh cần để đạt được những “đà-la-ni”, tức những năng lực đặc biệt, chẳng hạn: Sao cho nhất thiết chúng sanh hỷ kiến (ai thấy cũng vui) - nhờ trung thực, chân thành; sao cho hiện nhất thiết sắc thân (để hòa nhập với tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi) - nhờ khả năng thấu cảm; và sao cho giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn để truyền thông hiệu quả bằng mọi thứ phương tiện, kể cả sự lặng thinh. Dĩ nhiên trên hết phải có sự tôn trọng. Nhờ có những đà-la-ni, những “tam muội” thần thông đó mà Bồ-tát mới rong chơi vô ngại trong cõi Ta-bà...

Mới làm cho Ta-bà thành cõi Tịnh độ vậy.

Bình luận

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày