Lột xác

GN - Chúng tôi có phước duyên được sư phụ là HT.Thích Ngộ Tánh, Chánh đại diện Phật giáo thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chỉ dạy phụ trách môn Ngữ văn ở Lớp Sơ cấp Phật học đặt tại tổ đình Thiên Bửu (Ninh Hòa, Khánh Hòa) từ khóa I.

Do trình độ của lớp học không đồng đều, có cô chú đang học cấp II, cấp III phổ thông, cũng có người nghỉ học từ lâu - hôm nay bắt đầu học lại môn Ngữ văn nên thời gian đầu nhận lớp, tôi thật sự lúng túng. Ban đầu chúng tôi hướng dẫn theo chương trình lớp 9 phổ thông, nhưng sau đó phát hiện có một số cô, chú sử dụng nguyên xi bài bài văn mẫu chép ra để nộp, tôi thay đổi “chiến thuật” chỉ  sử dụng những bài kệ của chư Tổ hoặc kinh Pháp cú để hướng dẫn các cô chú. Mỗi lần đến giờ sửa và trả bài, những lỗi thường vấp phải trong bài viết của các cô chú, chúng tôi đều đưa ra phân tích để rút kinh nghiệm nhưng không nêu tên cụ thể vì sợ các chú mặc cảm.

Anh Thien than quet la GN 653.jpg

Chú tiểu trau dồi sở học - Ảnh minh họa của thiền viện Thường Chiếu

Trong số Tăng Ni sinh của khóa II, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là chú Bình với những lý do như: Chú là người miền Bắc duy nhất trong lớp gồm hơn 40 vị; chú lại là người lớn tuổi nhất lớp. Chú sinh năm 1977 trong một gia đình làm nông, từ giã quê hương Tiền Hải, Thái Bình vào lập nghiệp ở quê hương thứ hai là vùng đồi núi đất đỏ Đắk Lắk.

Năm 2003, chú xuất gia tại chùa Viên Ngộ với Hòa thượng bổn sư Thích Ngộ Tịnh. Một lần, chú Bình đã gặp riêng chúng tôi và tâm sự: “Thưa cô, do hoàn cảnh gia đình nên em học rất ít, mới hết bậc tiểu học, những bài giảng của cô em tiếp thu được nhưng để viết thành bài văn thì thật là khó, em sẽ cố gắng để theo kịp bạn bè, mong cô thông cảm cho em”. Thật là hiếm có người thẳng thắn và trung thực như chú nên kể từ đó chúng tôi quan tâm đến chú nhiều hơn trong vấn đề học tập.

Sau đó chú vào học trung cấp Phật học ở chùa Long Sơn (TP.Nha Trang) nên chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Năm 2008, tình cờ ra chùa Viên Ngộ chúng tôi gặp lại chú Bình. Trông chú chững chạc hơn nhiều và được biết chú đã thọ giới Sa-di, chú gửi tặng tôi đĩa CD kinh Pháp hoa và căn dặn: “Cô nhớ nghe đi nghe lại nhiều lần mới “thấm” vì Phật dạy rất hay”. Tôi cám ơn chú và rất mừng khi thấy chú không còn rụt rè như ngày xưa.

Sau một thời gian, tôi về tổ đình Thiên Bửu của sư phụ để tu tập Bát quan trai, chúng tôi gặp lại chú Bình ngày xưa - bây giờ là Đại đức Thích Tường Nguyện, trú xứ chùa Trùng Quang tận miền Bắc xa xôi. Thầy cho biết mùa An cư này thầy vào miền Trung nhập hạ và kết hợp vấn an sức khỏe của bổn sư thầy là Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh ở chùa Viên Ngộ (Ninh An, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là thầy phụ trách phần chia sẻ Phật pháp cho đại chúng trong đạo tràng Bát quan trai. Để có được nội dung bài giảng, thầy đã chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ kiến thức Phật pháp cho đến bài kệ giải thích 6 chữ Nam-mô A Di Đà Phật đánh vi tính sẵn để phát cho đại chúng.

Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ vì biết thầy đã nỗ lực tu tập trong những năm tháng đã qua, thầy chia sẻ: “Thầy xuất gia vì lý tưởng muốn hoằng pháp độ sinh nên trong suốt những năm tháng học ở Trường Trung cấp Phật học, thầy đã góp nhặt những kiến thức về Phật pháp và không ngừng học hỏi nghiên cứu giáo lý thâm sâu vi diệu của Đức Bổn Sư để sau này về phục vụ lại cho quê hương thầy ở Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình”.

Bài pháp thoại rất giản dị như chính cuộc đời của mình nhưng thầy đã để lại ấn tượng tốt cho tất cả chúng tôi, những giới tử trong đạo tràng Bát quan trai ngày hôm ấy.

Từ một người hiền lành chất phác, bằng nghị lực của người con Phật, thầy đã trở thành một giảng sư có kinh nghiệm trong việc truyền đạt Phật pháp đến với đại chúng, thông qua buổi pháp thoại hôm ấy nhiều người rất tâm đắc, có Phật tử theo xin số điện thoại của thầy để thỉnh về chùa mình thuyết pháp. Thầy bảo: “Phật dạy tất cả đều do nhân duyên, nếu đủ duyên thầy trò sẽ gặp nhau, thầy không hứa hẹn sẽ về chùa nào cả”.

Riêng tôi, thầm cầu mong mười phương chư Phật gia hộ cho thầy vượt qua mọi chướng ngại, giữ vững sơ tâm để đi hết con đường mà mình đã chọn. Là những “Thiên thần quét lá”, là sứ giả của Như Lai, hoàn thành tâm nguyện của một tu sĩ đầy lòng nhiệt huyết.

Quảng Ấn (chùa Đức Hòa, Ninh Hòa)

Cùng quý độc giả:

Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. 

Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm

Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ.

Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày