Mang thiền đến với tù nhân

GN - Joe Engum, một cư dân thành phố Pendleton (tiểu bang Oregon, Mỹ), bắt đầu thực tập thiền nhiều năm nay vì nỗi đau cá nhân. Và 8 năm qua, ông đã chia sẻ giá trị thực tập này đến với những người đàn ông khác - tù nhân của thành phố - cũng đang trải qua nhiều khủng hoảng như ông.

Học trò của Thiền tập

Tự cho mình là một học trò của thiền Phật giáo, ông Engum, 66 tuổi, đã chuyên cần thực tập cùng với khoảng thời gian dài học võ Karate. Theo ông, đó là những phương pháp hướng đến sự trân trọng người khác và yêu cầu phải thực tập thường xuyên.

Vào năm 1993, ông rơi vào khủng khoảng cá nhân. Những nút thắt khủng hoảng dần được mở ra khi bản thân ông đọc được một quyển sách về thiền Phật giáo. Kể từ đó, ông bén duyên với thiền tập, và đến nay, gần 20 năm gắn với Trung tâm Thiền tại Portland (bang Oregon, Mỹ).

Đến năm 2007, chư Ni tại Trung tâm Thiền đã phân công ông đến hướng dẫn cho các tù nhân thuộc Trung tâm cải huấn Two Rivers tại thành phố Umatilla (bang Oregon).

Khởi đầu, chư Ni một năm chỉ có thể đến hướng dẫn vài lần tại nhà tù này, và nhận thấy rằng, như thế việc thực tập sẽ không được thường xuyên. Vì thế, chư Ni đã đề nghị Engum dành thời gian hướng dẫn thiền hàng tháng tại Two Rivers.

anh bt.jpg


Các phạm nhân được thực tập thiền mỗi tuần một lần

“Khi bắt đầu sứ mệnh này tại nhà tù, tôi cảm nhận rằng nếu chỉ thực hành mỗi tháng 1 lần thì không thể nào đủ. Vì lẽ đó, tôi nâng số lần thực tập lên mỗi tuần 1 lần”, Engum chia sẻ.

Sau một thời gian, Engum bắt đầu đến hướng dẫn thiền cho các tù nhân tại Trung tâm cải huấn Eastern Oregon, TP.Pendleton. Theo đó, việc thực tập tại Two Rivers rơi vào tối thứ Tư, còn tối thứ Năm dành cho nhà tù tại Pendleton.

“Tôi điều phối và định hướng cho các thành viên khóa thực tập những điều cơ bản nhất của thiền”, Engum nói. “Tôi không bao giờ thể hiện là một giảng viên hay thầy giáo mà chỉ cho biết vai trò của mình ở những nơi này là chia sẻ các kinh nghiệm thực tập của chính bản thân đã đạt được”.

Thiền Phật giáo không phải là một niềm tin có hệ thống, ngược lại, việc thực tập yêu cầu mỗi cá nhân phải tự quán chiếu cũng như soi xét lại các chuyển hóa nội tâm của mình. “Nói giống như việc học cách kiểm soát thời gian biểu của chính bản thân mỗi người”, Engum tâm sự.

Một trong những yêu cầu căn bản là ngồi một tư thế mà bạn cảm thấy thoải mất nhất, “cần bằng tư thế của bạn” và sau đó là thả lỏng cơ thể.

Theo Engum, khởi đầu sẽ có một chút khó khăn và buộc người thực tập phải thể hiện sự quyết tâm, cố gắng, nhưng sau đó “mọi thứ trở nên dễ dàng và bạn cứ thế mà thực hành”.

Thiền tập trông có vẻ như một người nào đó ngủ ở tư thế ngồi, nhưng Engum cho rằng mục tiêu lớn nhất vẫn là “nhận thức được các cảm thọ và suy nghĩ đang diễn tiến trong chính con người bạn”, mà không cần phải chặn đứng, phán xét hay đánh giá chúng. Hãy để cho chúng tự biểu hiện.

“Bạn không thể ngửi được thức ăn khi bạn chỉ đọc được thực đơn cho đến khi nào bạn tiếp cận được món ăn đó”, Engum khẳng định.

Và cũng theo Engum, việc thực tập thiền cũng là cách để sống với hiện tại - điều mà nhiều người trong chúng ta dường như quên hẳn khi đối diện với những gì đang diễn ra.

Những chuyển hóa...

Tại Trung tâm Two Rivers, phòng dành cho thiền tập có sức chứa khoảng 20 hành giả. Vì lẽ đó, nhiều tù nhân khi đăng ký phải chia thành các ca thực tập khác nhau. Trong khi đó, tại Trung tâm Eastern Oregon, số lượng hành giả nhiều hơn và được chia thành 8 nhóm.

Thông thường, các tù nhân phải tự sắp tọa cụ và ngồi thành vòng tròn khi đến giờ thiền tập. Ngay sau đó, Engum đánh chuông và bắt đầu các hướng dẫn của mình. Khoảng thời gian dành cho thiền tập là 70 phút, gồm: 30 phút thiền tọa, 10 phút thiền hành và 30 phút cuối tiếp tục thiền tọa.

Ngoài ra, các nhóm cũng dành một thời gian nhất định để thảo luận và trao đổi với nhau về các hướng dẫn trong quyển sách Con đường giải thoát được viết bởi Adyashanti.

Tim Clements, 60 tuổi, đã trải qua 6 năm chấp hành án tù tại Two Rivers, là một trong những thành viên nòng cốt của nhóm thiền tập. Ông cho biết, ông bị kiệt quệ về sức khỏe sau những biến cố của cuộc đời và cần ứng dụng thiền để có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra.

“Sự kiệt quệ này chủ yếu ở phương diện thể chất”, Tim Clements cho biết. Tuy nhiên, cũng từ hiện trạng đó, ông cho biết, có những lúc rất chán nản, dẫn đến trầm cảm.

Thiền tập đã cung cấp cho Clements những phương thức để nhìn lại và đưa ra các chỉ dẫn đi đến con đường xa rời những ngày đen tối nhất. Hiện tại, Clements đã kiểm soát được những gì đang diễn ra, sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể nhờ thiền tập mà không cần dùng đến thuốc.

Chính những phút giây thực tập đã làm cho tâm lý Clements được thư thái hơn, tránh xa các suy nghĩ tiêu cực có thể xuất hiện trong suốt thời gian trong tù.

Trong khi đó, Scott Strickland, 61 tuổi, cũng là một tù nhân ở Two Rivers nhiều năm, trạng thái giận dữ, bực tức đã đưa ông đến những chọn lựa tiêu cực. Cũng như Clements, thiền tập giúp ông giảm hẳn căng thẳng, và nhận thức được hướng đi cho mỗi hành động cá nhân, chấp hành các quy định của Trung tâm cải huấn để đến một ngày nào đó được tự do trở lại.

“Việc ra khỏi đây không phải là điều quá quan trọng, mà quan trọng nhất là tôi đã nhận thức được giá trị của cuộc sống mà mình đang có”, Strickland nhấn mạnh.

Gia Trúc (theo The Washington Times)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày