Lòng nhân ở một ngôi chùa

Đại đức Thích Việt Hòa, người trụ trì ngôi chùa Thịnh Đại, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trong màu áo nâu sồng đang ầu ơ ru "con" ngủ. Quanh ông là biết bao "thiên thần" nhỏ ríu rít như bầy chim. Tôi thấy ông giống như một người cha dù nhọc nhằn vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc khi nhìn lũ trẻ lớn lên mỗi ngày…

Một chiều thu nắng vàng, chúng tôi lại có dịp trở về thăm ngôi chùa Thịnh Đại, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khác hẳn với 2 năm trước, tôi ngỡ ngàng bởi màu xanh trù phú, ngôi chùa hiện lên giữa bát ngát mênh mông màu vàng của lúa chín.

Trong ráng chiều chạng vạng, tiếng chuông chùa văng vẳng, một cảm giác bình yên vốn có ở những miền quê đậm đà hồn Việt. Đứng lặng trước cổng chùa, chúng tôi ngắm nhìn cảnh nô đùa ríu rít của trẻ nhỏ, nghe tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ sơ sinh và tiếng ru hời trong chiều diệu vợi…

Tôi đã nhận ra, Đại đức Thích Việt Hòa, người trụ trì ngôi chùa cổ kính, trong màu áo nâu sồng đang ầu ơ ru "con" ngủ. Quanh ông là biết bao "thiên thần" nhỏ ríu rít như bầy chim. Tôi thấy ông giống như một người cha dù nhọc nhằn vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc khi nhìn lũ trẻ lớn lên mỗi ngày…

Ấm áp tình người

Đại đức Thích Việt Hòa tự nhủ, đời đã mang đến cho ông những đứa trẻ mồ côi âu cũng là duyên phận. Từ nhỏ ông gửi thân vào nơi cửa Phật, kẻ xuất gia nguyện tu thân trọn kiếp. Rời quê hương Xuân Trường, Nam Định, ông bước vào cõi vô thường, về chùa Thịnh Đại năm 1992, lúc ấy vừa tròn 20 tuổi. Và ông cũng bắt đầu cuộc đời "làm cha" vào một ngày trời không nín gió, khi ông chẳng có một tí hiểu biết gì về chăm sóc con trẻ.

Lòng nhân ở một ngôi chùa ảnh 1

Đại đức Thích Việt Hòa và những đứa trẻ mồ côi do ông nuôi nấng.

Ảnh: Kim Xuyến.

Chuyện bắt đầu vào một đêm mưa rét, tụng kinh niệm Phật xong, vừa buông màn đi ngủ, ông sực tỉnh khi nghe thấy tiếng khóc "oe, oe" của trẻ nhỏ ở gần lắm. Tung chăn bật dậy và nhào ra cổng, ông không tin vào mắt mình khi  thấy một đứa bé quấn trong tà áo mỏng ai đó vừa đặt trước cổng chùa. Ôm vội cháu bé vào nhà sưởi ấm, ông loay hoay chẳng biết làm gì. Nhưng tình yêu thương đã mách bảo, ông khoác áo mưa ẵm theo tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ đến nhà một người mẹ vừa sinh con gần đó để xin sữa cho bé. Nhưng mấy ai hiểu thấu được lòng ông lúc này, có người còn bịa lời đơm đặt.

Chẳng mấy bận lòng, ông vẫn dốc cả tình yêu thương cho đứa bé mồ côi tội nghiệp, có lẽ mẹ nó vì một lý do nào đó đã mang con đến gửi gắm cửa thiền. Chuyện nuôi một đứa trẻ sơ sinh với ông như một sự thách đố, đứa trẻ quặt quẹo đau ốm liên miên. Nguồn sinh lực đến khi ông nhìn thấy hé nở nụ cười từ miệng bé thơ. Vậy là từ đó, cứ như trời xui đất khiến, một đứa trẻ, rồi hai, ba đứa trẻ tìm đến nơi này, chúng đều không cha không mẹ. Có chút ít kinh nghiệm rồi nên ông cũng thấy tự tin hơn, còn nỗi nhọc nhằn không kể hết.

Đại đức vẫn còn nhớ cái cảm giác âu lo, lần ấy 2 cháu nhỏ sơ sinh cách nhau chưa đầy một tháng được đưa về chùa, cả 2 cùng lên cơn sốt ly bì vì suy kiệt nặng. Vậy là "cha con" ông bồng bế nhau đến bệnh viện. Cảnh nhà sư mặc áo nâu sồng đêm đêm bồng bế trẻ thơ khóc ngằn ngặt, đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Mắt ông trũng sâu thâm quầng vì mất ngủ. Trời rét căm căm, đã 27 - 28 Tết mà ông vẫn cùng lũ trẻ ở trong bệnh viện… Thương ông, có người đã tình nguyện tới giúp chăm bẵm bọn trẻ trong chùa.

Giờ tới đây, tôi nhìn thấy những đứa trẻ như chồi non bụ bẫm, nụ cười xinh và những cặp mắt đen láy… đang vây quanh ông, xòe tay để chờ chia kẹo. Nhìn ông, giống như một người cha hạnh phúc bên cạnh những đứa con yêu, khó có lời nào diễn tả. Ông đã nuôi nấng 30 cháu khôn lớn trưởng thành, đã có 8 cháu đang học đại học, cao đẳng, 10 cháu đang học phổ thông và mẫu giáo, cháu nhỏ nhất vẫn chưa đầy 10 tháng tuổi.

Giúp người lầm lỗi trở lại với đời

 Không chỉ những đứa trẻ có số mệnh bọt bèo coi ngôi chùa Thịnh Đại là nơi cứu rỗi cuộc đời chúng, mà ở đó còn là bến đỗ của những tâm hồn tưởng như đã "chết", những lỗi lầm được gột rửa để trở về sáng trong lương thiện. Cũng chính tại ngôi chùa này, Đại đức đã làm sống dậy, thức tỉnh nhiều tâm hồn người nghiện, giúp họ từ bỏ ma túy trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Với triết lý đầy chất nhân sinh, Đại đức bộc bạch với chúng tôi rằng, không có xiềng xích nào trói buộc được tâm hồn con người. Với những người nghiện thì chỉ có lòng yêu thương và sự tận tụy của những tấm lòng mới giúp họ vượt qua cám dỗ. Những khi họ tỉnh táo, ông nhẹ nhàng an ủi động viên và chia sẻ để họ nhận rõ tác hại của ma túy mà tìm cách tránh xa. Ông chẳng có phương thuốc nào mầu nhiệm ngoài tình thương yêu, cho họ niềm tin và những cử chỉ ân cần.

Bận rộn với việc đời việc đạo, ông vẫn không quên trách nhiệm của một đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Cùng với chính quyền và các đoàn thể, tổ chức cho tín đồ ở địa phương cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 35 người có hành vi vi phạm pháp luật, giúp họ tiến bộ hòa nhập với cộng đồng. Đại đức như sợi dây kết nối tình thương yêu, tình đoàn kết giữa những người dân để xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận.

Ông thường xuyên giải thích trong những dịp lễ trọng để các tín đồ hiểu và thưc hiện đúng chính sách chủ trương đường lối và pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng quê hương. Với ông: "Nhà chùa không thể thắp hương đóng cửa niệm Phật mà phải góp sức vào việc đời". Tâm nguyện của ông là mọi hoạt động đều hướng tới cái thiện để sống tốt đời đẹp đạo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày