Màu áo nâu sồng

GN - LTS: Trái tim nhà văn Võ Hồng đã ngừng đập lúc14 giờ ngày 31-3-2013, sau ngày vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm một ngày (20-2 năm Quý Tỵ) tại nhà riêng ở đường Hồng Bàng, TP.Nha Trang (Khánh Hòa), thọ 92 tuổi. Lễ khâm liệm lúc 8g ngày 1-4, di quan lúc 15g ngày 4-4 (24-2 âm lịch), an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Nhà văn Võ Hồng (ảnh) sinh năm 1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhưng cuộc đời phần lớn lại gắn bó với xứ Trầm hương - Khánh Hòa.  Ông dấn thân vào ngành giáo dục, từng làm hiệu trưởng trường trung học Lượng Văn Chánh (Phú Yên), dạy học ở trường Lê Quý Đôn và trường Bồ Đề ở Nha Trang.

thay Hong1.jpg

Nhà văn Võ Hồng sớm cầm bút, truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, năm 1939. Nhưng mãi đến năm 1959 ông mới thật thụ gia nhập làng văn với tác phẩm đầu tay Hoài cố nhân.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Võ Hồng đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, cùng hơn 40 bài viết, khảo cứu, phê bình. Văn nghiệp của ông sống qua mọi thời đại vì nó luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc, giàu chất nhân văn, trong đó có nhiều tác phẩm về đề tài Phật giáo, như: Hoa khế lưng đồi, Tiếng chuông triêu mộ, Mái chùa xưa…

Tưởng niệm nhà văn Võ Hồng, Giác Ngộ xin giới thiệu một tác phẩm ngắn của ông - ngắn, nhưng ghi lại một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhà văn, với kỷ niệm về chư vị Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Trí Nghiêm, Thích Chí Tín...

G.N

-----------------------------

Ông bạn rót thêm tách trà đẩy về phía tôi:

- Mời thêm tách nữa, trà này coi vậy mà uống được.

Im lặng, chợt ông ngước mặt nhìn tôi:

- À! Chợt nhớ ra. Hôm Phật đản cách nay mười năm, tôi lên chùa Long Sơn dự lễ. Lễ đường chật ních người. Các giáo phẩm, các đạo hữu, các khuôn hội, các thầy trò Trường Bồ Đề, chuông trống vang rền, ai nấy quỳ xuống. Mà sao tôi thấy ông lẻ loi đứng chắp hai tay mắt hướng nhìn tượng Phật?

Câu hỏi gợi lên bất ngờ, một niềm xúc động trào dâng, tôi nghẹn ngào không biết trả lời thế nào. Trí nhớ vun vút chạy lui về quá khứ.

… Năm 1954, Hiệp định Genève, tôi đưa vợ con từ vùng kháng chiến Phú Yên về Đà Lạt quê vợ. Năm 1956, vợ tôi yếu tim, xuống Sài Gòn chữa bệnh. Bác sĩ Massias khuyên đổi khí hậu, chọn một miền có gió biển hiền hòa như Nha Trang. Đang lúng túng thì có tin Thượng tọa Trí Nghiêm, Tổng Giám thị Trường Trung học Bồ Đề Nha Trang nhắn ra gấp vì trường sắp xếp cho năm học mới.

Tôi chưa quen Thượng tọa (TT), chưa diện kiến một lần nào. Có lẽ TT biết tôi vì hồi đó TT trụ trì ở một chùa gần làng tôi. Nhằm thời chiến tranh, cuộc sống đơn giản nghèo khó, lại nhằm tỉnh Phú Yên nhỏ hẹp, hiền hòa nên chắc là tôi được TT lưu ý dành cho cảm tình. Nhưng khi niên khóa mới bắt đầu thì TT được Giáo hội điều ra Tỉnh hội Thừa Thiên. Ông Lê Bá Chẩn, Phó Tỉnh trưởng Khánh Hòa thay ông làm Tổng Giám thị trường.

Dạy được một năm thì vợ tôi trở bệnh, từ trần. Bác sĩ De Moisnat, Giám đốc phòng khám bệnh dành riêng cho Pháp kiều ở Nha Trang buồn rầu bảo tôi trong lần khám bệnh chót: “Dẫu ở Paris hay Washington thì cũng đành chịu thua”… Tôi một mình dạy học nuôi con. Cần mẫn và khiêm tốn. Thời kháng chiến tôi làm Hiệu trưởng một trường trung học khá lớn, nhưng ở đây tôi chỉ dạy lớp 6, lớp 7. Học sinh một số lớn là con em miệt nhà quê Diên Khánh xuống học nên tính tình dễ thương. Có một số chú điệu cạo trọc đầu còn chừa một miếng tóc giống hình miếng tranh lợp nhà. Y như hồi nhỏ ở nhà quê, lũ con trai chúng tôi đều được trang điểm kiểu đó.

… Tháng năm nhẫn nại trôi. Cứ mỗi đầu năm học, tôi hồi hộp không biết năm nay nhà trường có phân phối số giờ dạy đủ cho tôi nuôi con tôi hay không. Ban quản trị nhà trường là một tập thể đông người. Thật khó mà giữ nguyên số giờ được phân phối, vì số giờ có thể thay tôi rất đông. Con, cháu, dâu, rể… của những vị có chức sắc ở Ban quản trị, ở các khuôn nội… mấy chục thầy cô giáo có tiếng ở hai trường công lập Võ Tánh và Huyền Trân. Tôi ở thế yếu rõ ràng. Đã vậy gia đình vợ tôi lại là Công giáo ở Đà Lạt mà nhiều người biết. Chưa hết. Khi vợ tôi mất, thằng con trai lên 9 tuổi tôi cho học ở Trường Giu-sê Nghĩa Thục. Y như một thách thức! Trong khi thực tế chỉ đáng thương.

Chẳng là mẹ nó bị bệnh, nó lúc thúc chơi cạnh mẹ. Học hết lớp Một đâu ba tháng. Học lớp Hai chừng bốn tháng. Đến khi mẹ chết, nhìn số tuổi phải học lớp Ba. Chỉ có Trường Giu-sê Nghĩa Thục là ở gần nhà, chớ học trường khác, ai đưa đón? Nhà trường có lệ phải thi nhập học. Đề luận văn, ra:

“Tả cảnh ngày Tết nơi nhà trò bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây:

Ngày Tết nhà trò có tổ chức gì để tưởng nhớ tổ tiên ông bà?

Trong bữa cỗ ngày Tết, trò thấy có gì?...”

Hồi giờ đã có học làm luận văn, toán gì đâu, nên hôm sau người thầy giáo phụ trách lớp (nguyên là học trò cũ của tôi thời chiến tranh) ghé lại tôi:

- Thầy ơi, chớ thằng Hào nó làm luận cái kiểu gì như vầy, thầy?

- Nó làm sao?

- Nó ghi: Bài làm

Câu số 1: Cúng.

Câu số 2: Xào, gỏi dưa leo, thịt lụi, canh.

Tôi bật cười, nói nhỏ:

- Thôi, em liệu bào chế sao cho nó đậu cái đã. Rồi “qua” lo dạy nó sau.

Những cảnh khổ, tôi nhẫn nại chịu đựng trong im lặng. Không ngờ có người biết, trong đó có Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng đang là Giám đốc Phật học viện và tôi chưa có dịp gặp. Vậy mà một hôm có người mách nhỏ với tôi:

- Những khó khăn của anh, Hòa thượng Trí Thủ biết hết. Chuyện vợ anh là Công giáo, chuyện con anh học trường Công giáo, chuyện có một số Phật tử muốn chiếm chỗ dạy của anh. Nên Hòa thượng có dặn Thượng tọa Đỗng Minh hãy lưu ý coi Trường Bồ Đề có chia giờ dạy đủ cho anh nuôi con hay không. Tôi nghe mà xúc động rưng rưng.

Bên cạnh Hòa thượng Trí Thủ, Trí Nghiêm, tôi còn được quen với Hòa thượng Chí Tín trụ trì chùa Long Sơn nằm sát cạnh Trường Bồ Đề. Đứng bên gốc cây sứ hoa vàng nhìn xuống sân trường, nhìn đám học sinh ngây thơ nhảy giỡn, hay nhìn đoàn nữ sinh cầm tay nhau chầm chậm bước trên lối đi, nhìn các thầy cô giáo nghiêm trang nề nếp… tôi nghĩ rằng thầy trò chúng tôi đã ghi những nét dễ thương nơi tâm hồn Hòa thượng. Rồi còn Thích Phước Sơn, Thích Minh Tuệ… Hiệu trưởng của trường; rồi Thích… Thích… nhiều lắm, kể sao cho đủ, kể sao cho hết. Và vậy là bao nhiêu khổ đau của cuộc đời tôi như được xoa dịu, tâm hồn tôi như được an ủi…

… Tôi chợt giật mình nhìn sang ông bạn, nhớ là mình đã lơ đãng quên trả lời câu hỏi của ông. Tôi nhẹ mỉm cười - dấu hiệu nhận lỗi - và chầm chậm nói - cũng dấu hiệu nhận lỗi:

- Tôi quỳ lạy khi cầu xin ơn phước. Chẳng hạn xin cho một người bị bệnh, một người thân bị nạn, một người lương thiện bị tai họa. Quỳ lạy một mình. Tôi chắp tay hướng mắt nhìn tượng Phật để tập trung suy nghĩ về chân lý giải thoát và biểu tỏ lòng sùng kính. Ở vào vị thế của tôi và trường hợp hôm nay… à thôi, ông bạn nghĩ một chút, ắt hiểu. 

(Theo www.vohong.de)

Nơi ông, có lẽ có một tình yêu đã trở thành vĩnh cửu, đã muôn đời câm lặng được chôn kín dưới lòng đất. Nó thấm vào các truyện ngắn của ông, làm chất liệu, hoặc khi ngấm ngầm hoặc khi lộ liễu, dưới dáng dấp mệt mỏi, nhiều tư lự, nhiều phán xét.

Tuệ Sỹ (trích từ Chiến tranh, tình yêu,
hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng)

... Đọc anh, tôi mới sực nhớ rằng mỗi người đều mang nặng một bi kịch đau thương của đời và trong những gì tầm thường nhất cũng đều chứa đựng một cái gì cao quý thiêng liêng nhất, một cái gì mà thiếu nó thì cuộc đời này không đáng sống nữa.

… Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn Philo nữa, bởi nó là sagesse của quả tim.

Phạm Công Thiện
(trích từ Về nguồn - 1963)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng Lào khất thực theo truyền thống ở Luang Prabang

Tam tịnh nhục

GNO - Ngày nay khi nói đến ăn chay, đa phần người Phật tử Việt theo truyền thống Phật giáo Bắc tông thường nghĩ rằng ăn chay là thọ dụng những thực phẩm thuần thực vật, không ăn thịt cá và các gia vị cay nồng như hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu. Tuy nhiên, vào thời Thế Tôn quan niệm chay tịnh chỉ mang ý nghĩa...
Giác linh đài cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà

Đà Nẵng: Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn

GNO - Sáng nay 30-4 (22-3-Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, trụ trì chùa Thanh Hà và chùa Pháp Lâm.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kiềm chế các căn

GNO - Kiềm chế các căn có nghĩa là đảm bảo rằng chúng hòa hợp với các đối tượng của chúng.

Thông tin hàng ngày