Mẹ vui là... tụi con vui

GN - Tôi lên chuyến xe buýt số 62B-008.70 tuyến 622, lộ trình Bến xe Chợ Lớn - Tân Lân, ngày 17-8, lúc 15 giờ 30. Chiều thứ Bảy nên trên chuyến xe về không còn chỗ trống. Anh thanh niên trạc 30 tuổi trên tay đang cầm xấp vé số khoảng 50 tờ, lịch sự đứng dậy nhường ghế và nhẹ nhàng nói: “Con mời chú”. Tất nhiên tôi không quên cám ơn người thanh niên có hành động tử tế này.

anh 1.jpg


Người thanh niên giúp bà cụ bán vé số trên chuyến xe buýt - Ảnh: Nguyễn Minh Út

Chen từng bước chân qua từng hành khách trên xe, từ ghế sau tài xế đến hàng ghế cuối xe, người nào anh cũng luôn miệng mời: “Bà con ơi, mua giùm ‘cụ’ vài tờ vé số”. Tôi nhìn anh cứ ngỡ là anh đùa, nhưng nhìn nét mặt và cách ăn mặc (áo bỏ vào quần chỉn chu) thì trông anh rất nghiêm túc.

Khi anh đến bên tôi, trên tay chỉ còn có 5 vé cuối cùng. Anh nói: “Thầy lấy hết giùm ‘cụ’ làm phước đi, nha!”.

Tôi mỉm cười tự nhủ: anh này cũng lắm chiêu trò nịnh, mới gọi mình bằng chú, bây giờ đã gọi bằng “thầy” để bán vé số đây.

Cầm 5 tờ vé số trên tay, tôi trêu anh: “Cụ bán hết rồi đó, vui không?”. Anh cười nói: “Tui bán giùm bà cụ ngồi sau ‘thầy’ đó!”.

Bây giờ thì tôi mới vỡ lẽ, từ “cụ” mà anh dùng để bán vé số không phải là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất.

Bà cụ cho biết năm nay tròn 84 tuổi, ở ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, đang sống chung với con trai và con dâu là công nhân Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước (Long An).

Bà cho biết, ngày nào bà cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng, lấy 100 tờ vé số lên tuyến xe buýt số 622 để đi bán quanh khu vực Bến xe Chợ Lớn. Dù sớm hay trễ bà cũng phải bán hết rồi mới lên xe về. Mọi hôm vào ngày thứ Bảy, bà lấy thêm 50 vé nữa, nhưng hôm nay bán không hết. May nhờ có anh thanh niên bán giùm.

Bà tâm sự, chuyện bà bán vé số cho dù con trai và con dâu không đồng ý nhưng cũng phải chìu.

Bà nói: “Chúng nó nói, thôi thì mẹ đã muốn thì cứ làm, tụi con không dám cản; nhưng khi nào cảm thấy mệt, thấy chán thì mẹ cứ ở nhà chúng con nuôi”. Bà nói thêm: “Thú thiệt, tui đi như vầy thì khỏe ra, chứ ở nhà ăn ở không riết, chắc tui chết sớm quá. Hơn nữa có đồng ra đồng vô đỡ đần cho tụi nó, đồng nào hay đồng nấy”.

Bà cụ nói tiếp với giọng buồn buồn: “Thiệt tình, tui buôn bán như vầy cũng tội nghiệp tụi nó lắm. Đi tới đâu tui cũng nghe thiên hạ xầm xì: già như vầy mà sao con cháu không giữ ở nhà để nuôi nấng, để bả đi bán vé số chi cho khổ cái thân già; không khéo có ngày xảy ra tai nạn hay bệnh hoạn bất tử thì làm sao đây?”.

Mắt bà bỗng sáng lên nhìn thẳng vào tôi: “Mà cậu có biết tụi nó nghe rồi, tụi nó nói sao không?”. Tôi chưa kịp trả lời, bà tiếp luôn: “Chúng nó nói: mẹ nghe một chứ tụi con nghe mười lận; nhưng tụi con nghĩ là làm cho mẹ vui là tụi con vui rồi, ai nói sao cũng kệ, đèn nhà ai nhà nấy sáng mà mẹ”. Ngừng một chút, bà cụ nói như chỉ để một mình nghe: “Không biết kiếp trước tui ăn ở làm sao mà giờ này có được con trai và dâu thấu hiểu ruột gan tui quá. Tui cám ơn Trời Phật nhiều lắm!”.

Tôi bắt đầu khơi chuyện sang anh “cụ” mới biết, anh là nhân viên văn phòng một công ty tư nhân ở quận Bình Tân, TP.HCM. Chiều nào khi tan sở, anh cũng về nhà với bà nội ở ấp Long Thanh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Khi nghe tôi nói vài câu khen sự tử tế của một thanh niên, anh nói: “Tôi thấy bà cụ giống nội tôi nên bỗng nhiên nghe thương nội quá, thương bà mà bán giùm vậy thôi. Chuyện này tôi làm hoài hà!”.

Tôi thắc mắc vì sao làm việc giờ hành chính mà bây giờ anh có mặt trên xe thì được anh giãi bày: “Công ty biết tôi đang sống với nội ở quê nên du di giờ giấc cho tôi về với nội”.

Tôi lại hỏi: “Nếu ngày nào đó công ty không thể du di thì anh tính sao?”.

Người thanh niên không chút do dự, giọng chắc nịch: “Tôi phải xin nghỉ việc, kiếm nghề khác thôi… À, mà giờ này chắc nội tôi đang ngồi dưới gốc sứ trắng già trước sân đợi tôi đó!”.

Xe qua khỏi Cầu Tràm một đoạn, người thanh niên xuống xe. Tôi nhìn theo từng bước chân vội vã của anh, lòng thầm nghĩ, chắc anh không còn nhớ đến chuyện tử tế mình vừa làm và lòng anh đang nôn nao mong sớm về tới nhà sau một ngày vắng nội.

Trên chuyến xe chiều thứ Bảy, tình cờ biết được hành động của vợ chồng con bà cụ bán vé số và anh thanh niên, tôi thấy cuộc đời đáng sống làm sao. Ai dám bảo trong xã hội ngày nay sự tử tế, lòng hiếu thảo con người ít đi.

Nguyễn Minh Út

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày