Mẹ & tháng Bảy

GN - Mẹ tôi chắc là điển hình mẫu mực nhất của những bà mẹ nhà quê. Một đời làm lụng, chắt chiu.

Mẹ làm nông nhưng không có ngày nghỉ. Hết ra đồng lại qua sông, vào rừng, nếu phải ở nhà, đằng nào mẹ cũng kiếm chuyện để làm. Mẹ nói ở không, tay chân bứt rứt không chịu được. Năm mười hai tháng, mẹ chẳng biết thứ Bảy, Chủ nhật. Nhưng kỳ lạ, nhớ về mẹ, tôi lại nghĩ ngay đến tháng Bảy.

IMG_11082019_22.jpg


Hoa trắng mùa Vu lan - Ảnh minh họa của Nhuận Nguyện

Tháng Bảy, lúa đang kỳ “thiếu niên” - đấy là khoảng thời gian bận rộn nhất của mẹ. Lớp đồng ngoài, lớp đồng trong. Mẹ đi cấy cả ngày. Khuya dậy sớm, nấu cơm cho cả nhà rồi dỡ theo gô cơm ra đồng. Làm từ sáng sớm, trưa ăn cơm xong là xuống ruộng khom lưng liền, cấy tới chừng nào hết thấy đường mới chịu về. Ba tôi xót quá hét: chiều thì lo về chớ ở chi tới tối. Mẹ nói tranh thủ làm cho kịp, lúa lớn cấy xuống cứng đơ, mai mốt lấy đâu ra hạt.

Tháng Bảy, nước sông thong thả chảy, mẹ lại tranh thủ. Tranh thủ qua sông cắt tranh, vô rừng hái củi. Hồi đó làm gì có bếp ga. Nhà toàn chụm củi. Tin không, mẹ tôi lo củi chụm hết năm này sang năm khác - cho tới khi con gái nhận tháng lương đầu tiên mua tặng cái bếp ga mẹ mới chấm dứt “sự nghiệp” hái củi. Nghĩ lại cảnh đó thấy cực quá chừng. Khuya dậy ăn cục cơm nguội rồi tất tả vác sóc vô rừng, trưa về sẽ là gánh củi to. Gánh củi tới nhà, kịp lúc ba đi làm về, ông để vai vào gánh rước chỉ từ ngõ vô nhà nhưng “gắt”: làm gánh nhỏ thôi, gánh kiểu này ẹo lưng gãy vai còn đâu. Mẹ chỉ cười hề, lần đi lần khó. Mẹ là vậy, xưa giờ, chỉ giỏi ăn nhịn làm ráng. Hết hái củi đến đi cắt tranh. Trời còn chang chang nắng mẹ đã lo đến mùa mưa. Tháng Bảy, mẹ tranh thủ cắt tranh đánh tấm, sửa sang lại mái chuồng bò, chuồng heo, chuồng gà cho mùa mưa tới đàn gia súc gia cầm của mẹ được ấm áp.

Tháng Bảy, mẹ không về chùa, không biết cài hoa hồng lên ngực. Mẹ không biết khái niệm Vu lan Báo hiếu, không biết chuyện Mục Kiền Liên. Vâng, mẹ tôi không biết chữ, không bao giờ nói chuyện liên quan sách vở tích tuồng. Tháng Bảy, người người về chùa, trang nghiêm cài lên ngực hoa hồng tinh khôi, hoa hồng đỏ thắm để nhớ ơn sinh thành dưỡng dục. Còn mẹ tôi, đợi đến rằm, mẹ sẽ nấu chè cúng - mẹ nói rằm tháng Bảy là rằm lớn. Và ngày hôm đó, đằng nào mẹ cũng ra xóm đồng, dắt bà ngoại vô ăn chè. Nhìn cảnh mẹ con hủ hỉ, tôi cá không ai tin chuyện ngày xưa bà ngoại chưa cho mẹ bú sữa tròn tháng, mẹ lớn lên như cái cách những đứa trẻ mồ côi mồ cút. Vậy nhưng chưa bao giờ mẹ ghét bà ngoại, tủi thì có chứ ghét thì không - mẹ chỉ nói vậy chứ không nói yêu thương, hiếu nghĩa.

***

Tháng Bảy về rồi. Mới đó mà đã mười năm, tròn mười năm… con cài hoa hồng trắng trên ngực áo. Ngày mẹ về cõi vĩnh hằng, đó là ngày đau buồn nhất cuộc đời con. Con làm sao quên một ngày mưa, mẹ yếu ớt cầm tay, nhìn con âu yếm, rồi không thể nói một điều gì… và mẹ đi... Ngày mẹ mất, trời cũng đổ mưa khóc mẹ. Chị Hai bỏ theo mẹ chỉ vàng, mong mẹ đủ đầy. Con khóc nức nở... Mẹ ơi! Ngày còn sống, mẹ chắt chiu dành dụm, đủ sắm một lai, một phân vàng mẹ cũng mua. Mẹ để đó, các con cần, mẹ lần lượt bán đi để rồi khi mẹ mất, chúng con mở chiếc rương của mẹ, chỉ là những bộ đồ cũ nhàu, những cuống rốn của mấy chị em con, mẹ nâng niu, gìn giữ.

Tháng Bảy Vu lan. Mưa lại về. Tôi đưa mắt nhìn ra cánh đồng trắng mưa trước nhà, thấy bóng mẹ, mắt nhòa...

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày