Mây lam trên đỉnh Tùng Sơn

GN - Chập chùng cái vòng cung núi đồi thuộc hệ thống chân núi của dãy Trường Sơn, quãng từ bờ Bắc sông Thu Bồn kéo dài đến bờ Nam sông Vu Gia, lần lượt là những cụm núi: An Bằng, Thọ Lâm và Hữu Niên.

may lam2.jpg
Ảnh minh họa


Nếu như ở phía Nam núi An Bằng và một phần Thọ Lâm là những cánh rừng dầu rái ngút ngàn, từ bao đời nay nguồn tài nguyên phong phú này đã là một phần cuộc sống của các làng quê sinh sống dưới chân núi, thì núi Hữu Niên ở phía Bắc từng là một thắng cảnh bát ngát những cánh rừng thông, mà dải Tùng Sơn - Bằng Am là đỉnh non cao lấp lánh bao huyền thoại vang bóng mãi cho đến tận bây giờ.

Nằm ở vị trí cách Đà Nẵng độ già bốn mươi cây số, theo hướng Tây-nam đường 14B, nhưng có lẽ, núi Tùng Sơn còn là đỉnh non cao ẩn trong mây lam bay qua ngày ngày bao niềm miên mật. Mùa xuân, nếu có dịp hành hương lên Tùng Sơn, bạn không nên theo lối con đường dốc ngược mới mở của một dự án du lịch dở dang nào đó, mà nên theo lối từ truông Chẹt qua Cấm Mùn. Từ đây có thể ngao du trên những vùng núi đồi đầy ắp hoa hoang cỏ dại: Bằng Mua, Bằng Chổi, Bằng Trang, Bằng Sim…

Hóa ra cỏ cây hoang dại thế kia nhưng cũng biết quần tụ tổ chức đời sống bầy đàn theo từng vùng như xác lập địa giới của mỗi giống loài. Nơi này triền đồi thoai thoải mọc toàn cây mua thì gọi là Bằng Mua, mái núi bằng phẳng nghiêng nghiêng kia mọc toàn cây chổi thì gọi là Bằng Chổi, nơi những gò núi úp vào nhau thành một trảng núi rộng đầy những cây sim thì gọi là Bằng Sim, cứ thế tiếp theo là những Bằng Trang (hoa trang), Bằng Hòe (hoa hòe).

Trong nhiều cái bằng đường lên non cao ấy, có một cái bằng không mang tên họ cây lá, mà là tên cái am của một vị thiền sư đã tu trên đỉnh núi này từ trăm năm trước, nên gọi là Bằng Am. Và vì cả một mặt bằng rộng lớn trên đỉnh núi thuở xưa chỉ toàn là cây thông (tùng), nên dân ở quanh vùng tôn xưng vị thiền sư cùng danh hiệu với núi là thầy Tùng Sơn. Trải qua hơn thế kỷ, qua bao cuộc chiến tranh với Pháp rồi đến Mỹ, cho đến suốt những năm tháng hòa bình, cả một rừng thông xanh ngút ngàn đã bị bom đạn tàn phá trống trơn, chỉ còn lại lau lách hoang vu và cỏ dại. Cố nhiên cái thảo am của thầy Tùng Sơn năm xưa cũng không thể tồn tại.

Nguyên một mặt bằng bình sơn trên cao rộng đến gần trăm hec-ta, cây rừng vẫn chưa thể lên xanh, nghĩa là núi ấy vẫn gần như trống huơ một đỉnh núi cọc còi, lác đác dăm ba vạt săng lẻ và lau lách.

Thế nhưng thật lạ lùng, một ngọn núi trống trơn thông thốc gió như thế lại vẫn tiềm ẩn một hấp lực kỳ lạ, dường như gió núi ấy là thứ gió biết réo gọi người hành hương tìm tới. Lại còn cả những người đốt lửa trại qua đêm, cơ hồ đêm thanh vắng trên non cao Bằng Am người ta có cảm giác nghe thấy được bước chân xưa trở về. Mà đường lên núi cao gần cả nghìn thước, phải vượt qua bao suối khe, đèo dốc chứ nào có dễ gì. Thì ra cái tầng vỉa văn hóa tâm linh tự bao giờ đã trở thành một thứ tha lực có khả năng khai mở trí tưởng con người, bởi không như thế thì cái ngọn núi còi cọc đầy nắng gió kia lấy gì níu người đi, đón kẻ về.

Vâng, những câu chuyện tương truyền hư thực về thầy Tùng Sơn thuở xưa tu trên núi cao Bằng Am, tức núi Tùng Sơn, ngày ngày xuống núi phát thuốc cứu chữa nhân dân trong vùng bị bệnh tật. Cho đến một hôm, tiên cảm sức mình đã già yếu, thầy Tùng Sơn gọi các sơn môn lại dặn dò: Khi ta qua đời, các con hãy đem nhục thân thầy vào đặt trong hang đá sau thảo am rồi đóng cửa hang lại. Đúng theo lời ngài dặn, một đêm thầy viên tịch, các đệ tử đã đưa nhục thân thầy mình vào đặt trong hang đá, dự định sáng ra sẽ khép cửa hang. Sáng hôm sau các đệ tử vào hang xem, kỳ diệu thay, đã thấy mối đùn lên thành ngôi mộ lớn cho thầy. Núi Tùng Sơn vang danh địa linh từ đấy.

Trong bài ký “Đài Sơn tăng truyện” (Truyện vị Tăng trên núi Đài Sơn) của cụ cử Lương Thúc Kỳ (đỗ cử nhân khoa Canh Tý - 1900), quê ở làng Hà Tân huyện Đại Lộc, người mà thuở xưa lúc còn sinh thời thường giao du kết bạn với ngài Tùng Sơn. Đại ý bài ký viết: “Mùa hạ năm Giáp Ngọ (triều Thành Thái), có một ông già dung mạo siêu phàm, từ phương xa đến làng Hà Tân thì dừng bước. Thấy dân trong làng ốm đau bệnh tật quá nhiều, ông già cất công vào rừng tìm các loài cây thuốc hái đem về làng chữa trị bệnh cho dân. Ở lại trong làng một thời gian, ông đã tìm đường lên núi Đài Sơn (tức Tùng Sơn) lập am tu luyện.

Đài Sơn là một khu rừng thông rợp bóng che, có hang đá sâu và khe suối mát, hoa cỏ ngát mùi hương. Người dân ở các làng quanh chân núi hay lên Đài Sơn xin thuốc, họ thường thấy ngài ngồi tọa thiền…”.

Theo tác giả bài ký, cũng như qua truyền khẩu dân gian ở miền Tây Đại Lộc, thì ngài Tùng Sơn là nhân vật có thật. Ông tên là Bùi Ngọc Châu, sinh năm Kỷ Mão dưới triều Gia Long, quê ở làng Bát Vọng - Thừa Thiên. Thời dưới triều vua Tự Đức, ông làm quan phủ Nội vụ thuộc Bộ Công, được nhà vua cử theo phái bộ Nguyễn Thành Ý sang Pháp để nghiên cứu tìm hiểu về động cơ máy móc. Cũng vì lý do này, về sau dân gian còn gọi ông bằng cái tên thân mật là thầy “Sáu máy”.

Về nước, ông tâu lên nhà vua kế sách canh tân đất nước, nhưng vua và quan lại triều đình đã bác bỏ. Hoài bão không thành, lại chứng kiến dân tộc trong cảnh tối tăm trước họa xâm lăng của giặc Pháp, ông giũ áo từ quan, bắt đầu cuộc đời phiêu bạt, làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân khắp mọi nơi. Khi đến vùng núi non Tùng Sơn, ông quyết lên núi lập am tu hành, lấy đạo hiệu là Thiền Định. Kể từ đấy cho đến ngày ngài viên tịch, và cho đến mãi bây giờ, thầy Tùng Sơn trở thành nhân vật huyền thoại, đắp cho ngọn Bằng Am ngày mỗi cao lên lung linh trong tâm tưởng mọi người.

Tôi và những người bạn của mình cũng đã một đôi lần tắm táp nắng gió trên đỉnh Tùng Sơn. Thường là đi theo con đường như đã nói, vượt qua các Bằng Mua, Bằng Sim, Bằng Chổi…, và cuối cùng mới đến Tùng Sơn - Bằng Am. Những người thợ sơn tràng tự thời nào đã cắt cớ đặt tên cho cái dốc dựng đứng trèo lên cổng trời tức đến nghẹt thở là cái dốc…Dạo! Ừ, thì đâu phải nhàn tản trên những con đường công viên rợp bóng mát mới là đi dạo, đi rong chơi phiêu bồng.

Người ta còn dạo trong mùa màng thời gian, dạo trong hồi quang văn hóa, lịch sử. Bằng cách cảm như thế mới “chân cứng đá mềm” để lên cho được núi non Tùng Sơn - Bằng Am hoang sơ và tịch liêu mà khám phá bao điều bí mật. Hình như trước và sau tôi, cũng đã từng có các Tăng Ni cùng với đệ tử của mình đã lên đỉnh non thiêng này thực tập thiền hành. Thế giới có là tha thể hay không, hãy lên tận non cao này để thấu đạt ý nghĩa miên mật ấy.

Với tôi, một sắc mây lam Tùng Sơn đã là tiếng hát rồi: Chàng lên đỉnh núi, vun mai giữa trời/ Mùa đông rồi tới, hoa bay trước đời. Đấy là lời ca “Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng” tôi đã hát trên non cao này như ký gửi vào vô tận một giấc mơ xanh trên đỉnh núi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày