GN - Đây không phải chỉ là tên tác phẩm “Fire in the Lake” do ký giả Frances Fitzgerald viết năm 1972 về cách mạng Việt Nam, đem lại giải Pulitzer và một số giải thưởng danh giá khác cho ông sau đó (1973) mà là một quẻ trong Kinh Dịch, quẻ thứ 49 - quẻ Cách (Trạch hỏa cách, lửa trong đầm lầy)… Quẻ Đoài trên quẻ Li, nước trên tuôn xuống lửa dưới. Lửa to thì nước cạn, hoặc nước mạnh sẽ làm tắt lửa. Đấu tranh quyết liệt, một mất một còn, đổi đời đổi mới triệt để hay nói cách khác đó chính là… cách mạng khi thời thế đảo điên cần phải thay đổi, tìm người đủ tài đức lãnh đạo muôn dân.
Từ Tunisia nhìn sang Ai Cập
Hình ảnh ngọn đuốc Mohamed Bouazizi 26 tuổi ngùn ngụt bốc cháy trên đường phố Sidi Bouzid ở Tunisia đã lan truyền trên mạng bằng phương tiện truyển thông hiện đại, qua facebook, hình ảnh ấy đã khích động trái tim nhân dân Tunisia, trái tim những con người yêu chuộng công bình và dân chủ. Ngọn đuốc sống Mohamed Bouazizi 26 tuổi đã thiêu trụi chính thể Ben Ali sau 24 năm cầm quyền, tiếp sức hay gợi mở cho ngọn lửa Cairo tiếp diễn, lật nhào Tổng thống Ai Cập Mubarak sau 30 năm tại vị. Nhiệt lượng cao của ngọn đuốc đang lan sang một số quốc gia lân cận khác, đốt nóng cả vùng Bắc Phi - Trung Đông (MENA), và chưa ai biết được điểm dừng của nó.
Thần tượng ngày xưa, kẻ độc tài hôm nay…
Cách đây 30 năm, Mubarak chính là thần tượng của nhân dân. Ông từng là anh hùng kiên cường trong chinh chiến, lãnh đạo đất nước chuyển sang cơ chế thị trường từ 1991, với GDP trung bình tăng hàng năm là 7%, đưa đất nước Ai Cập vào hàng ngũ những quốc gia thu nhập trung bình. Nhưng rồi theo thời gian và theo cả sự tha hóa tâm hồn, ông đã bảo thủ, đã không còn đứng về phía nhân dân, đã dung dưỡng sự trì trệ chính trị, dung dưỡng cho nạn bòn rút tài sản đất nước vào túi một thiểu số cầm quyền, trong đó có gia đình ông với khối tài sản hoài nghi 70 tỷ USD trong lúc người dân chỉ có 2USD để sống mỗi ngày!
Tương tự như Ben Ali của Tunisia, ông đã không làm giảm bớt được mà còn tạo thêm sự phân cực giàu nghèo. Dân sinh suy sụp, dân chủ bị vi phạm, dân quyền bị chà đạp, nhưng dân trí lại đủ cao để nhận thức một chính quyền không còn của dân, do dân và vì dân thì không thể tồn tại được. Người ta đã nhận ra rằng không một nền chính trị nào đủ khéo léo, dù bằng những ngôn từ hùng biện hay ma mị thế nào, che đậy bản chất của nó trước nhân dân trong một thời gian dài. Và không quần chúng nào dù nhu nhược hay hèn nhát đến đâu đi nữa có thể bị trấn áp mãi một khi họ nổi giận, một khi họ thấy họ bị “lừa” trong một trò chơi quyền lực của những kẻ cai trị…
Jean Jacques Rousseau đã từng viết: “Người mạnh nhất không bao giờ có khả năng duy trì được để ở mãi vị trí lãnh đạo, trừ khi chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, chuyển hóa sự khuất phục bởi bổn phận chuyển biến sợ hãi thành phụng sự, chuyển giao sự cai trị về tay công lý”.
Lẽ phải nằm ở đâu?
Thường thì người dân tôn trọng và yêu chuộng công lý hay nói nôm na là lẽ phải. Lẽ phải là khi họ được sống trong một xã hội, nếu chưa hài hòa, thì cũng sẽ ít bất công. Bất công xã hội là một mầm mống nguy hiểm phải ngăn ngừa. Tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” là một trong những dấu hiệu xã hội đang lâm bệnh… phân hóa sâu sắc.
Lẽ phải nằm ở chỗ họ phải được pháp luật bảo vệ khỏi những kẻ xấu, những kẻ ác trù dập bức hiếp họ bằng vũ lực hay quyền lực.
Lẽ phải nằm ở chỗ con em họ phải có cơ hội bình đẳng tham gia vào công việc xã hội, như mọi đứa trẻ thuộc thành phần khác, không có sự kỳ thị, phân biệt đãi ngộ về việc làm hay thụ hưởng…
Lẽ phải nằm ở chỗ các quan chức, công bộc của dân phải gương mẫu trong đời sống và khi làm việc, không thể sống xa hoa phè phỡn trong khi nhân dân oằn mình chịu mọi thứ sưu thuế, các thứ phụ phí không hợp lý.
Lẽ phải nằm ở chỗ giai cấp lãnh đạo phải thể hiện sự cương quyết khi cần phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhân dân và đất nước.
Lẽ phải nằm ở chỗ không có chế độ “Địa-phương-trị” hay “Nhóm-lợi-ích trị” hoặc “gia đình trị”, hay nói theo một nhà phân tích chính trị, quản lý theo kiểu “Bố già”, mà điều này thì cả Mubarak và Ben Ali đều vấp phải.
Để “Lửa không còn cháy trong hồ”?
Theo quẻ Cách thì hào 4 “Hối vong, hữu phu, cải mệnh, cát” thành tâm cải hối, giữ thành tính đổi mệnh thì tốt. Làm gương cho mọi người tin tưởng mình thì công việc tốt đẹp trở lại. Để đến hào 5 thì “Đại nhân, hổ biến, vị chiêm hữu phu” - quân tử thay đổi xã hội dũng mãnh như hổ thay lông, được lòng tin của mọi người”.
Những nhà lãnh đạo nếu nhìn ra điều này sẽ phải khẩn trương cải cách xã hội hóa dân chủ quyền lực, khẳng định tính chính danh lãnh đạo hay đúng hơn là làm thiên chức phục vụ nhân dân. Phải lập tức nhận ra vòng tròn tai họa: Quyền lực - lạm dụng - tư lợi - xa rời quần chúng - củng cố quyền lực…
Những khẩu hiệu hay những bài diễn văn hùng hồn nhất cũng không làm cho dân chúng yên lòng khi cuộc sống khó khăn, bất công đầy dẫy… vì thực tế không cần tô son hay đánh phấn. Nhà lãnh đạo phải dựa vào dân, “dân vi bản”, vì đó là nguyên nhân và là đối tượng của mọi sinh hoạt chính trị. Có người đưa ra chỉ số tín nhiệm của dân chúng: Khi 40% ủng hộ, 30% tạm chấp nhận, 20% phiếu trắng, 10% phản đối là bình thường, ngược lại đáng lo.
Theo tác giả William Dobson, những bài học từ Tunisia là:
- Cứng rắn nhưng đừng quá tay, nghĩa là nhà độc tài, nếu thông minh, vẫn có thể đàm phán mà không nhất thiết phải từ bỏ quyền lực, nhưng phải nhượng bộ công lý.
- Phải biết lắng nghe phản biện xã hội. Ben Ali xóa bỏ tất cả những phe đối lập và từ chối nhìn nhận những ý kiến khác với quan điểm của mình.
- Phải mở cửa cho báo chí nêu quan điểm của dân chúng vì đó là nơi mà chính quyền hiểu người dân đang bức xúc những gì và là một nguồn thông tin quý giá cho cơ quan công quyền điều chỉnh kế họach và cả cách hành xử với nhân dân.
Tóm lại, con người là yếu tố quan trọng nhất. Ben Ali không thể đổ lỗi cho người Hồi giáo hay chính quyền các nước phương Tây khích động vì điều ấy không có điều kiện tồn tại trong thực tế. Nói theo Tuần Việt Nam thì “Một chế độ không thành công khi giải quyết các vấn đề cơm áo gạo tiền, nạn thất nghiệp, kinh tế, tham nhũng và kết hợp với những cuộc trấn áp đã đủ để bắt đầu một cuộc cách mạng”. Theo những nhà quan sát thì phải giảm thiểu bất mãn xã hội, phải có chính sách hữu hiệu đối trị được 3 vấn đề: tham nhũng, phân biệt giàu nghèo, bất thiện hay đúng hơn là để cái ác lan tràn. Tóm lại, phải xây dựng bằng được cương lĩnh hành động, phục hưng cương thường cho Tổ quốc.
Cương thường ở đây chính là dựa trên dân và hành động vì dân. Một nền chính trị vững mạnh phải lấy con người làm cơ sở cho mọi kiến trúc thượng tầng, sách lược, kế hoạch. Vì nhân dân, không chỉ xây dựng một nền hành chính hiệu quả mà xây dựng cả chế độ thực tiễn trong cả 3 lãnh vực phân công, phân lợi và phân mệnh kết hợp với thể chế dân chủ hóa trong việc đem lại cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng .
Nếu các nhà lãnh đạo làm được như thế, chẳng khác nào Tôn Hành Giả dùng quạt Ba tiêu làm tắt ngọn lửa Trung Đông, thế giới sẽ dịu mát và hồ kia lại êm ả yên bình. Bằng không biển hồ lại dậy sóng, như đang bắt đầu khởi lên từ Algeria, Iran… đến Yemen, Jordan, và thế là nhân loại sẽ lại phải trải qua những ngày rực lửa, máu lại đổ, dân chúng lại bị khốn khổ, chừng nào khát vọng con người chưa được giải quyết và vì những người can đảm cũng như những kẻ độc tài bao giờ và nơi nào cũng có.