Mạch ngầm & ngọn sóng

Giác Ngộ - Tuần qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, sự việc tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam trên biển Đông, thuộc chủ quyền nước ta liên tục bị tàu Trung Quốc quấy rối. Nhiều câu chuyện về những ngư dân bị bắt giữ, đánh đuổi trong khi đang mưu sinh ngay trên lãnh hải của mình được đăng tải trên nhiều tờ báo khiến không ít người bức xúc…

WTS.jpg

Chiến sĩ hải quân Việt Nam
trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Nguyễn Hưng

Lịch sử không như dòng sông

Có người đã ví lịch sử Việt Nam là một dòng thác sôi trào với bao thác ghềnh hùng vĩ, đầy những cam go, thử thách. Có khi chúng ta được sống trong những giai đoạn phát triển êm đềm như một dòng sông nhưng tiếc thay thời gian ấy thường không kéo dài hàng thế kỷ như nhiều dân tộc khác. Chính vì là dòng thác nên chúng ta phải vượt nghìn trùng non cao, rừng thẳm… trước khi tuôn ra biển rộng nơi ngọn cờ hạnh phúc và độc lập luôn vẫy gọi dù trên đường đi bao máu xương đã nằm lại, bao đau khổ phải trải qua nhưng chúng ta vẫn luôn tuôn chảy theo dòng bất tận.

Mạch ngầm vẫn chảy

Đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội học quốc tế khẳng định người Việt Nam luôn lạc quan, vui tính, thân thiện. Nhiều du khách nhận xét họ gặp nhiều nụ cười khi ở Việt Nam hơn nhiều nơi khác. Dân tộc ta vốn hiếu hòa như lời nhận định đó bất chấp bao tai ương địch họa ngoại xâm. Chúng ta luôn khẳng định chủ quyền tối thượng của mình đối với mảnh đất thiêng liêng mà mình sinh ra trên đó.

Tận đáy lòng người dân Việt luôn nồng nàn sâu thẳm tình yêu nước gần như tuyệt đối. Và từ lâu trong lịch sử, vị thế của dân tộc đã được khẳng định:

“…Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Chúng ta luôn mong muốn hòa bình, mong muốn mối tương giao hữu nghị, nhưng lịch sử cũng chứng minh rằng, người Việt sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập tự chủ, bảo vệ quyền sống, quyền mưu sinh chính đáng của đồng bào mình.

Tinh thần Phật giáo

Có nhiều nghiên cứu lịch sử đã cho thấy đạo Phật đã hòa vào dòng sông lịch sử Việt Nam. Chúng ta biết rằng triết lý Phật giáo đã thể hiện rất rõ trong đời sống yêu hòa bình, chuộng tự do, trân trọng cái đẹp, cái thiện.

Từ thời nhà Đinh với Thái sư Khuông Việt đến đời nhà Lê với Thiền sư Pháp Thuận, nhà Lý với Quốc sư Vạn Hạnh rồi đến cả thiền phái Trúc Lâm đời nhà Trần…, đạo Phật không chỉ đồng hành mà còn dấn thân nhập thế, tham dự tích cực vào việc phát triển đất nước theo triết lý từ bi, tinh thần đại hùng đại lực. Mạch ngầm ấy dẫu âm thầm nhưng mãnh liệt dẫn đạo cho dân tộc đi về phia trước, mở lối thênh thang cho chúng ta trên con đường hội nhập, và tự tin đương đầu với những ngọn sóng thời đại.

Thách thức phía trước

Theo Báo cáo Phát triển đại dương Trung Quốc do Cơ quan Giám sát hàng hải vừa công bố tháng 5-2011 thì trong năm 2010, cơ quan này đã điều động hơn 1.000 chuyến bay và 13.300 chuyến tuần tra biển trên biển Đông, nhằm phục vụ cho ý đồ biến biển Đông thành ao nhà của mình. Trung Quốc đã đi từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang đòi hỏi “lợi ích cốt lõi” rồi “quyết đoán nhưng không đối đầu”, hô hào “giải quyết song phương” trong khi cho tàu xuống biển Đông gây sức ép. Dường như biển Đông chưa bao giờ và không khi nào nằm ngoài tính toán chiến lược của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông. Nếu chỉ dựa vào Công ước Luật biển 1982 sẽ khó có thể thuyết phục thế giới tin vào chủ quyền của Trung Quốc trên những lô dầu khí nằm cách xa bờ biển Trung Quốc gấp hơn ba bốn lần so với bờ biển Việt Nam hay Philippines. Liệu có phải vô tình khi các hoạt động của Trung Quốc gần đây đều được tiến hành trên đường ranh giới mập mờ của đường lưỡi bò? Hãy xem lại sự kiện quấy nhiễu tàu và máy bay hoạt động của Philippines tại bãi Cỏ Rong trong tháng 3-5/2011, gần đây là việc cản trở và cắt dây cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 của chúng ta tại vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam và việc Trung Quốc đang đàm phán với Indonesia để phối hợp tuần tra chung ở vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn km, cũng như việc các ngư dân Việt Nam bị đánh đuổi, đe dọa đến tính mạng ngay trên lãnh hải của mình mà báo chí đã phản ánh rất đậm nét trong tuần rồi.

Trong suốt những năm qua, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, tịch thu hàng hóa, phương tiện, thậm chí đánh đập và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng với sự kiện ngày 26-5, Trung Quốc đã leo thang từ bắt giữ tàu thuyền ngư nghiệp của Việt Nam tại các vùng nước xa bờ đến tấn công tàu khảo sát địa chấn trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng: “Trong khi sách lược đe dọa và dằn mặt có thể có được vài tác động, song sẽ là khôn ngoan hơn nếu như Trung Quốc quay trở lại với chính sách cũ nhấn mạnh đến thiện chí và phối hợp phát triển thay cho những cây gậy. Chiến dịch tấn công ngoại giao khả ái hồi thập niên 1980 đã rất hiệu quả. Giở lại những dọa nạt và cưỡng ép có thể hù được vài nước nhỏ ở châu Á chứ không tạo ra được thân hữu và đồng minh, vốn là những gì mà Trung Quốc đang cần” (nguồn: Threats won’t help China make friends, của Frank Ching, New Strait Times, 26-8-2010).

Thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà Chính phủ Trung Quốc đã cùng ký kết và cam kết tại các hội nghị từ trước đến nay, bất chấp văn minh ứng xử của cộng đồng các quốc gia văn hiến, cho thấy một số tín hiệu phát đi của giới làm chính sách Trung Quốc. Tất cả hành vi và thái độ ấy làm chúng ta liên tưởng đến những sách lược của các triều đại phương Bắc đối với nước ta trong quá khứ, những giai đoạn đau thương mà nhân dân ta đã vì không chịu cúi đầu để mất chủ quyền dân tộc, không để mất từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó cũng khiến chúng ta nhớ lại mạch ngầm của tinh thần yêu nước bất diệt làm nên sức mạnh kiên cường khiến dân tộc ta đứng vững đến hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày