Mẹ kể con nghe chuyện chùa Việt

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1176 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1176 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những câu từ giản dị, trong trẻo qua bộ sách Mẹ kể con nghe chuyện chùa Việt của tác giả Trăng Yên Tử - Sư cô Thích nữ Mai An đã đưa các em nhỏ vào miền yêu thương đầy ắp niềm vui.

Những ký ức đẹp qua trang sách

Bộ sách Mẹ kể con nghe chuyện chùa Việt gồm 10 tập là những câu chuyện bắt đầu với những thắc mắc của cô bé Nồ 7 tuổi khi đến chùa. Những câu hỏi của Nồ giúp người đọc khám phá bao điều thú vị và mới lạ mà mình chưa biết về chuyện chùa, chuyện đạo Phật ở Việt Nam.

Cuốn sách với những trang vẽ minh họa, những câu chuyện kể cung cấp một lượng kiến thức về chùa Việt, như: đến chùa nên mặc gì, ý nghĩa trang phục của người tu; lễ Phật như thế nào; tại sao ăn chay, Đức Phật là ai; các bức tượng trong chùa là ai; tại sao lại có lễ giải oan, loài vật có tình thương không... Nhưng cũng sẽ có những thông tin người đọc phải tự mình đi vào tìm hiểu thêm về Phật pháp.

Sư cô Thích nữ Mai An cho biết bộ truyện sẽ làm cho người đọc cảm thấy hơi khó một chút, có những chỗ cảm thấy hơi rộng một chút, thậm chí đối tượng hướng đến cũng khá rộng như hướng dẫn viên du lịch, những người làm nghiên cứu và những chú tiểu mới vào chùa… Nhưng cốt lõi bộ chuyện là đạo đức Phật giáo, những nền tảng giới luật, bên cạnh kiến thức về văn hóa.

Theo cách tự nhiên, những hạt giống thiện được gieo vào nơi mỗi đứa trẻ nơi sân chùa chiều Chủ nhật, khi cuốn sách được sử dụng làm phương tiện giảng dạy giáo lý cho các em đoàn sinh Gia đình Phật tử. Ở đó, với những lời dịu dàng và êm mát, các em chăm chú lắng nghe và hòa vào câu chuyện kể qua bộ sách một cách thích thú và tò mò.

“Những câu chữ trong sáng, dễ thương, vừa kể chuyện cho các em nghe, các em lại được nhìn hình minh họa, rồi còn thực hành. Không chỉ các em thích, mà bản thân mình cũng rất thích, vì được nuôi dưỡng”, chị Diệu Thuận bày tỏ niềm thích thú sau khi kể chuyện cho các em tại một buổi sinh hoạt của Gia đình Phật tử.

Các em "Sen non" chăm chú hòa vào câu chuyện chị Diệu Thuận kể qua bộ sách Mẹ kể con nghe chuyện chùa Việt

Các em "Sen non" chăm chú hòa vào câu chuyện chị Diệu Thuận kể qua bộ sách Mẹ kể con nghe chuyện chùa Việt

Sư cô Thích nữ Mai An chia sẻ, bộ sách sau khi phát hành đã nhận nhiều phản hồi từ quý bạn đọc. Có những người bạn quen khi được Sư cô gửi tặng đọc xong bộ sách thì mùa Vu lan vừa rồi gia đình dẫn nhau đến chùa dự lễ. Đặc biệt là chị biên tập viên phụ trách bộ sách của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong một buổi chia sẻ cũng đã bày tỏ bản thân có những chuyển biến trong đời sống, như trước đây quần áo mua hơi nhiều thì bây giờ không cần sắm quá nhiều, hoặc trước đây nấu ăn thừa mứa thì bây giờ nấu vừa đủ… “Mỗi người có những chuyển biến trong đời sống, đó là niềm vui của người làm sách, niềm vui cho mình”.

“Nếu con người ngay từ bé đã nuôi dưỡng lòng từ, thương xót muôn loài, nuôi dưỡng tâm bất hại, nghĩa là không muốn gây tổn thương đau đớn cho ai kể cả các con vật bé nhỏ như con sâu cái kiến; người ấy lớn lên chắc chắn sẽ không nỡ giết người, xâm lăng, cướp nước, bạo hành… Thế giới biết yêu thương tôn trọng sự sống muôn loài, cũng là thế giới hòa bình không tàn sát lẫn nhau”, Sư cô Mai An bộc bạch.

Vun đắp kỹ năng sống cho em

Là một người được tiếp xúc với sách từ nhỏ, thừa hưởng gen của ba mình là nhà văn Võ Hoàng Minh (chuyên viết truyện tranh cho Khăn Quàng Đỏ, Rùa Vàng, Nhi Đồng…) làm sách cho thiếu nhi, Sư cô Thích nữ Mai An cũng đã ấp ủ từ lâu ý tưởng làm sách Phật pháp cho thiếu nhi.

Theo Sư cô, hiện nay Phật pháp đáp ứng cho thanh thiếu trung niên tương đối đủ, nhưng riêng với các em thiếu nhi thì rất ít, trong khi đó trẻ em tiếp cận môi trường nguy hiểm nhiều hơn người lớn, người lớn lại bận rộn với việc mưu sinh, ít dành thời gian chăm lo cho các em. Do đó, nếu không cho các em tiếp cận những gì trong sáng, thì sẽ bị nuốt chửng bởi những nền văn hóa khác qua phim ảnh, game...

Ngoài ra, khi ở chùa, trong các sinh hoạt tiếp xúc với các em, Sư cô thấy chỉ cần các em hiểu và có khả năng hiểu được, các em sẽ tự biết điều đó không có lợi cho bản thân và tự mình sẽ tự ngăn ngừa, phòng hộ.

“Do đó chỉ có cách tạo cho các em có một sức mạnh nội tâm để các em tự đề kháng. Nên theo quan niệm của tôi, các em tiếp xúc với Phật pháp càng sớm thì càng tốt. Ở độ tuổi nào Phật pháp với tới được thì phải với tới”, Sư cô Mai An bày tỏ.

Từ những trăn trở đó, Sư cô cho biết đang làm một bộ truyện tranh thứ 2 với tên gọi Thay đổi số phận. Đây là bộ truyện sẽ đi theo vùng miền, theo lịch sử từ thời Hùng Vương cho tới nay, qua những danh lam thắng cảnh, mỗi danh lam thắng cảnh sẽ gắn với lịch sử và nhân vật Phật giáo trong từng thời kỳ và lồng ghép bài học Phật giáo.

Sư cô Thích nữ Mai An cho biết sở dĩ cô quyết định tiếp tục làm sách vì thấy bây giờ nhân duyên thuận lợi, bản thân Sư cô có một lượng kiến thức làm du lịch từ hồi chưa xuất gia, có kinh nghiệm ở bộ sách đầu tiên, và là người tu. Với mong ước có những bộ sách phải đẹp, vào thị trường nằm trên giá sách, đến với mọi người, với số đông.

“Dù tôi biết bây giờ làm sách cho thiếu nhi khó, nhưng phải chấp nhận, vẫn làm và tôi biết sức mình bé nhỏ, nhưng vì nó giống như con đường, nếu rừng rậm gai góc không có những người đi đầu tiên thì sẽ không thành đường”, Sư cô Mai An chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?

Thông tin hàng ngày