Mặt trời của con

0:00 / 0:00
0:00
GN - Với người làm mẹ đơn thân, nuôi một đứa con bình thường đã khó, nuôi con bị tự kỷ, não yếu và chậm phát triển thì càng khó hơn gấp trăm nghìn lần.

Ở tuổi lên 2, bé Minh Tâm không biết chỉ, không ngồi yên, cứ đâm đầu chạy thẳng. Khi đưa con đi bệnh viện kiểm tra, chị Phúc Ngọc mới biết con mình bị tự kỷ, chậm phát triển. Một năm sau đó, mái ấm đổ vỡ, đó cũng là lúc chị bước vào chặng hành trình làm mẹ đơn thân ở tuổi 41.

Để giúp con phát triển, chị lên mạng tìm kiếm tất cả từ khóa liên quan đến trẻ tự kỷ, có bao nhiêu tài liệu chị cũng cố gắng áp dụng cho con. Nhưng dạy dỗ và nuôi nấng một đứa trẻ tự kỷ chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Vì không có phương pháp nên dù chị Ngọc có cố gắng, bé Minh Tâm con chị vẫn không có sự phát triển, thay đổi hành vi.

Khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi của hai mẹ con chị Phúc Ngọc - Ảnh: Khánh Vi

Khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi của hai mẹ con chị Phúc Ngọc - Ảnh: Khánh Vi

Đổi vết thương lấy nghị lực kiên cường

Năm 2018, rời quê Bến Tre với số tiền ít ỏi mà nhà ngoại tiếp sức, chị Phúc Ngọc lên TP.HCM thuê trọ, xin làm kế toán và cho con đi học để con có cơ hội tiến triển. Chị thuê một căn phòng trọ giá rẻ, ở tận lầu 6. Mỗi khi đi bộ lên xuống cầu thang, hai mẹ con phải đứng lại vài phút để nghỉ mệt. Tiền lương mỗi tháng nhiều nhất là 7 triệu nên phải thật gói ghém, chị Ngọc mới đủ chi tiền học, tiền trọ và ăn uống cho con. Đôi dép mới, cái áo hay món đồ chơi, quyển vở cho con, tất cả đều là tiền chị nhịn ăn mà có. Cơ thể chị cũng vì vậy mà bệnh nhiều, lắm lúc suy nhược, phải nhập viện. Hỏi ra mới biết, từ ngày ly dị, ba của Minh Tâm không gọi điện, không trợ cấp, tất cả mọi chi tiêu đều một tay chị xoay xở.

Giữa nhịp sống vội vã của thành phố, tất cả thời gian của chị Ngọc đều đặt hết vào hành trình tìm tương lai cho con. Sáng vừa đưa con đến Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập quận Tân Bình học xong, chị liền vội vã chạy đi làm. Đến chiều, chị lại tất tả chạy đi rước con, cho con ăn uống xong chở con đến Trung tâm Dạy trẻ tự kỷ Thành Đạt (quận Tân Phú) để con học. Bên ngoài lớp học, cứ mỗi phút trôi qua là niềm tin của người mẹ lại được nhân lên. Hy vọng con mình tiến bộ là động lực duy nhất giúp người mẹ này xua đi bao mệt mỏi của một ngày vật lộn với cuộc sống.

Trong cuộc đời, mỗi người mẹ dù giàu hay nghèo, đều đau khổ khi con mình bệnh đau. Chị Ngọc cũng giống bao bà mẹ khác, trái tim nhiều lần thắt lại khi thấy con của mình không khỏe mạnh. Con có một vài tiếng ho, nóng sốt là chị mất ngủ, có lúc thức cả đêm để chăm, vì không biết con động kinh lúc nào. Chị nói “Cực mà con tiến triển thì cực mấy cũng chịu”. Đối với chị Ngọc, “bế tắc nhất là lúc bản thân bị bệnh, bác sĩ bắt phải nhập viện, muốn trốn viện để kịp giờ đến trường rước con nhưng đi không nổi. Không nhờ được cô giáo chăm hộ, mình lo, mình sợ và khóc trong bất lực”. Khoảnh khắc đó, với chị Ngọc, chính là lúc nỗi đau nhân đôi, vừa bệnh thể xác, vừa đau thấu tim gan.

Độc thoại, đốt đuốc cho mình

Chịu quá nhiều tổn thương nên chị Phúc Ngọc dần sống khép mình. Nỗi niềm riêng, chị chỉ biết chia sẻ với những phụ huynh đồng cảnh ngộ để tìm sự vỗ về, an ủi. Nhiều lúc vì quá mệt, chị Ngọc từng thoáng qua trong đầu ý định kết thúc cuộc đời. Nhưng khi ngồi yên độc thoại, tự vấn rằng: Nếu mình dừng lại thì bé Minh Tâm sẽ sống tiếp như thế nào? Vậy là chị bừng tỉnh. Nhớ lại khoảnh khắc đó, chị Phúc Ngọc trải lòng: “Sống còn khó hơn chết. Nhưng tự nói với lòng, mình còn trách nhiệm cao cả, phải vừa là cha, vừa là mẹ để lo cho con, lấy sức mà vực dậy, lấy sức mà nắm tay con nhìn thấy mặt trời ngày mới”. Chị Ngọc nói, nước mắt cứ thế tuôn xuống. Nỗi đau không thể nào nhấn chìm tình thương dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Sau bốn năm được mẹ từng ngày chạy chữa, bé Minh Tâm giờ đã 7 tuổi, vẫn ngây ngô, chưa nhận biết được nhiều. Nhiều lúc con khóc to lên mà chị không biết vì điều gì; tiếng khóc như xé lòng người mẹ. Cũng có lúc trong không gian vắng lặng, con phá lên cười, kêu to hai tiếng “mẹ ơi” trong vô thức. Tiếng con gọi đủ để phủ lấp mọi nỗi đau trong trái tim người mẹ. Đây cũng là lần hiếm hoi trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi thấy chị cười: “Cái cảm xúc đó hạnh phúc, không diễn tả được thành lời”.

Tiếp xúc với chị, chúng tôi biết những gì tốt cho con, chị đều làm và không bao giờ bỏ cuộc. Cách chị thương con, đồng hành với con, đặc biệt hoàn cảnh khó khăn của chị đã chạm vào trái tim của các cô giáo.

Chị tự tạo động lực cho mình, cũng chọn hình ảnh bông hoa hướng dương đặt avatar Zalo để nhắc nhở bản thân luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Trong hoàn cảnh khó khăn của bản thân, chị Ngọc vẫn lạc quan như thông điệp mà bản thân chị luôn mang bên mình: “Vì mẹ là mặt trời, mùa xuân của con. Phải làm hết sức mình, để cuối cùng không có gì phải ân hận hay tiếc nuối”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày