Lũ chuồn chuồn vườn cũ

GN - Tình cờ tôi nhìn thấy bức ảnh của ai đó trên mạng chụp cảnh bình minh khi mặt trời mới ló dạng. Bức ảnh thật đẹp khi con chuồn chuồn ớt được lồng trong vòng tròn của ông mặt trời.

Nhìn bức ảnh tôi mới sực nhớ ra rằng lũ chuồn chuồn vẫn bay đậu khắp nơi đó thôi. Có thể gặp chúng ở bên đường, trong tiểu cảnh của một quán cà-phê góc phố và ở thôn quê thì có thể gặp chúng bất cứ nơi đâu. Nhưng lũ chuồn chuồn của tuổi thơ tôi thì đã bay đi khuất nẻo tự bao giờ...

chuonchuon.jpg

Chuồn chuồn - có loài vật nào hiền lành như thế. Chúng bay khắp vườn, đậu trên nhành cây bụi cỏ. Chúng hòa mình với thiên nhiên và mặc nắng mưa hay nóng lạnh thì chúng vẫn mang dáng vẻ nhởn nhơ, vô tư lự giữa thiên nhiên bao la như thế...

Có lẽ có rất nhiều giống chuồn chuồn. Những loài chuồn chuồn mà tôi đã từng biết thôi cũng đã nhiều lắm rồi. Chuồn chuồn kim mảnh mai, có đôi cánh thật mỏng và cái đuôi dài nhọn như chiếc kim khâu áo. Chuồn chuồn ớt thì như một trái ớt chín tới đỏ sặc sỡ; nhưng cũng có một giống chuồn chuồn có hình dáng giống con chuồn chuồn ớt chỉ có điều màu của nó là màu vàng óng không biết tên nên hồi nhỏ tôi tạm gọi cho nó là chuồn chuồn nghệ. Những con chuồn chuồn voi oai vệ với thân hình tựa một chiếc máy bay, có đôi mắt lồi tròn và đôi cánh vững chãi. Loài chuồn chuồn có nhiều nhất ở quê tôi là những con chuồn chuồn màu nâu mà không biết tên đệm của nó là chi. Chúng bay từng đàn, đậu dày chi chít trên mấy nhánh nè khô hay trên mấy bụi hóp trước nhà tôi.

Cứ vào những ngày cuối thu, hơi may xao xác; trong vườn nhà giàn mướp đắng, bí bầu vừa khô đọt là lũ chuồn chuồn này bay về rợp cả vườn quê, cũng là gọi mùa mưa gió về. Có lẽ cũng từ đó mới có câu ca dao về thời tiết: “Chuồn chuồn bay thấp trời mưa - Bay cao trời nắng, bay vừa trời râm”...

Những ngày lũ chuồn chuồn nâu bay về vườn cũ cũng là những ngày thoáng buồn của thằng bé tôi khi mây trời kéo về đen đặc, ủ dột; khi cây trái trong vườn đã tàn hết chỉ còn sót lại mấy trái mướp cuối mùa cong queo trên giàn. Thú thật tôi cũng buồn vì khi đó không có trò chi để chơi ngoài việc ngắm chuồn chuồn bay, chuồn chuồn đậu trong ngọn gió đã mang màu se thắt. Xa quê mấy chục năm rồi và tôi chợt nhớ mình chưa bao giờ ngồi lại vào những chiều như thế ở trước hiên nhà cũ. Và nếu như có lần nào đó ngồi lại vào một buổi chiều chuồn chuồn bay như thế thì chắc tôi sẽ nhớ tuổi thơ mà khóc mất thôi...

Lại nhớ hồi còn học cấp 1, hình như trong sách Tập đọc có một bài đọc thêm kể chuyện về một người xấu làm thám báo biệt kích chi đó của địch, bị cái thằng cu Tý phát hiện chỉ vì trong lúc thằng cu Tý đang chuẩn bị bắt chuồn chuồn thì người này đứng sau lưng mà đọc: “Chuồn chuồn có cánh thì bay - Có thằng cu Tý đưa tay bắt chuồn”. Rứa là trò vui của cu Tý bị ngăn cản, cu Tý bực lắm liền nghi ông ấy là người xấu và đúng ông ấy là người xấu thiệt.

Tôi có nghe kể chuyện con nít mới sinh, đến ngày đầy tháng cúng Mụ, nếu muốn cháu bé sau này dễ biết bơi, dễ làm quen với sóng nước thì bắt chuồn chuồn cắn rốn... Và tôi cũng đã bâng khuâng về một câu hát: “Lòng em như con chuồn chuồn - Khi vui chuồn đậu, khi buồn chuồn bay”. Sao lại ngược như thế nhỉ? Đáng lý ra khi buồn thì chuồn đậu, còn khi vui thì chuồn mới bay chứ...

Mà chuyện về chuồn chuồn thì hầu như ai cũng biết cả. Chỉ vì bức ảnh quá đẹp nên viết lan man cho vui. Bức ảnh con chuồn chuồn dưới bình minh được người nghệ sĩ chụp ở đầm Chuồn. Có lẽ cái đầm nước mênh mông trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai xứ Huế này hồi xưa chắc chuồn chuồn bay về nhiều lắm. Còn tôi, mỗi lần gặp con chuồn chuồn ở đâu đó thì ký ức những buổi chiều năm xưa mây trời  vần vũ, ba mạ vắng nhà còn lũ chuồn chuồn thì bay đậu khắp vườn lại quay về. Chẳng hiểu sao khi đó thật buồn...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày